Aa

Người dân "ngán ngẩm" về chất lượng chung cư giá rẻ

Thứ Hai, 22/08/2016 - 06:51

Nhiều người lên tiếng phàn nàn về chất lượng phân khúc chung cư giá dưới 1 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, những khu đô thị giá rẻ đã nhanh chóng bộc lộ những hạn chế, khiến các cư dân "ngán ngẩm".

Làn sóng nhà giá rẻ

Năm 2012, giữa lúc thị trường bất động sản đang đóng băng, thì trên địa bàn Hà Nội xuất hiện một loạt chung cư giá rẻ. Tổ hợp chung cư Đại Thanh nằm trên đường Phan Trọng Tuệ, thuộc xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) với sáu tòa nhà cao hơn 30 tầng, mỗi tầng có từ 20 đến 24 căn hộ ra đời đã khiến hàng nghìn người có thu nhập từ thấp đến trung bình vui mừng vì có cơ hội mua nhà. Đây là chung cư thương mại giá rẻ do Xí nghiệp Xây dựng Tư nhân số 1 Lai Châu làm chủ đầu tư.

Các căn hộ được thiết kế với diện tích nhỏ, từ 36 m2 đến 76 m2, có từ một đến ba phòng ngủ với giá bán từ 10 đến 15 triệu đồng/m2, phù hợp với những người có thu nhập trung bình. Vì thế, những người đang có nhu cầu về nhà ở, nếu ngại hoặc có vướng mắc khi làm các thủ tục để mua nhà ở xã hội, có thể mua ngay một căn hộ thương mại của chung cư Đại Thanh, mà không cần phải làm bất cứ thủ tục nào.

Người mua rất dễ tìm kiếm thông tin trên mạng.

Người mua rất dễ tìm kiếm thông tin trên mạng.

Chị Trần Thị Hiền, trú tại CT8A, chung cư Đại Thanh cho biết, vợ chồng chị cùng hai đứa con ở chung với bố mẹ chồng đã tám năm trong căn nhà rộng 24 m2 ở quận Hà Đông. Vợ chồng chị có nhu cầu ra ở riêng từ lâu, nhưng chưa đủ tiền mua nhà. “Ngay khi biết có chung cư giá rẻ, vợ chồng tôi đã đăng ký mua một căn hộ 57 m2 ở đây. Tiền mua nhà chỉ đủ trả một nửa, còn một nửa vay ngân hàng, cũng tạm ổn” - chị Hiền tâm sự.

Tương tự, bác Vũ Ngọc Bình, trú tại CT10C, chung cư Đại Thanh tâm sự: “Vợ chồng tôi có căn hộ tập thể ở quận Thanh Xuân, trước ở chung với con trai. Giờ con trai lập gia đình rồi sinh cháu, nhà trở nên chật chội. Tôi bàn với vợ mua căn hộ giá rẻ, rộng 55 m2, nhưng cũng có hai phòng ngủ, rất tiện lợi”.

Chính vì nhu cầu có nhà ở của nguời dân thành phố quá lớn nên khi chung cư Đại Thanh ra đời đã tạo ra cơn sốt. Thời điểm đó, các sàn giao dịch, “cò” nhà đất khu vực này lúc nào cũng nườm nượp khách ra vào. Nối tiếp thành công của chung cư Đại Thanh, chủ đầu tư là Xí nghiệp Xây dựng Tư nhân số 1 Lai Châu tiếp tục tung ra nhiều dự án bất động sản giá rẻ, trong đó có chung cư Kim Văn - Kim Lũ; chung cư Linh Đàm…

Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư khác cũng “ăn theo” làn sóng nhà giá rẻ, chào bán nhiều căn hộ chung cư nằm trên địa bàn các quận Hoàng Mai, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ…

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố có 6 dự án nhà cho người thu nhập thấp đang chào bán là dự án Kiến Hưng - Hà Đông, Sài Đồng - Long Biên, Đặng Xá - Gia Lâm, Đại Mỗ - Từ Liêm và CT1 Ngô Thì Nhậm - Hà Đông với tổng số 3.750 căn hộ. Tuy nhiên, điều đáng bàn là trong 6 dự án đã được đưa vào sử dụng này, có đến 5 dự án bị người dân phản ứng gay gắt về chất lượng nhà có vấn đề.

Một vài dự án đánh giá cao được lựa chọn lại rơi vào dự án chậm tiến độ, tiện ích khu đô thị không đảm bảo, vấn đề dịch vụ và rồi hàng loạt các sản phẩm kém chất lượng đi cùng…

Chung cư N5, Đồng Tàu, Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) bị sập sàn tầng 1 vào đêm 12/8

Chung cư N5, Đồng Tàu, Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) bị sập sàn tầng 1.

Khách hàng ngậm "trái đắng"

Niềm vui của người mua nhà giá rẻ chẳng mấy đã tắt, bởi khi về ở, những bất tiện mới dần bộc lộ. Sự yếu kém từ chất lượng xây dựng đến năng lực quản lý của chủ đầu tư. Nhiều cư dân sinh sống tại các tòa chung cư giá rẻ trên địa bàn Hà Nội đang rơi vào tình trạng dở khóc dở cười, chất lượng cuộc sống không được như mong muốn ban đầu và cũng không được "cao cấp" như những gì chủ đầu tư đã hứa hẹn.

Theo khảo sát thực tế, nhiều chung cư giá rẻ không có, hoặc có cũng không dùng được các hệ thống báo cháy. Nhiều vụ hỏa hoạn đã xảy ra trong thời gian gần đây tại các chung cư giá rẻ, nhà thu nhập thấp… thiêu rụi nhiều tài sản của cư dân và đe dọa đến tính mạng của những người sống trong các căn hộ này. Mỗi lần mưa to là ngập lối đi về nhà, hầm để xe khiến cho việc đi lại, sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Mật độ dân cư quá đông trong khi cả tòa nhà chỉ bố trí có 3 cầu thang máy, đến giờ cao điểm như đi làm buổi sáng, hay tan tầm buổi chiều có khi phải đợi thang máy từ 15 - 30 phút cho một lần di chuyển.

Câu chuyện nước thấm từ nhà vệ sinh ở tầng trên xuống tấng dưới là chuyện không hiếm gặp ở các nhà chung cư bình dân. Tuy nhiên, một nỗi sợ còn lớn hơn nhiều, đó là việc tường nhà bị nứt ngấm. Vấn đề này đã được các chủ đầu tư tính đến nhưng do phải tiết giảm chi phí xây dựng mà các nhà thi công không khắc phục tình trạng này.

Chị Quách Hồng Việt, trú tại CT10B, chung cư Đại Thanh cho biết: “khi bàn giao nhà cho chúng tôi, căn hộ không có trang, thiết bị gì ngoài mấy bóng đèn và nhà vệ sinh, vòi nước. Chúng tôi phải tự trang bị từ đường điện, đường nước cho tới xây bếp, làm sàn gỗ. Tính sơ sơ như vậy, giá nhà đã đội lên cả triệu đồng/m2 rồi. Đó là chưa kể, vật liệu cũng như trang, thiết bị trong nhà mới dùng vài ba tháng đã hỏng”.

Song, những băn khoăn nêu trên chỉ là chuyện nhỏ so với những vấn đề hạ tầng thiết yếu. Hè 2014, hàng chục nghìn người dân ở chung cư Đại Thanh nháo nhào vì mất nước sinh hoạt. Tổ hợp chung cư có sáu tòa, mỗi tòa 32 tầng, mỗi tầng từ 20 đến 24 căn hộ, vậy mà mất nước đến nửa tháng, mà không chỉ mất một đợt. Dân cư kêu trời, lãnh đạo thành phố phải chỉ đạo, thì chủ đầu tư mới lắp đặt thêm đường ống cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân.

Bên cạnh đó, khi về ở, dân cư của chung cư Đại Thanh phải đối mặt với cảnh tắc đường. Để đi vào thành phố hay ra ngoại thành, đến cơ quan làm việc, dân cư Đại Thanh chỉ có một đường giao thông duy nhất là đường Phan Trọng Tuệ (quốc lộ 70). Vào giờ cao điểm, người xe nghìn nghịt, tình trạng tắc đường cả giờ thường xuyên xảy ra. Ngay trong sân của chung cư, người ta đã cho mở san sát những ki-ốt bán hàng thực phẩm, rau dưa, thịt cá; để rồi mỗi buổi tối sau khi dọn hàng, nước thải và rác được xả ra tại chỗ, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan cả khu chung cư.

Còn trường học, khu vui chơi, công viên, vườn hoa thì chưa biết đến bao giờ mới có. Khi chào bán các căn hộ của chung cư này, chủ đầu tư đều giới thiệu có cả khuôn viên vườn hoa, cây xanh, nhà trẻ và các khu công cộng khác. Nhưng khi về ở, những khu sinh hoạt công cộng trên hầu như không có. Chỉ có nhà trẻ tư nhân của một số hộ dân mọc lên để thu hút con em cư dân Đại Thanh. Đó là chưa kể, mỗi tòa nhà 32 tầng với hơn 600 hộ dân, nhưng chỉ có một tầng hầm để xe; không có loa phát thanh để thông báo các vấn đề cần thiết.

Dẫu biết rằng "tiền nào của nấy", thế nhưng tình trạng nhà ở xuống cấp nhanh chóng, bất cập trong quản lý, mất điện, mất nước... diễn ra thường xuyên mặc dù nhà mới đi vào sử dụng đang khiến khách hàng cảm thấy ngao ngán. Khách hàng mua chung cư giá rẻ đều là những đối tượng thu nhập trung bình và thấp, số tiền hàng tỷ đồng bỏ ra là cả một thời gian dài tích góp, vay mượn người thân, vay lãi ngân hàng. Vì vậy, chất lượng cuộc sống không được như ao ước ban đầu, họ cũng ngậm ngùi phải chấp nhận, khó có khả năng chuyển đổi nơi ở khác.

Một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cho rằng, những dự án dành cho người có thu nhập thấp đang sốt, nhưng người mua nhà nên cẩn trọng bởi chất lượng luôn đi liền với giá thành, giá bán. Thực tế đã cho thấy, tác hại của những khu nhà có chất lượng thấp sẽ ảnh hưởng đến điều kiện sống của cư dân trong đó, cũng như mỹ quan chung của đô thị. Thời gian gần đây, nhiều khu đô thị mới đi vào hoạt động, chỉ vài năm sau, các công trình đã xuống cấp và gây ra một sự nhếch nhác. Để tránh đi vào những "vết xe đổ" nêu trên, người mua nhà cần cân nhắc, nên suy xét kỹ trước khi mua.

Theo các chuyên gia bất động sản, vai trò các cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng, phải kiểm soát kỹ về chất lượng nhà, nếu không sẽ chỉ là dịch chuyển người dân từ những khu ổ chuột dưới đất lên các khu ổ chuột trên cao và tác hại của quá trình này sẽ lớn vô cùng. Ngoài ra, khi xây dựng các khu chung cư có căn hộ nhỏ, cần xây dựng một hạ tầng xã hội đô thị hiện đại phục vụ tốt cho người dân không chỉ trong thời gian ngắn, mà cần tính đến tầm nhìn cho tương lai để bộ mặt đô thị không bị phá vỡ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top