Trải nghiệm

Nồng thơm những vườn quả hình “bàn tay Phật”

Trải nghiệm - 06:30, 11/01/2020 G1T+7 - Phóng sự ảnh: Trọng Chính

Là biểu tượng của sự bình an, quả phật thủ tượng được coi như lễ vật linh thiêng cúng dâng bàn thờ gia tiên ngày Tết.

Giáp Tết lang thang ở vùng đất bãi ven sông Đáy thuộc xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức, Hà Nội), tôi bị hút hồn bởi bạt ngàn màu xanh và vị thơm mát dịu nhẹ đến tinh khiết của những vườn phật thủ nồng thơm.

Xuống bãi, là dạo bước theo những vườn phật thủ trĩu quả ở Đắc Sở, nơi là làng nghề trồng phật thủ nổi tiếng khắp cả nước. Ngày áp Tết, các chủ vườn nơi đây bận rộn thu hoạch, cung cấp ra thị trường cả nước hàng trăm nghìn quả phục vụ việc thờ cúng, làm đẹp bàn thờ Tết.

Những khu vườn nồng thơm hương loại quả mang tên “bàn tay Phật” ở Đắc Sở, vùng đất được biết đến là “vựa phật thủ” của cả nước.
Những quả phật thủ có hình thù đặc biệt giống đài sen của nhà vườn Thạch Tuyết, một trong những nhà vườn có tiếng về phật thủ ở Đắc Sở. Phật thủ là biểu tượng của sự bình an nên rất được ưa chuộng trong ngày đầu xuân năm mới.

Có hình dáng độc đáo, trái phật thủ trông như bàn tay nhiều ngón thuôn dài nên được ví như bàn tay Phật. Theo quan niệm của người Á Đông, quả phật thủ tượng trưng cho sự may mắn, cát tường và là lễ vật để cúng dâng Phật, gia tiên ngày rằm, Tết...

Loại “trái tâm linh” này ở Đắc Sở được giới chơi phật thủ về tận vườn chọn mua phải có dáng vào loại “kỳ hoa dị thảo”, với 3 dạng: Phật thủ lộc, phật thủ phát, phật thủ kỳ tướng. Phật thủ lộc là loại quả có bầu trái rất ngắn (gần như không thấy bầu) nhưng các ngón tay tỏa tròn đều hình búp măng. Phật thủ phát lại trông như con bạch tuộc với những chiếc vòi dài. Phật thủ kỳ tướng là những quả có hình dáng kỳ dị, lạ và độc đáo.

Trái phật thủ đẹp phải nhiều ngón tay, thông thường mỗi quả có 20 - 30 ngón tay. Các ngón tay tỏa tròn đều xếp thành nhiều vòng như hình bông hoa, ngón của vòng ngoài cùng trùng với các số đẹp sẽ có giá trị.
Nếu so sánh về độ đẹp, độc của trái thì phật thủ ở các vườn tại Đắc Sở luôn đứng ở vị trí số một.
Những trái phật thủ có dáng đẹp, ngón to bung xòe, nhiều tầng, “quái” được dân lái buôn và nhiều người chơi tìm về tận vườn đặt tiền từ nhiều tháng trước Tết.
Mỗi cây phật thủ có 50 - 60 quả, cây “đẻ” nhiều lên tới hàng trăm quả nên những vườn phật thủ của người dân Đắc Sở cho thu nhập hàng trăm triệu đồng một vụ, nhất là dịp cận Tết. Trong ảnh là cây phật thủ trĩu quả đã được khách đặt mua, chờ đánh vào bình có giá 15 triệu đồng…

Phải dành thời gian lang thang dưới những dàn lủng lỉu quả phật thủ, tận mắt chứng kiến những “trái tâm linh” kích thước lớn, vàng ươm tỏa hương thơm ngào ngạt, tôi mới tin rằng những nông dân ở đây không đơn giản chỉ là người trồng quả mà còn là một nghệ nhân hoa trái.

Những ngày giáp Tết, mỗi quả to, đều, bóng bẩy, căng mọng có giá từ 200.000 - 300.000 đồng.
… còn những quả bán xô cho khách như trong ảnh với giá 35.000 đồng/quả.
Đến với Đắc Sở để có chọn mua được những trái phật thủ ưng ý nhất đã trở thành thói quen của không ít người dân Hà Nội và các vườn quả lủng lỉu cũng trở thành những điểm check-in với những góc máy “đắt”.
Quả phật thủ to, đẹp mắt này được bán ngay tại vườn với giá 1 triệu đồng.
Trong hệ quả có múi, phật thủ là quả có cùi dày nhất. Quả có tương đối nhiều dầu, hương thơm dịu nhẹ, thanh tao và giữ được lâu nhất trong chi cam chanh nên một số khách mua về bày trong nhà, tạo một không gian thơm nức, ngào ngạt ngày áp Tết.
Với mùi thơm quyến rũ đặc trưng, phật thủ dùng để thờ Phật, thần và gia tiên, với ý nghĩa lưu giữ họ ở trong nhà lâu hơn để phù hộ cho gia chủ.
Cây ra trái tự nhiên, quả nhỏ xinh đã mang hình những ngón tay Phật.
Cây phật thủ ra hoa, kết trái quanh năm, nhưng chủ yếu thu hoạch 2 vụ chính gồm vụ hè và vụ đông. Hoa phật thủ trong ảnh nở muộn rải rác trong các vườn ở Đắc Sở.


Bạn đang đọc bài viết Nồng thơm những vườn quả hình “bàn tay Phật” tại chuyên mục Trải nghiệm của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục