Chuyển động

“Thủ đô resort” Bình Thuận: Vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà?

Chuyển động - 23:30, 13/11/2018 G11T+7 - Theo Thiên Bình/Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Từng được kỳ vọng sẽ trở thành “Thủ đô resort” của cả nước nhưng đến nay Bình Thuận vẫn la liệt dự án treo chưa được giải quyết triệt để.

Riêng địa bàn Mũi Né hiện có tới 180 dự án “treo”.

Riêng địa bàn Mũi Né hiện có tới 180 dự án “treo”.

Trước năm 2007, nhận lời kêu gọi của UBND tỉnh Bình Thuận về đầu tư du lịch, nhiều nhà đầu tư từ TP.HCM, Hà Nội... đã đến và đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào xây các khu resort nghỉ dưỡng cao cấp nằm ven biển Kê Gà.

La liệt dự án treo

Tuy nhiên, đến năm 2007, chủ đầu tư các dự án resort khu vực Kê Gà bỗng nhận được thông báo của UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu họ dừng triển khai xây dựng dự án các khu du lịch tại đây để thu hồi đất xây dựng cảng Kê Gà.

Để tiến hành xây dựng cảng, UBND tỉnh Bình Thuận nhiều lần mời các chủ đầu tư lên làm việc để tính toán việc bồi thường, giải phóng mặt bằng cho 12 dự án nằm trong vùng phải dừng hoạt động. Nhưng qua nhiều lần dự kiến khởi công cảng Kê Gà vẫn nằm trên giấy, không tiến hành như hứa hẹn ban đầu của chủ đầu tư.

Tháng 2/2013, nhận thấy dự án xây dựng cảng Kê Gà không hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngừng lại và giao các bộ liên quan phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận giải quyết hậu quả thiệt hại cho nhà đầu tư du lịch. Một năm sau, Chính phủ có quyết định chính thức dừng hẳn, xóa bỏ quy hoạch cảng Kê Gà. Từ một vùng biển được kỳ vọng là một trong những điểm sáng du lịch của tỉnh, bỗng chốc trở thành hoang tàn, xuống cấp trầm trọng.

Được UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư vào cuối năm 2008, dự án Khu phức hợp lấn biển Phú Hải do Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Regina (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư có vị trí cửa ngõ "thủ đô resort", thuộc phường Phú Hài - TP. Phan Thiết.

Với tổng diện tích lên đến 442ha, từng được xem là dự án đầu tư trên lĩnh vực du lịch có quy mô lớn đầu tiên ở Bình Thuận, gồm 2 khu chức năng thiết kế nhiều hạng mục: Khu biệt thự, căn hộ, dịch vụ thương mại, sân golf, với tổng vốn đầu tư hơn 90 triệu USD... Thế nhưng cho đến nay, dự án Khu phức hợp lấn biển Phú Hải vẫn nằm trong danh sách các dự án chưa triển khai xây dựng trên địa bàn TP. Phan Thiết do vướng quy hoạch, đang chuyển mục đích sử dụng đất.

Theo thống kê trên địa bàn Bình Thuận hiện nay đang có gần 400 dự án du lịch nghỉ dưỡng có tổng vốn đăng ký hơn 56 nghìn tỷ đồng và 40 dự án cam kết đầu tư tổng vốn 126 nghìn tỷ đồng. Riêng địa bàn Mũi Né hiện có tới 180 dự án “treo”, mà “treo tới 10 năm nay”.

Nguyên nhân các dự án chậm triển khai, dừng hoạt động chủ yếu là do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn; một số doanh nghiệp khó khăn về năng lực tài chính…

Quy hoạch bị chồng lấn

Trao đổi với phóng viên, một số doanh nghiệp còn thừa nhận họ đã phải dừng ý tưởng về đây kinh doanh bởi việc phát triển và quy hoạch titan tại tỉnh bị chồng lấn.

Theo quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến titan đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt năm 2013, trên địa bàn tỉnh có 26 khu vực với tổng diện tích đưa vào quy hoạch titan là 19.527ha. Tuy nhiên, trong 26 khu vực này có 18 khu vực chồng lấn với 46 dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khác đã được chấp thuận đầu tư trước đó với tổng diện tích 3.394ha.

Thời gian qua trên địa bàn tỉnh, nhiều nhà đầu tư có đăng ký đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với quy hoạch ngành và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhưng tỉnh chưa thể chấp thuận đầu tư phải chờ ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ đối với các dự án nằm trong vùng dự trữ titan. Do quy hoạch này đã khiến các nhà đầu tư không còn “mặn mà”.

Nhiều doanh nghiệp phải dừng ý tưởng về đây kinh doanh bởi việc phát triển và quy hoạch titan tại tỉnh bị chồng lấn.

Nhiều doanh nghiệp phải dừng ý tưởng về đây kinh doanh bởi việc phát triển và quy hoạch titan tại tỉnh bị chồng lấn.

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Công ty bất động sản Thăng Long cho rằng đối với bất động sản Bình Thuận phải dựa vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố kết nối giao thông là quan trọng nhất vì tỉnh này hiện chưa xây dựng xong sân bay để đón khách du lịch trong và ngoài nước. “Nếu không có sân bay, làm sao hút được khách quốc tế tới nghỉ dưỡng?”, ông Dũng nói.

Ngoài ra, về tiện ích và khu vui chơi, Bình Thuận vẫn chỉ co cụm ở khu Mũi Né, các khu vực khác của tỉnh vẫn mờ nhạt, đặc biệt thị trường du lịch cũng chủ yếu phát triển tại khu Mũi Né.

Đại diện một doanh nghiệp địa ốc lớn tại TP.HCM xin được giấu tên tiết lộ, chính những lý do trên khiến việc sinh lời cũng như nhu cầu đầu tư của khách hàng vào đây rất thấp nên ông quyết định chọn một vùng đất ven biển khác để đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng vì thị trường này dù xa TP.HCM nhưng vẫn có sân bay, vẫn được quy hoạch phát triển trải đều và tiềm năng du lịch cao hơn.

Bạn đang đọc bài viết “Thủ đô resort” Bình Thuận: Vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà? tại chuyên mục Chuyển động của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục