Chính sách

Hạ tầng và quy hoạch là "nút thắt" của ngành du lịch

Chính sách - 23:30, 06/06/2019 G6T+7 - Tuấn Việt

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, những chỉ số thấp như hạ tầng du lịch (113/136), mức độ ưu tiên ngành du lịch, mở cửa quốc tế, miễn thị thực... đã làm ảnh hưởng đến tiềm năng của ngành du lịch.

Tháo gỡ “nút thắt” để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Tại phiên chất vấn chiều 5/6, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (TP. Hà Nội) nêu vấn đề: "Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã xếp hạng năng lực cạnh tranh về du lịch của 136 nền kinh tế, Việt Nam được xếp 30/136 về tài nguyên văn hoá, 34/136 về tài nguyên thiên nhiên, nhưng tổng thể cạnh tranh của du lịch Việt Nam chỉ đứng thứ 67/136 nền kinh tế. Đâu là nút “thắt cổ chai” dẫn đến tình trạng ấy, những giải pháp đột phá?".

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, chúng ta có nhiều điểm mạnh về du lịch nhưng những chỉ số thấp như hạ tầng du lịch (113/136), mức độ ưu tiên ngành du lịch, mở cửa quốc tế, miễn thị thực... đã làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Lý giải về việc 5 tháng đầu năm du lịch tăng trưởng chậm, Bộ trưởng Thiện cho rằng một phần vì lượng du khách Trung Quốc giảm. Nhiều nước cũng mong muốn thu hút được du khách Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịchNguyễn Ngọc Thiện.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp nhiều hơn nữa trong tỷ trọng của nền kinh tế đất nước.

"Giải pháp nào để giải quyết mâu thuẫn giữa mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn nhưng vẫn giữ gìn bản sắc dân tộc, bảo tồn văn hoá?", vị này đặt câu hỏi.

Bộ trưởng cho biết, ngành du lịch hiện mới đóng góp 9% GDP. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị nêu rõ, phấn đấu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đến 2020 du lịch sẽ đón 17 - 20 triệu lượt khách quốc tế, khi nào đóng góp 10% GDP thì mới có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo đó, cần phải khắc phục những hạn chế của du lịch Việt Nam như năng lực cạnh tranh, hạ tầng du lịch, quản lý nhà nước về du lịch…

Liên quan đến phát triển du lịch nhưng không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, không làm phá vỡ di sản văn hoá, Bộ trưởng Thiện cho rằng, đây là vấn đề lớn đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý “mọi cái có thể xây dựng được, nhưng di sản văn hoá thì không thể làm lại được”.

Ngành du lịch không phải là “ngôi sao cô đơn"

Trả lời thêm cho câu hỏi của đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) về điểm nghẽn và giải pháp đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, điểm nghẽn đầu tiên của du lịch là hạ tầng.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, toàn xã hội đã vào cuộc

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, toàn xã hội đã vào cuộc.

"Hiện nay hạ tầng sân bay quá tải, khách đến nhiều sân bay không có chỗ đỗ, đợi làm thủ tục rất lâu, nếu tăng lượng khách 20% rất khó đáp ứng", ông Thiện cho hay.

Về vấn đề thị thực, chúng ta đứng thứ 116. "Nếu không tháo gỡ vấn đề này rất khó xúc tiến du lịch", Bộ trưởng Bộ VHTTDL nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến quảng bá được đánh giá là còn hạn chế, kinh phí cho xúc tiến quảng bá còn ít.Một năm Việt Nam chỉ đầu tư 2 triệu USD nhưng các nước xung quanh như Thái Lan vào khoảng 100 triệu. Đặc biệt là các văn phòng xúc tiến, quảng bá du lịch ở nước ngoài thì Việt Nam lại không có. Trong khi đó, Thái Lan có đến 28 văn phòng.

Đặc biệt là sự thiếu hụt về nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các nhà quản lý khách sạn 4-5 sao, hiện nhóm này vẫn phải thuê người nước ngoài.

Trước băn khoăn của một đại biểu "du lịch có phải ngôi sao cô đơn"?, Bộ trưởng Thiện khẳng định không phải: "Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, toàn xã hội đã vào cuộc. Có ban chỉ đạo về du lịch do Phó Thủ tướng Võ Đức Đam chỉ đạo. Chúng tôi rất mong các ngành, các cấp và toàn dân quan tâm đến du lịch".

 

Bạn đang đọc bài viết Hạ tầng và quy hoạch là "nút thắt" của ngành du lịch tại chuyên mục Chính sách của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục