Chuyển động

Airbnb và homestay: Đối thủ "đáng gờm" của khách sạn truyền thống?

Chuyển động - 01:00, 19/06/2019 G6T+7 - An An

Ăn theo du lịch, thị trường lưu trú và dịch vụ du lịch cũng tăng trưởng mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu khách hàng tại mỗi điểm đến. Đặc biệt, hàng trăm nghìn căn homestay đã "nở rộ" đem về lợi nhuận ổn định.

Bằng việc cung cấp các lựa chọn thay thế cho khách du lịch, mô hình dịch vụ mới như Airbnb và homestay đã chiếm được phần trăm thị phần đáng kể trong ngành khách sạn và lưu trú. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây từ JLL cho thấy, khách sạn truyền thống ít bị ảnh hưởng bởi các nền tảng chia sẻ nhà ở trực tuyến hơn dự kiến. Đặc biệt là tại Việt Nam, nơi mà nguồn cung khách sạn truyền thống vẫn chưa đủ để phục vụ cho lượng khách du lịch ngày càng tăng trong mùa cao điểm.

Mặc dù các nền tảng dịch vụ lưu trú này chưa gây ra mối đe dọa nghiêm trọng, nhưng ngành khách sạn truyền thống không nên đánh giá thấp tiềm năng của mô hình này. Thế hệ millennials (thế hệ những người sinh ra trong giai đoạn 1980 đến 2000) ngày nay thoải mái hơn trong nền kinh tế chia sẻ, bằng chứng là sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của hệ thống gọi xe Grab và dịch vụ lưu trú Airbnb tại Việt Nam. Xu hướng kinh tế chia sẻ mang đến cho thị trường những cơ hội đầu tư mới, bất kể số lượng vốn hay tài sản.

Theo báo cáo khảo sát khách sạn năm 2017 của Grant Thornton, Airbnb đã tăng trưởng ấn tượng và cung cấp hơn 16.000 đơn vị lưu trú cho thị trường Việt Nam. Mô hình dịch vụ này nổi lên tại các thành phố lớn có nhu cầu du lịch cao như TP.HCM, Hà Nội, Đà Lạt, Nha Trang, Sa Pa,…

Mô hình lưu trú mới cung cấp nhiều loại hình không gian bao gồm cả biệt thự, nhà phố, căn hộ và bungalow, những nơi đủ chỗ cho lượng khách lớn hơn so với phòng khách sạn thông thường. Có thể nói, Airbnb và homestay đang tạo ra một thị trường khách sạn bổ sung cho khách du lịch và thu hút thế hệ người trẻ millennials - lứa tuổi du lịch linh hoạt và không ngừng tìm kiếm trải nghiệm.

Mô hình cho thuê phòng ngắn hạn bắt đầu với ý tưởng kết nối khách du lịch phượt và những ngôi nhà nhàn rỗi. Khách thuê muốn tìm một chỗ qua đêm có giường ngủ thoải mái và giá cả phải chăng. Chủ nhà có sẵn phòng trống chưa sử dụng trong cùng nhà hoặc thậm chí là cho thuê nguyên căn khi họ đi vắng vào cuối tuần, việc cho thuê giúp gia chủ có thêm thu nhập ngoài dự kiến.

Theo báo cáo mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường AirDNA, kinh doanh homestay tại Việt Nam tăng trưởng gấp 5 lần về số lượng nguồn cung chỗ ở trong một năm qua, cao hơn rất nhiều so với ngành khách sạn truyền thống chỉ tăng trưởng 40% về nguồn cung.

Việt Nam đang là một trong 3 quốc gia có ngành du lịch tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Với nhiều chính sách khuyến khích phát triển, giảm đáng kể các thủ tục, điều kiện về cấp thị thực (visa) cho du khách quốc tế khiến cho Việt Nam trở thành một điểm nóng thu hút khách du lịch. Báo cáo của AirDNA chỉ rõ các khu vực thành phố có doanh thu lớn nhất về homestay hiện nay như: TP.HCM (41,6 triệu USD), Đà Nẵng (19 triệu USD), Hà Nội (13,3 triệu USD), Lâm Đồng (2,2 triệu USD).

Người Việt Nam nhanh chóng nắm bắt cơ hội kinh doanh trong ngành du lịch, đặc biệt là tham gia vào thị trường kinh doanh homestay tạo ra doanh thu vào khoảng 130 triệu USD trong năm 2018 và tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao.

đánh giá là kênh đầu tư mới, đem về lợi nhuận ổn định, tiềm năng phát triển trong tươn lai, t

Homestay được đánh giá là kênh đầu tư mới, đem về lợi nhuận ổn định, tiềm năng phát triển trong tương lai

Còn theo Khảo sát xu hướng du lịch toàn cầu trong năm 2018 do Visa thực hiện với sự tham gia của hơn 15.000 người đến từ 27 quốc gia trong đó có Việt Nam, khách du lịch hiện nay thường mong muốn đạt được cả hai mục tiêu "khám phá" và "tận hưởng" trong những chuyến đi của mình.

Cũng chính nhờ sự thay đổi này mà homestay với không gian mở, giàu tính nghệ thuật và bản sắc văn hóa địa phương đã trở thành một sự lựa chọn tối ưu cho các tín đồ đam mê xê dịch hiện nay. Về Việt Nam một thời gian, homestay được đánh giá là dịch vụ mới lạ, kênh đầu tư tiềm năng so với hình thức cho thuê nhà thời hạn dài truyền thống.

Bên cạnh đó, homestay là loại hình lưu trú ngắn hạn nên doanh thu có thể cao hơn cho thuê truyền thống trung bình 20 - 30%, nếu ở các khu du lịch có thể cao hơn gấp 2 - 3 lần. Không chỉ có vậy, chủ nhà còn được chủ động, linh hoạt hơn trong thời gian sử dụng nhà khi cần.

Một yếu tố khác khiến homestay trở thành cơ hội kinh doanh, đầu tư hấp dẫn là bởi số vốn ban đầu bỏ ra không nhiều, linh hoạt nhưng lại nhanh thu hồi vốn. Chính vì thế, loại hình này vô cùng thích hợp cho cá nhân hoặc các bạn trẻ có mong muốn "tập tành" thử sức kinh doanh.

Nguồn thu đáng kể trên đã hấp dẫn nhiều nhà đầu tư tại Việt Nam mạnh dạn đầu tư vào mô hình mua nhà để cho thuê, hoặc đứng ra thuê nhà dài hạn sau đó có thể đầu tư cho thuê lại ngắn hạn với giá cao hơn. Tuy nhiên, có không ít nhà đầu tư nhận ra rằng tổng doanh thu trong một tháng không đủ để trả được tiền thanh toán định kỳ hoặc tiền lãi.

Vì vậy, trước khi quyết định đầu tư vào Airbnb và homestay, theo giới phân tích, chủ nhà cần lưu ý một số điều:

Địa điểm là chìa khóa. Nếu người đầu tư đang tập trung vào các dịch vụ cho thuê ngắn hạn, hãy chọn bất động sản gần địa điểm du lịch hoặc sân bay. Bất động sản nên được kết nối với hạ tầng giao thông tốt và các tiện ích đi kèm như cửa hàng tiện lợi hoặc khu ẩm thực.

Khâu quản lý là không thể lơ là. Việc quản lý nhiều địa điểm lưu trú trong cùng thời điểm là điều không dễ dàng, đặc biệt là khi chủ nhà đang tự quản lý mà đó lại không phải là chuyên môn của họ. Hơn nữa, việc thiếu kinh nghiệm quản lý có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về an ninh, thiệt hại tài sản và danh tiếng. Vì vậy, chủ nhà nên thuê nhân viên quản lý có kinh nghiệm để đảm bảo khoản đầu tư lâu dài.

Ưu tiên các yếu tố trải nghiệm. Trước khi đầu tư, hãy nghĩ xem cơ sở của bạn mang lại điều gì tuyệt vời hơn những khách sạn truyền thống trong cùng mức giá. Homestay sử dụng chiến lược “trải nghiệm cùng người địa phương” và “giá cả cạnh tranh” là chìa khóa vàng để thành công. Phần lớn khách du lịch phượt sẽ chọn phương án nhà ở trải nghiệm thay vì phòng khách sạn truyền thống. Dân du lịch mong muốn có những trải nghiệm thú vị với người dân địa phương, hiểu thêm về văn hóa, ăn thêm một món lạ, những kiểu trang trí độc nhất, bất cứ điều gì từ việc thưởng thức ly cà phê pha phin trong nhà bếp cho đến những chiếc đèn hình dáng nón lá đều sẽ làm bạn khác biệt so với đối thủ cạnh tranh.

Một điều không thể thiếu là nhà đầu tư phải nắm rõ những thủ tục đăng ký kinh doanh cần thiết cho mô hình lưu trú này tại các thị trường mục tiêu, nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh được thuận lợi và lâu dài.

Sự phát triển của Airbnb chính là chất xúc tác cho các khách sạn truyền thống thay đổi và cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ của họ. Tại những thành phố lớn của Việt Nam, việc thuê nhà có hợp đồng dài hạn sẽ khó khăn hơn trong bối cảnh nguồn cung gia tăng. Mô hình cho thuê lưu trú ngắn hạn sẽ là một giải pháp tốt cho vấn đề này.

Bạn đang đọc bài viết Airbnb và homestay: Đối thủ "đáng gờm" của khách sạn truyền thống? tại chuyên mục Chuyển động của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục