Trải nghiệm

Có một “vương quốc” Pơ Mu phía sau đèo Sam Síp

Trải nghiệm - 06:30, 12/10/2019 G10T+7 - Nhà báo Trọng Chính

Sam Síp theo tiếng Thái cổ có nghĩa là 30 tầng dốc núi. Con đèo thực sự đủ chừng ấy khúc cua hiểm trở, đúng như cái tên nó được đặt cho trên cung đường chạy vắt ngang đỉnh núi quanh năm mây phủ.

Phía bên kia đèo Sam Síp là một “vương quốc” của hàng nghìn ngôi nhà 100% làm bằng gỗ Pơ Mu, đẹp lộng lẫy giữa núi rừng Ngọc Chiến.

Trên cung đường “Du miền sơn lãng”, để sang Ngọc Chiến (huyện Mường La, Sơn La) còn có một hướng đi khác. Từ ngã ba Kim (huyện Mù Cang Chải, Yến Bái), đi qua Nậm Khắt sau đó tiếp tục vượt sống núi thuộc dãy Hoàng Liên Sơn trên những cung đường đất về Ngọc Chiến. Khi nghe kể về 30 tầng dốc núi của đèo Sam Síp, tôi đã chọn hướng đi Ngọc Chiến từ trung tâm Mường La, dọc theo tỉnh lộ 106, vượt đèo về xứ sở của những nếp nhà gỗ Pơ Mu thơm lừng.

Cánh đồng Ngọc Chiến hình quả trám, hai đầu mở ra hai lối thông ra toàn thung lũng rộng lớn. Trên con đường dẫn vào “bản Pơ Mu” là cánh đồng vàng ruộm nếp Tan đặc sản.

Ngọc Chiến được ví như “vương quốc” Pơ Mu bởi có lẽ đây là nơi duy nhất ở Việt Nam còn đến cả ngàn nếp nhà sàn 4 mái, lợp bằng “ngói” gỗ Pơ Mu có tuổi cả trăm năm. Ở độ cao trung bình gần 2.000m so với mực nước biển, khí hậu ở Ngọc Chiến mát mẻ quanh năm nên đây cũng được coi là một vùng đất với nhiều điều bí ẩn và những suối nước nóng tự nhiên, có khả năng chữa bệnh.

Qua đèo Sam Síp, khí hậu ở Ngọc Chiến chuyển sang se lạnh, mây trắng giăng mắc, bao phủ khắp các ngọn núi. Không chỉ dựng nhà bằng chất liệu "độc", các “Bản Pơ Mu” ở Ngọc Chiến còn được quy hoạch tài tình bởi bà con dân tộc Thái. Từ nhà này sang nhà khác, từ dãy này sang dãy khác đều có khoảng trống và có lối đi xuyên kiểu ô bàn cờ.

Người Thái là dân tộc chiếm đa số ở Ngọc Chiến. Họ sinh sống ở 29 bản trong xã và hầu hết đều mang tên chung là "bản Pơ Mu", theo cách gọi của những vị khách đến thăm nơi đây. Hàng nghìn ngôi nhà, gần như 100% được dựng từ gỗ Pơ Mu, loại gỗ quý, có tinh dầu thơm và không bị mối mọt theo thời gian. Tất nhiên, với chủ nhân của những ngôi nhà, bà con người Thái ở đây vẫn thích khách gọi tên cụ thể bản của họ là Nà Tâu, Phảy, Lướt, Chiến...

Nằm ẩn trong những thung lũng nhỏ quanh năm mây vờn nơi lưng dãy Hoàng Liên Sơn là một không gian mang tông màu trầm của “vương quốc” Pơ Mu.

Nếu quy ra tiền, nếp nhà gỗ Pơ Mu cổ kính ở Ngọc Chiến có giá cao cũng cả tỷ đồng, loại nhỏ đến vài trăm triệu nhưng hầu như không ai vì tiền mà bán đi nếp nhà sàn cổ do tiền nhân để lại. Các cao niên người Thái ở đây kể lại rằng, muốn làm một ngôi nhà sàn Pơ Mu, tiền nhân của họ cần ít nhất 15m3 gỗ. Đó phải là những cây gỗ Pơ Mu già, vỏ có vết nứt theo chiều dọc. Gỗ Pơ Mu khi chế tác không dùng cưa mà sử dụng dao chẻ ra, thành kẽ rồi dùng nêm gỗ tách từng tấm theo thớ gỗ để cho ra những tấm ván thẳng tắp.

Chế tác những viên “ngói” gỗ Pơ Mu lợp mái nhà được coi là công đoạn khó nhất. Viên “ngói” gỗ Pơ Mu thường rộng 50cm và dài 1m nên việc lợp mái nhà sàn Pơ Mu cũng rất công phu. Mái phải được lợp từ nóc xuống, tính theo thớ gỗ để nước xuôi dòng chảy. Có thế, mái nhà sàn lợp gỗ Pơ Mu mới không bị cong vênh, mối mọt theo thời gian, mùa đông thì ấm mà mùa hè thì mát.

Những viên "ngói" gỗ Pơ Mu lợp mái nhà có bản rộng 50cm và dài 1m, được đan lồng lên nhau, ngả màu đen xếp đều tăm tắp trên nóc nhà.
Ở các “Bản Pơ Mu”, những nếp nhà được sắp theo hình răng lược, nhuốm màu rêu phong và nằm trên những con đường làng quanh co, khúc khuỷu.

Trải bao đời người, cả trăm mái nhà sàn ở Ngọc Chiến cứ nối san sát nhau. Trên mái những ngôi nhà ấy, miếng “ngói” Pơ Mu lâu năm ngả màu đen vẫn bền theo thời gian, xếp đều tăm tắp. Không ai biết chính xác việc dựng những nếp nhà bằng Pơ Mu ở đây bắt đầu có từ khi nào, chỉ biết rằng, nơi từng là đại ngàn Pơ Mu thì nay khó để tìm được một cây gỗ quý này. Có chăng, chỉ còn lại bên trong những nếp nhà là màu nâu của gỗ quý, dậy lên mùi thơm lừng của thiên nhiên khiến ta nhớ về huyền thoại của một "vương quốc" cây Pơ Mu.

Có những ngôi nhà cổ, nằm chênh vênh bên sườn núi nhưng có cả khoảng ao trước sân.
Ngôi nhà thưng gỗ Pơ Mu nổi bật bên đồi đất gan gà, mái nhà lâu năm mọc rêu nhưng những thớ Pơ Mu vẫn săn chắc. Trải bao thế hệ, những miếng “ngói” pơ mu lâu năm đã ngã đen nhưng vẫn bền vững với thời gian, xếp đều tăm tắp.
Với lối kiến trúc ghép nhà từ gỗ Pơ Mu, một ngôi nhà sàn thường có 5 gian, bốn mái với một lầu tứ giác nhỏ ở phía bên trái. Đây thường là nơi gia chủ làm một khoảnh vườn nhỏ, thậm chí vườn treo những đóa lan rừng như trong ảnh.
Phía ngoài ngôi nhà, tường rào được đan khéo léo bằng chất liệu tre trúc.
Nếu không tìm được nhà nghỉ, phòng trọ khi đến Ngọc Chiến, bạn có thể vào bất cứ gia đình nào, gia chủ sẽ giúp có nơi ăn ngủ cùng họ ở gian nhà sàn Pơ Pu trang trọng nhất.


Bạn đang đọc bài viết Có một “vương quốc” Pơ Mu phía sau đèo Sam Síp tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục