Aa

"Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị"

Thứ Hai, 29/07/2019 - 13:25

Ta lặng người trước hình ảnh một cựu binh run rẩy cầm bình rượu tưới lên đám cỏ, miệng nhẩm gọi tên đồng đội. Từ trong đôi mắt mờ đục, một giọt nước mắt trào ra...

Trên bản đồ nước Việt, Quảng Trị chỉ là một chấm nhỏ bé nhưng được nhiều người biết tới với những địa danh nổi tiếng.

Quảng Trị có bãi biển Cửa Tùng nổi danh từ thời Pháp, được người Pháp đặt cho cái tên “nữ hoàng của các bãi tắm”.

Quảng Trị có cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải tha thiết nao lòng qua những trang văn của Nguyễn Tuân.

Quảng Trị có địa đạo Vĩnh Mốc, nơi có thể học lịch sử trực tiếp qua từng hiện vật một cách chân thực và xúc động.

Quảng Trị có nhà tù Lao Bảo khét tiếng một thời, lại có cửa khẩu Lao Bảo giao thương nhộn nhịp với nước bạn Lào.

Những ngày tháng 7 tri ân, nếu về Quảng Trị, đừng quên đến hai nghĩa trang đặc biệt, hai nghĩa trang không có mộ. Hai nghĩa trang này đã trở thành không gian văn hóa linh thiêng không chỉ của Quảng Trị mà còn của đồng bào mọi miền Tổ Quốc.

Bên ngoài Thành cổ

Bên ngoài Thành cổ

Cho tôi hôm nay vào thành cổ...

Cho tôi hôm nay vào thành cổ...

Thành cổ Quảng Trị được khởi công xây dựng từ đầu thời nhà Nguyễn Gia Long và hoàn thành thời Minh Mạng với chu vi tường thành lên tới hơn 2.000 mét, chiều cao thành hơn 4 mét và đặc biệt độ dày có nơi hơn 12 mét. Xung quanh là hào nước bao quanh. Thành cổ đậm nét kiến trúc phong kiến đặc trưng với gạch vuông cỡ lớn, được kết dính theo lối cổ truyền gồm vôi, mật mía và những phụ gia khác. Các ông vua triều Nguyễn đã xây dựng Thành cổ trở thành thành lũy quân sự đồng thời là một trụ sở hành chính thời phong kiến.

Nếu ngoài cổng thành là không gian gợi nhớ lịch sử xa xưa thì khi bước qua cổng thành, một không gian khác mở ra. Một không gian văn hóa linh thiêng khiến mọi bước chân chậm lại, giọng nói nhỏ đi nhường chỗ cho lời ca xúc động “Cho tôi hôm nay vào Thành Cổ thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ”. Diễn tiến của quá khứ và không gian của hiện tại như tập trung ngưng tụ trên đài tưởng niệm linh thiêng.

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ...

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ...

81 ngày đêm lịch sử kiên cường của gần nửa thế kỷ trước vẫn như bao trùm lên không gian thành cổ. Các kiến thức của tín ngưỡng văn hóa tâm linh, kiến thức lịch sử của 81 ngày đêm bi tráng cũng như lòng biết ơn sâu nặng của những người còn sống đã được khắc họa trong thiết kế của đài tưởng niệm cũng như cả không gian văn hóa linh thiêng này. Thắp nén nhang thơm trên đài tượng niệm, ta có cảm giác như có sự giao hòa kết nối bí ẩn kỳ lạ giữa âm và dương, giữa người hôm qua và thế hệ hôm nay. Máu xương của hàng nghìn, hàng nghìn liệt sỹ đã hòa lẫn với đất nhưng tâm hồn, khí phách các anh vẫn sống mãi với non sông. Ta lặng người trước hình ảnh một cựu binh run rẩy cầm bình rượu tưới lên đám cỏ, miệng nhẩm gọi tên đồng đội. Từ trong đôi mắt mờ đục, một giọt nước mắt trào ra. Người cựu binh ấy đã ngồi rất lâu với cuộc nói chuyện không lời với người đồng đội cũ ở thế giới bên kia...

Hòa chung với khúc tráng ca Thành cổ là dòng sông Thạch Hãn. Thạch Hãn là con sông đẹp nhất của Quảng Trị. Nó đẹp đến nỗi vua Minh Mạng đã cho khắc hình Thạch Hãn vào một trong chín cửu đỉnh để trưng bày trong kinh thành Huế. Dòng sông vốn là huyết mạch giao thông thủy trở thành con đường tiếp tế nhân lực, vật lực duy nhất cho thành cổ của bộ đội ta trong những ngày hè đỏ lửa của năm 1972. Biết được điều đó, địch điên cuồng ném bom bắn phá ngày đêm và dòng sông nên thơ ấy trở thành dòng sông máu, thành nơi an nghỉ vĩnh hằng của biết bao chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị anh hùng.

Tượng đài tưởng nhớ sự hy sinh của trung đội Mai Quốc Ca bên dòng Thạch Hãn

Tượng đài tưởng nhớ sự hy sinh của trung đội Mai Quốc Ca bên dòng Thạch Hãn

Đứng bên bờ Thách Hãn, ta như thấy có một dòng sông khác. Dòng sông anh hùng, dòng sông tâm linh, dòng sông của tình yêu bất diệt, dòng sông của tình đồng đội. Một câu chuyện đẹp về tình đồng chí đồng đội vẫn tiếp tục được viết lên trong hòa bình. Người cựu binh Thành cổ Lê Bá Dương năm nào cũng quay về sông Thạch Hãn, chèo thuyền thả hoa tưởng nhớ đồng đội xưa. Từ việc làm của anh, giờ đây nghi lễ thả hoa trên sông Thạch Hãn đã trở thành thường lệ vào những đêm rằm và những ngày tháng 7 tri ân. Sông Thạch Hãn trở thành dòng sông Hoa, chảy mãi, chảy mãi vô tận để khắc ghi sự hy sinh của những anh hùng. Những dòng thơ tuyệt bút của Lê Bá Dương đã trở thành bài thơ Thần của sông Thạch Hãn mà mỗi lần đọc lên ta phải đọc thật chậm, thật chậm để không làm khuấy động giấc ngủ của các anh dưới lòng sông thiêng :

     Đò lên Thạch Hãn... ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
      Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.

          (Lê Bá Dương)

Bài thơ Lời người bên sông của Lê Bá Dương được tạc vào đá tại bến thả hoa sông Thạch Hãn

Bài thơ Lời người bên sông của Lê Bá Dương được tạc vào đá tại bến thả hoa sông Thạch Hãn

Hành trình đầy xúc động đến hai nghĩa trang đặc biệt khiến ta như được sờ thấy, nghe thấy, cảm nhận được bằng tất cả các giác quan nơi lịch sử đã đi qua. Trong đoàn người thăm viếng, không chỉ có những cựu binh, người cao tuổi mà còn thấy nhiều tập thể các em học sinh. Đây là những bài học lịch sử chân thực nhất, vượt qua khuôn khổ của một bài dạy lịch sử thông thường để trở thành những bài học hiệu quả về giáo dục thái độ sống, giáo dục những giá trị tốt đẹp nhân bản nhất cần có. Ngay cả với người trưởng thành, trong đời vẫn nên đến với Quảng Trị, đến với sông Thạch Hãn để soi lại mình, uốn nắn những lệch lạc từ đó sống tử tế hơn, có trách nhiệm hơn với xã hội, như lời dặn dò thương yêu từ bức thư kỳ lạ của liệt sỹ, sinh viên Lê Văn Huỳnh nhắn nhủ vợ và cũng là cho thế hệ hôm nay “khi được sống hoà bình hãy nhớ tới anh...”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top