Chuyển động

Golf tạo ra những khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi mang tính xanh cho cộng đồng

Chuyển động - 23:30, 14/10/2018 G10T+7 - Hải Đăng

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, khi xây dựng sân golf chủ đầu tư phải tạo một môi trường xanh để thu hút người chơi. Để có môi trường xanh, họ phải trồng cây, có bãi cỏ, có các cảnh quan tự nhiên... Ở một góc độ nào đó, sân golf đang góp phần bảo vệ môi trường.

Golf là môn thể thao thịnh hành trên thế giới, được du nhập vào Việt Nam từ 20 năm trước. Người dân đã biết đến golf nhiều hơn và đã có thể bàn luận về golf như một môn thể thao, một sở thích. Việt Nam đã mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, các nhà đầu tư và khách du lịch nước ngoài vào nước ta ngày càng đông, do đó cần có những sân golf nhằm tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, du lịch. Golf cũng là môn thể thao có thể mang lại những lợi ích kinh tế - xã hội không nhỏ thông qua việc đóng góp cho ngân sách, giải quyết công ăn việc làm và thu hút khách du lịch cao cấp.

Hoàn thiện chuỗi du lịch từ nghỉ dưỡng đến giải trí

Trao đổi với Reatimes, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, vai trò của golf đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam là không thể phủ nhận. Golf là môn thể thao giúp cho những người có điều kiện về mặt kinh tế tập hợp lại với nhau, có không gian để trò chuyện, kết bạn, bàn bạc công việc làm ăn.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

Xa hơn nữa, khi mà chúng ta thu hút được các giải golf quốc tế có uy tín đến với Việt Nam thì chúng ta cũng sẽ lôi kéo được những người giàu ở các quốc gia khác đến với Việt Nam. Tạo điều kiện cho họ có thời gian quan sát nền kinh tế, địa thế, vị trí của Việt Nam. Trên cơ sở đó họ sẽ xem xét quyết định kết hợp với các nhà đầu tư trong nước tiến hành đầu tư vào Việt Nam. Đầu tư sân golf được coi là động thái đón đầu xu hướng giải trí của các nhà quản trị cao cấp nước ngoài, đặc biệt là trong bối cảnh vốn FDI vào Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo.

Theo ông Thịnh, hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cũng như việc lưu chuyển vốn tương đối dễ dàng thì thực sự các nhà đầu tư trên thế giới có rất nhiều cách khác nhau để tiếp cận được một quốc gia hoặc địa phương nào đó. Nhưng khi chúng ta phát triển golf, chúng ta có thể giúp cho các nhà đầu tư nhìn nhận vấn đề khác đi. Nó vừa mang tính chất giải trí vui chơi nhưng đồng thời cũng là khoảng thời gian để những người có tiền tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Ngoài vai trò thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sân golf còn giúp hoàn thiện chuỗi du lịch từ nghỉ dưỡng tới giải trí. Việc sở hữu một sân golf giúp doanh nghiệp tăng đáng kể danh tiếng và đẳng cấp, đồng thời thúc đẩy lượng khách đến với các khu biệt thự, khách sạn, nghỉ dưỡng và các dịch vụ tiện ích khác kèm theo xung quanh các sân golf.

Giải bài toán kinh tế, môi trường

Golf đóng vai trò quan trọng trong vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương với một mức lương hợp lý. Tuy nhiên, khi cách mạng công nghệ cao xâm nhập vào Việt Nam thì rõ ràng rất nhiều ngành nghề của chúng ta đã thay đổi. Trong tương lai gần, máy móc sẽ sớm thay thế con người ở một số vị trí, vậy số lao động dư thừa sẽ phải bố trí vào đâu? Theo TS. Đinh Trọng Thịnh, đây là một bài toán khó đối với nhà quản lý. Chúng ta buộc phải đối diện thực tế để tìm ra giải pháp phù hợp. Làm sao để vừa có thể cải thiện chất lượng dịch vụ cho phù hợp với xu thế, vừa có thể đảm bảo sân golf là nơi chứa đựng một lượng lao động nhất định cho xã hội.

Các sân golf đều gắn với các vùng, địa phương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ, là các vùng đất cát, đất trống đồi trọc, không có khả năng sản xuất nông nghiệp và trồng rừng. Theo kết quả rà soát của Bộ Kế hoạch Đầu tư, diện tích đất lúa chiếm 2% tổng diện tích đất dành cho các sân golf, trong đó hoàn toàn không có đất lúa hai vụ. Một số ý kiến cho rằng, việc làm sân golf trên những vùng đất không có khả năng canh tác sẽ giúp vùng đất đó hồi sinh, hiệu quả kinh tế mang lại sẽ lớn gấp nhiều lần so với phát triển nông nghiệp.

Đưa ra quan điểm về nhận định trên, TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, để đánh giá đúng hiệu quả kinh tế - xã hội của việc phát triển sân golf, chúng ta cần khảo sát nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này. Trên cơ sở đó có thể so sánh hiệu quả đầu tư phát triển sân golf với đầu tư phát triển nông nghiệp trên diện tích đất xây dựng sân golf.

"Để biến một số vùng đất trống, đồi núi trọc thành sân golf, chủ đầu tư sẽ phải bỏ ra một số tiền rất lớn. Không chỉ xây dựng sơ sở hạ tầng phục vụ cho sân golf, chủ đầu tư còn phải tính tới chuyện cải tạo cảnh quan, duy trì nguồn nước...Ý nghĩa mà nó mang lại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn. Để xây dựng một sân golf, nhà đầu tư phải tính toán rất nhiều, đặc biệt là hiệu quả kinh tế mà nó mang lại', ông Thịnh phân tích.

Về vấn đề môi trường, vị chuyên gia kinh tế cho rằng, khi xây dựng sân golf chủ đầu tư phải tạo một môi trường xanh để thu hút người chơi. Để có môi trường xanh, họ phải trồng cây, có bãi cỏ, có các cảnh quan tự nhiên... Ở một góc độ nào đó, sân golf đang góp phần bảo vệ môi trường. "Vấn đề đặt ra là chúng ta cũng phải cân đối giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường. Làm thế nào để lợi ích mà sân golf đem lại về mặt môi trường được đảm bảo, tạo ra những khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi mang tính xanh cho cộng đồng".

Định hướng cho tương lai

Bàn về định hướng phát triển cho thị trường golf Việt Nam trong tương lai, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, đối tượng mà các sân golf hướng tới không nên bó hẹp chỉ những người chơi golf. Chủ đầu tư cần thu hút thêm nhiều đối tượng khác, cung cấp những dịch vụ nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí đi kèm cho họ. Điều này có thể giúp doanh nghiệp nâng cao thu nhập, quảng bá cho sân golf, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương.

"Hiện nay, chi phí để mỗi hội viên tham gia chơi golf còn rất cao, điều này có thể khiến người chơi golf ít đi. Nhưng nếu nhà đầu tư đa dạng hóa đối tượng khách hàng đến sân golf, biến sân golf trở thành sân chơi bổ ích cho không chỉ golf thủ mà còn cho cả cộng đồng thì khoản chi phí này sẽ được giảm thiểu. Câu chuyện sẽ diễn ra theo một chiều hướng hoàn toàn khác.

Các sân golf nên chủ động thích nghi với xu hướng chung của thế giới. Trong tương lai, với sự phát triển của nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ tăng cao, những người được xếp vào hàng giàu có cũng sẽ tăng lên nhanh chóng. Chính vì vậy, việc phát triển của thị trường golf Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Chúng ta cũng hi vọng rằng, golf sẽ trở thành một sân chơi bổ ích cho người có thu nhập cao trong tương lai không xa", ông Thịnh lưu ý.

Nhìn ra các quốc gia trong khu vực, golf từ lâu đã được coi là một môn thể thao chuyên nghiệp, được quan tâm, đầu tư có định hướng, có trọng điểm, sân golf và các dịch vụ đi kèm rất phát triển. Chúng ta cần định vị lại môn thể thao golf và kinh tế golf trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Các đơn vị liên quan cần có trách nhiệm hơn trong việc nâng cao nhận thức xã hội về môn thể thao, lĩnh vực kinh tế này, qua đó khai thác hiệu quả hơn các mặt tích cực của golf tại Việt Nam.

Bạn đang đọc bài viết Golf tạo ra những khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi mang tính xanh cho cộng đồng tại chuyên mục Chuyển động của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục