Aa

"Mắc cạn" trong dự án Alma, khách hàng "tố" Công ty TNHH Vịnh Thiên Đường lừa đảo

Thứ Sáu, 19/08/2016 - 19:08

Nhiều khách hàng đã sở hữu kỳ nghỉ tại dự án Alma của Công ty TNHH Vịnh Thiên Đường đang “tố” công ty này có dấu hiệu lừa đảo. Bản hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ mà Công ty Vịnh Thiên Đường ký với khách hàng có những điều khoản vô lý khiến khách hàng "mắc cạn".

Khách hàng bất lợi đủ đường

Gần đây báo Gia đình Việt Nam đã nhận được rất nhiều đơn thư phản ánh của bạn đọc là khách hàng đã sở hữu kỳ nghỉ tại dự án Alma của Công ty TNHH Vịnh Thiên Đường “tố” công ty này có nhiều dấu hiệu “lừa bịp” khách hàng.

Cụ thể, anh Phan Lưu S. (Hoàng Mai, Hà Nội) một trong những khách hàng đã mua kỳ nghỉ tại dự án này cho biết, năm 2014, anh đã ký hợp đồng “Sở hữu kỳ nghỉ” với công ty TNHH Khu Du Lịch Vịnh Thiên Đường để thuê một căn hộ (lặp lại trong thời hạn khoảng 40 năm) thuộc Khu nghỉ dưỡng cao cấp Alma, Khu Du lịch Bắc Bán Đảo Cam Ranh, Cam Lâm, Khánh Hòa).

Tuy nhiên, đầu năm 2015, gia đình anh có qua dự án thì choáng váng nhận ra dự án vẫn là bãi cát hoang. Đến gần 1 năm sau khi ký hợp đồng, dự án Alma mới hoàn thành việc thử nghiệm cọc, thông tin này anh S. được biết qua website của Alma.

“Tính đến nay, tôi đã nộp tới gần 170 triệu đồng và được sử dụng 2 lần dịch vụ. Trong đó có một lần gia đình tôi không sử dụng quyền nghỉ dưỡng (1 tuần tại khách sạn 5 sao) nên đã được công ty Vịnh Thiên Đường “bán” giúp với giá... 2 triệu đồng” – anh S. cho biết.

Phối cảnh dự án Alma rất hoành tráng nhưng không biết đến khi nào mới hoàn thành.

Bên cạnh đó, cũng theo anh S., những dịch vụ nghỉ dưỡng được Công ty Vịnh Thiên Đường quảng cáo là chất lượng 5 sao thì cũng chỉ là một dạng nhà nghỉ du lịch thông thường khiến anh S và rất nhiều khách hàng khác của dự án này vô cùng thất vọng.

Đáng nói hơn, anh S. cho biết, khi có ý định muốn đòi lại tiền đặt cọc anh đã liên hệ với công ty TNHH Khu Du Lịch Vịnh Thiên Đường, tuy nhiên, anh đã nhận được câu trả lời rằng, tiền đã nộp cho công ty rồi thì không trả lại. Chính vì vậy, anh S. cho rằng mình đã bị lừa.

Trường hợp của anh Phan Lưu S. chỉ là một trong rất nhiều khách hàng đã tin tưởng và đầu tư một khoản tiền không nhỏ vào sở hữu kỷ nghỉ tại dự án Alma. Tuy nhiên, họ không những đã không đạt được sự hài lòng, lại còn đang phải đối mặt với nguy cơ mất trắng hàng trăm triệu đồng tiền mua quyền sở hữu kỳ nghỉ tại dự án này.

Theo đó, nhiều khách hàng của công ty này cho biết, họ đã ký hợp đồng “Sở hữu kỳ nghỉ” với công ty TNHH Khu Du Lịch Vịnh Thiên Đường từ khoảng năm 2014 để thuê một căn hộ (trong thời hạn khoảng 40 năm) thuộc Khu nghỉ dưỡng cao cấp Alma, Khu Du lịch Bắc Bán Đảo Cam Ranh, Cam Lâm, Khánh Hòa). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chỉ là bãi cát hoang.

Bên cạnh đó, khi không hài lòng về dự án cũng như chất lượng dịch vụ nghỉ dưỡng và có ý định đòi lại tiền đặt cọc, những khách hàng này đã nhận được câu trả lời từ phía Công ty TNHH Khu Du Lịch Vịnh Thiên Đường là: Tiền đã nộp cho công ty rồi thì không trả lại. Do đó, họ cho rằng mình đã bị lừa đảo với nguy cơ mất trắng hàng trăm triệu đồng.

Đi sâu tìm hiểu vụ việc này, nghiên cứu cụ thể thông tin và hồ sơ mà khách hàng cung cấp, PV đã bất ngờ tìm ra nguyên nhân đẩy những khách hàng của Công ty TNHH Khu Du Lịch Vịnh Thiên Đường vào tình thế “đường cùng”. Theo đó, tại bản Hợp đồng Sở hữu kỳ nghỉ mà Công ty Vịnh Thiên Đường ký với khách hàng, hàng loạt những điều khoản “kỳ lạ” đã được “cài cắm” cẩn thận nhằm gây bất lợi cho khách hàng, mà nếu không xem xét kỹ có lẽ những người mua kỳ nghỉ này khó có thể nhận ra!?

Khách hàng không được phép khiếu kiện… kể cả khi Vịnh Thiên Đường sai luật?

Vô lý hơn, tại Điều 9: Bồi thường, Hợp đồng này nêu rõ: Khách nghỉ dưỡng tuyên bố và xác nhận rằng trước khi ký kết hợp đồng này với công ty đã đọc và hiểu toàn bộ Hợp đồng này và các phụ lục của Hợp đồng này, đã xem xét và kiểm tra các cam đoan và cam kết của công ty là rõ ràng đối với khách nghỉ dưỡng.

Do đó, theo hợp đồng này, khách nghỉ dưỡng đồng ý rằng, khách nghỉ dưỡng sẽ không thực hiện bất kỳ khiếu nại hoặc kiếu kiện nào chống lại Công ty…!?

bai-2-soc-voi-nhung-dieu-khoan-ky-la-trong-hop-dong-cua-alma-giadinhvietnam.com 2Điều 8 và Điều 9 quy định Khách nghỉ dưỡng sẽ không thực hiện bất kỳ khiếu nại hoặc kiếu kiện nào chống lại Công ty…!? và Trong mọi trường hợp, Công ty sẽ không có nghĩa vụ hoàn trả cho khách nghỉ dưỡng một phần hoặc toàn bộ tiền đặt cọc hoặc thanh toàn mà khách nghỉ dưỡng đã thanh toán?

Như vậy, bằng điều khoản này, Công ty Vịnh Thiên Đường đã “ngăn chặn” mọi hành vi khiếu kiện của khách hàng. Đây có lẽ là điều khoản “hiếm có khó tìm”, vô cùng thức thời và sáng tạo mà chỉ có Vịnh Thiên Đường mới có thể nghĩ ra nhằm tránh những rắc rối liên quan đến pháp luật cho mình.

Cũng vì “phát minh vĩ đại” này mà câu hỏi đặt ra là, liệu Vịnh Thiện Đường có thể “ung dung” trong bất kỳ trường hợp nào, kể cả khi Công ty này sai luật?

Cấm các khách hàng cung cấp thông tin cho báo chí?

Đây có lẽ là quy định “lạ đời” và “mờ ám” nhất từ trước đến nay trong Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ của Công ty Vịnh Thiên Đường.

bai-2-soc-voi-nhung-dieu-khoan-ky-la-trong-hop-dong-cua-alma-giadinhvietnam.com 3Điều 13: Vịnh Thiên Đường cấm các khách hàng cung cấp thông tin cho báo chí?

Theo đó, điều 13: Bảo mật trong bản Hợp đồng của công ty này quy định:Không bên nào cung cấp bất kỳ thông cáo báo chí nào hoặc tuyên bố trước công luận hoặc giao tiếp với bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng, hoặc bên thứ 3 nào liên quan đến hợp đồng này hoặc giao dịch dự kiến tại đây mà không có sự phê chuẩn trước của bên còn lại...

Mọi thông tin sẽ được giữ bí mật một cách nghiêm ngặt và các bên sẽ không báo cáo, tiết lộ cho bên thứ ba hoặc công bố thông tin đó... - Hợp đồng Sở hữu kỳ nghỉ ký giữa Công ty TNHH Khu Du Lịch Vịnh Thiên Đường với khách hàng nêu rõ.

Tiền đã nộp cho Vịnh Thiên Đường thì không trả lại?

Cụ thể, theo Điều 10: Các vi phạm, Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ ký giữa Công ty TNHH Khu Du Lịch Vịnh Thiên Đường với khách hàng quy định: Nếu khách nghỉ dưỡng (khách hàng đã ký Hợp đồng Sở hữu kỳ nghỉ) vi phạm bất cứ quy định nào trong Hợp đồng này và không khắc phục được vi phạm đó trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày được công ty yêu cầu khắc phục vi phạm đó bằng 1 thông báo bằng văn bản gửi bởi Công ty, Công ty sẽ có quyền, mà… không theo bất kỳ luật nào, đơn phương chấm dứt hợp đồng này

Sau đó, Công ty sẽ có quyền giữ lại và sở hữu toàn bộ tiền đặt cọc (hoặc bất kỳ phần nào của tiền đặt cọc) và nếu vì bất kỳ lý do nào Công ty chưa nhận được đầy đủ tiền đặt cọc vào ngày chấm dứt , có quyền yêu cầu khách nghỉ dưỡng thanh toán đầy đủ cho công ty trong 7 ngày kể từ ngày chấm dứt các khoản tiền còn lại của tiền đặt cọc và khoản lãi chậm thanh toán… và yêu cầu, khách nghỉ dưỡng thanh toán cho Công ty khoản bồi thường cho các chi phí tổn thất và thiệt hại mà Công ty phải gánh chịu phát sinh từ hoặc liên quan đến việc vi phạm hợp đồng này.

Để tránh hiểu lầm, trong mọi trường hợp, Công ty sẽ không có nghĩa vụ hoàn trả cho khách nghỉ dưỡng một phần hoặc toàn bộ tiền đặt cọc hoặc thanh toàn mà khách nghỉ dưỡng đã thanh toán - Hợp đồng Sở hữu kỳ nghỉ ký giữa Công ty TNHH Khu Du Lịch Vịnh Thiên Đường với khách hàng nêu rõ.

Quy định cụ thể và hết sức chặt chẽ với các điều khoản nhằm giữ lại tiền đặt cọc của khách hàng khi vi phạm hợp đồng là như vậy, thế nhưng, trong bản Hợp đồng của Vịnh Thiên Đường, tuyệt nhiên không hề có bất cứ điều khoản nào về việc công ty này sẽ bồi thường cho khách hàng ra sao khi chính họ vi phạm hợp đồng!? Liệu điều này có quá “ngược đời” và bất công?

Đáng nói hơn, theo nhiều khách hàng của Công ty Vịnh Thiên Đường, vào thời điểm họ đến ký hợp đồng chính thức, các nhân viên của công ty này tỏ ra rất gấp gáp do có việc đột suất và yêu cầu họ ký nhanh vì hợp đồng rất “chuẩn chỉ” theo đúng quy định của pháp luật.

Vì quá tin tưởng, những khách hàng này đã ký vào bản Hợp đồng mà chưa xem xét kỹ các điều khoản. Và kết quả là khi sự việc “bung bét” như thời điểm hiện tại, nhiều khách hàng mới tá hoả ra rằng mình đã bị đưa vào “tròng”!

Sở hữu kỳ nghỉ (Timeshare) được định nghĩa là việc mua kỳ nghỉ trong một khoảng thời gian cố định trong năm, kéo dài một, hai hoặc vài chục năm tại căn hộ của một khu nghỉ dưỡng (resort) nào đó. Khách hàng khi sở hữu kỳ nghỉ có thể sử dụng dịch vụ tại một resport cố định hoặc trao đổi Timeshare của mình với resort khác trong hệ thống các resort có kết nối là thành viên của của một hệ thống. 

Trên thế giới, Timeshare đã có lịch sử ra đời phát triển hơn 50 năm, mang lại nhiều lợi ích không chỉ với chủ đầu tư mà cả khách hàng sử dụng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khi áp dụng loại hình sở hữu kỳ nghỉ này vào thị trường du lịch nghỉ dưỡng, nó đã xuất hiện nhiều “biến tướng” khó lường gây rủi ro rất lớn cho khách hàng!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top