Aa

Ngồi lại với nắng Hội An

Thứ Hai, 09/03/2020 - 11:29

Nhìn nắng ngồi với nắng ở Hội An thấy mình cần học cái sự bình thản nhẫn nhịn của người vùng này. Có gì cứ từ từ tính, mai có nắng rồi tính. Ngồi lại với nắng Hội An, lòng tôi luôn yên tĩnh...

Hội An có một làng dừa bảy mẫu ở Cẩm Thanh, có chàng trai múa thuyền thúng quay như chong chóng. Hội An có làng mộc Trà Bồng, làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, miền đất này yên ả sống, và miền đất này có nắng để ngồi lại với nắng, để ngoảnh lại nắng. Hội An, tôi đến rồi nhiều lần trở lại.

Tôi chọn ở lại ngôi nhà có tới ba mặt nhìn ra đồng lúa ở An Mỹ, Hội An. Từ nhà nghỉ có thể đi bộ quanh đồng lúa, nếu rẽ phải thì ra tới biển Cửa Đại, rẽ trái thì về phố Hội xem đèn, xem nhà cổ, thích thì thuê xe đạp đi làng rau Trà Quế. Tạt vào phố Hội những ngày cuối xuân, con đường bên lúa sắp lên đòng. Mùi lúa và hương lúa đã nguội quên bỗng nhớ lại. Mỗi năm người dân nơi đây chỉ trồng lúa một vụ, làng không giàu có nhưng đủ ăn, thung dung.

Cánh đồng lúa xanh ngát ở An Mỹ

Múa thuyền thúng ở làng dừa bảy mẫu Cẩm Thanh

Mấy năm nay, người An Mỹ đi làm thêm du lịch, phục vụ quán ăn, bán sản phẩm du lịch, bán món ăn xứ Quảng, cũng đủ sống. Nhìn lúa đang lên đòng và môi trường trong lành ở An Mỹ, hèn nào những người nước ngoài về đây thuê nhà dân nghỉ dưỡng mùa hè. Những người châu Âu, người ở Na Uy, người vùng Đông Bắc quả đất quanh năm chỉ có tuyết và sương mù, họ hay chọn nghỉ dưỡng ở quanh làng để ra biển Cửa Đại phơi nắng là lý tưởng nhất. 

Hình như thời gian ở Hội An chạy chậm hơn những nơi khác. Đâu chỉ có lúa một năm trồng một vụ, làng gốm Thanh Hà cũng chỉ đơn giản đốt lò bằng củi, chưa có lò ga như ở gốm Bát Tràng Hà Nội hay gốm Chu Đậu Hưng Yên. Người Hội An đi chậm, nói chậm, vẫn thủng thẳng theo nhịp an nhàn, gặp mưa không chạy ở nơi ít nhà hai tầng và nhiều nhà còn đun bếp bằng vỏ dừa và củi. Hơi lửa của bếp vùng này vẫn còn quấn quýt gần người. Buổi sớm mở mắt ra đã thấy chim hót ríu ran trên những vườn cau bung hoa, mở cửa sổ đã đầy ắp đồng lúa, chẳng có nhạc sập xình như ở phố, chỉ có tiếng gọi gà nhà hàng xóm len lỏi vào lúc nắng lên.

Nhà bán đèn lồng nơi phố Hội

Tôi làm quen với chị Thẩm hàng xóm vào một buổi sớm khi ăn cao lầu xong. Cả hai cùng nhận ra mình ở ngoài Hà Nội vào. Chị thuê nhà dân để tĩnh tại nơi cửa biển, chị chia sẻ: “Tôi hay trở lại nơi này, như một cái duyên, mỗi khi gặp trở ngại, phiền muộn thì tìm về đây, nhìn lại mình có thất bại trong việc dạy con hay không?”. Dù có khi đứng ở vị trí luật sư cãi trước lúa: Con người số phận nó thế, mỗi người có một số giầy đo chân, mỗi người chạy theo một phận giống như cô con gái của chị, nó cũng vừa ly hôn với chồng, dù không có tranh chấp tài sản gì nhưng chị, trái tim làm mẹ vẫn rất buồn. 

Chưa bao giờ tỷ lệ ly hôn của người trẻ ở thành thị cao như bây giờ, thích thì lấy, không thích thì bỏ. Nếu có con, con nhờ vả cho ông bà ngoại nuôi hay ông bà nội chăm. Mỗi đứa một phương trời mới. Cũng may hai đứa chưa có con, cưới xin được hơn một năm thì ly hôn, nghe chúng đối thoại như không có chuyện gì xảy ra, còn người mẹ nghe xong thì xây xẩm mặt mày. Vì chị cũng chia tay chồng, chẳng lẽ số phận con gái cũng là phiên bản của chị? 

Lần này chị ngồi lại với nắng để phơi nỗi buồn của riêng mình cho nắng biết. Chị rủ con gái, nó không thích. Nó thích nghe nhạc mở to, thích lang thang bát phố, thích ăn cơm bụi hơn ăn ở nhà. Nghĩa là con chị và chị giống hai mũi tên ngược chiều nhau. Chị nhẫn nại nhìn nắng, trong người phụ nữ không nhẫn được thì sẽ đi tới đâu? Con gái chị nói với mẹ: “Nhẫn để làm gì, anh hàng xóm không hợp thì chia tay. Thế thôi, mẹ nghĩ phức tạp làm gì”. Có thể nắng sẽ nghĩ chị đã già, và phiền phức hơn thế hệ trẻ.

Buổi sớm, hai chúng tôi ra biển Cửa Đại, nơi có cả một rặng dừa trên xoải cát dài. Những bao tải cát chặn sóng và những du khách đi bộ ven biển.

Rặng dừa dài nơi bãi biển Cửa Đại

Nắng ở biển Cửa Đại và người thợ khâu giày đóng giày ở đây nói rằng anh ta sống được nhờ du khách nước ngoài đặt đóng đôi dép xăng đan đi mùa hè, hoặc đóng giày cho mùa đông, hoặc sửa giày một lúc chờ là có thể đi ra sân bay về nước, giá rẻ. Vì có uy tín, nghề đóng giầy đo chân của anh đủ sống nuôi một vợ, một mẹ già và một con thơ. Nhưng cô vợ lại bán thêm mũ và áo tắm kiếm thêm đồng ra đồng vào tiền chợ. Mấy hôm nay đi tưới rau ở Trà Quế, nhặt cỏ thuê giúp bà cô bên chồng. 

Trong cách nói chuyện của người Hội An, bình thản và ít thấy biểu hiện lo lắng. Họ an nhiên chấp nhận cuộc sống bình lặng, dù có khó khăn nhiều bề. Dù sao thì rau làng Trà Quế vẫn xanh nõn, lòng tôi vẫn trĩu nặng khi nghĩ tới vùng Phong Thổ, Lai Châu vừa hứng những trận mưa đá mới đây đã làm tàn lụi cả mùa rau; bà con miền núi đã nghèo lại thêm xơ xác. Ở Hà Nội, dịch cúm nên có nhà dân ở Bách Khoa tích trữ trong nhà cả tạ gạo. Rồi hôm sau lại kêu ca, lo gạo sẽ mọt, lo mỳ sẽ mốc, nước sạch cũng dùng vô tội vạ. Người gì lạ thế? Người mình sao có kẻ tham thế? Gạo tích trữ, nước sạch dùng xả láng, trong khi đồng bào ở Sóc Trăng, An Giang, người dân phải mua tới 300 ngàn/ 1 mét khối nước. 

Nắng lên mà lòng người se lạnh. Những ý nghĩ như cái bập bênh hồi nhỏ ngồi chơi trong công viên, chiếc bập bênh này luôn luôn nâng lên hạ xuống khi ngồi trước nắng. Mỗi đầu của chiếc bập bênh luôn nhắc người chơi, lúc rơi xuống đừng có lo lắng quá, thái quá sẽ hỏng việc. Đừng vui quá khi đầu bập bênh nâng ta lên, vì bên cạnh mình vẫn đang có nhiều người còn chưa may mắn. Đừng làm những động tác để bạn mình buồn.

Không riêng ở Sóc Trăng và An Giang, nước ngập mặn đã làm 80.000ha cây trái không trổ bông. Chưa có năm nào nước ta lại gặp muôn vàn khó khăn chất chồng, gieo neo đến vậy. Nắng có cứu rỗi dân nghèo, hãy dập con virus, nắng hãy dịu đi cho cơn khát bà con đất Sóc Trăng bớt khô. Đất đã nứt nẻ dù đang cuối xuân chưa chạm tới hè.

Hôm sau, tôi chia tay với người đóng giày, đo chân ở phố biển Cửa Đại để đến làng gốm Thanh Hà, vào thăm nhà nghệ nhân gốm Nguyễn Văn Xê, làng có ít nhà làm gốm, phần lớn làm thủ công nhỏ lẻ, sản phẩm du lịch cũng đơn điệu và hầu như ngoài các loại âu cơm, vại, lọ và các con giống 12 con giáp, hầu như không thấy làng Thanh Hà sản xuất lớn. Những người phụ nữ đi làm thuê, nặn gốm sản phẩm cũng từ những hiện vật nhỏ, như đèn, chuông gió, con giống cái gì cũng xinh xinh be bé, phù hợp với sản phẩm du lịch, bán hàng kỷ niệm cho chuyến đi làng gốm Thanh Hà.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Xê ở làng gốm Thanh Hà
Sản phẩm gốm ở làng Thanh Hà phần lớn làm thủ công, nhỏ lẻ
Tượng nhạc sỹ Trịnh Công Sơn ở một quán cà phê trong làng gốm

Những vạt nắng vẫn như hoa nhỏ xuống cửa hàng gốm, từ đầu năm ít khách du lịch, nhà nhà làm gốm ở Thanh Hà cũng mong mùa hè tới sẽ bán được hàng nhiều hơn. Cái ước mơ cũng như cái bập bênh, chưa biết nâng lên ra sao. Nhưng nhìn nắng ngồi với nắng ở Hội An thấy mình cần học cái sự bình thản nhẫn nhịn của người vùng này. Có gì cứ từ từ tính, mai có nắng rồi tính, trồng rau hay nhào đất rồi tính. Ngồi lại với nắng Hội An, lòng tôi luôn yên tĩnh. Dù có đi tới đâu, khó mấy rồi ta cũng vượt qua thôi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top