Aa

Chỉ thị của Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa và bài học để tránh đi vào “vết xe đổ”

Thứ Tư, 20/01/2021 - 17:00

Uy tín và trách nhiệm của cơ quan hành chính phụ thuộc nhiều vào việc tham mưu chuẩn hay không chuẩn trong việc ban hành chính sách, thực thi chính sách.

Không lâu sau khi nhậm chức, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 01 về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Tại Chỉ thị này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ rõ: “Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số ngành, địa phương đơn vị chưa chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, quy chế làm việc của UBND tỉnh và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhiều công việc, nhiệm vụ được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao nhưng các ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện chậm tiến độ, thậm chí không thực hiện, chưa chủ động, thiếu quyết liệt…”.

Chỉ thị cũng nhấn mạnh còn tồn tại những hạn chế về “chất lượng tham mưu chưa đảm bảo yêu cầu; còn tình trạng cơ quan chủ trì không tham mưu rõ nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình…”.

Ảnh: Internet

Người đứng đầu UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu: “Đối với hồ sơ, văn bản do các ngành, địa phương, đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh mà không đảm bảo trình tự, thủ tục quy định, chưa làm rõ sự phù hợp của nội dung tham mưu với các quy định hiện hành của pháp luật, chất lượng thấp, chưa đúng thẩm quyền, chưa đúng thời gian quy định, giao văn phòng UBND tỉnh chủ động ban hành văn bản yêu cầu hoàn thiện hồ sơ thủ tục theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh…”.

Điều này cũng có nghĩa rằng, công tác tham mưu có vị trí quan trọng trong lãnh đạo, quản lý và điều hành công việc của tất cả các cơ quan hành chính Nhà nước. Hay nói cách khác, uy tín và trách nhiệm của cơ quan hành chính, người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương phụ thuộc rất lớn ở việc tham mưu chuẩn hay không chuẩn trong việc ban hành chính sách, thực thi chính sách. 

Trong thực tế, không thể tránh khỏi tỷ lệ sai sót (nội dung, hình thức) trong các quyết định hành chính khi hằng ngày có tới hàng chục văn bản chỉ đạo, điều hành và thực hiện hành vi hành chính được ban hành bởi cơ quan hành chính các cấp ở tỉnh, thành phố… Tuy nhiên, không thể lấy lý do sai sót nêu trên để biện giải cho hành vi kém năng lực, chuyên môn của cơ quan tham mưu nếu không muốn nói là “có vấn đề” trong công tác tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hay nói như cách của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tại Chỉ thị 01, rằng: "Chất lượng tham mưu chưa đảm bảo yêu cầu; còn tình trạng cơ quan chủ trì không tham mưu rõ nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình".

Do đó, những hạn chế trong công tác tham mưu có thể làm giảm tính khách quan của vấn đề tham mưu, ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động, quyết sách của cơ quan hành pháp. Thậm chí, có những quyết định hành chính được ban hành sai, gây thiệt hại cho người dân, tổ chức doanh nghiệp, dẫn đến những "xung đột" về mặt pháp lý, cũng như lợi ích giữa người dân và Nhà nước. Và không hiếm chuyện cán bộ bị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm khi tham mưu sai pháp luật ở một số vụ việc cụ thể.

Bởi thế cho nên, không bỗng dưng công tác tham mưu lại được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa coi trọng đến vậy. Bởi tham mưu là một loại nhiệm vụ, hoạt động chuyên trách của một cá nhân, một bộ phận trong tổ chức, phục vụ cho lãnh đạo trong việc ban hành quyết định, tổ chức thực hiện quyết định. Bộ phận tham mưu có trình độ chuyên môn, khách quan, công tâm, làm việc đúng với chức năng giúp lãnh đạo ban hành các quyết định một cách chính xác, hợp lý, đạt hiệu quả cao cũng như tăng cường hiệu quả tổ chức thực hiện các quyết định đã được ban hành. 

Còn nhớ, cuối tháng 5/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng (ông Xứng nay đã nghỉ hưu) đã có văn bản gửi nhiều Sở, ngành về việc giao kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tham mưu chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu nhà ở kết hợp thương mại tại số 19 Lê Hữu Lập tại phường Lam Sơn, TP. Thanh Hóa. Trong đó, yêu cầu Giám đốc các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Công Thương, Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trên chưa phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật, dẫn đến việc Chủ tịch UBND tỉnh phải bãi bỏ quyết định chấp thuận đầu tư đã ký vào cuối năm 2018.

Hay mới đây, cơ quan có thẩm quyền đã chỉ rõ những vi phạm tại dự án chợ Còng, Nghi Sơn (Thanh Hóa), trong đó nêu rõ những hạn chế trong vấn đề tham mưu của Sở Công Thương khi thực thi nhiệm vụ được giao. Cụ thể, Sở này chưa làm rõ sự cần thiết của việc điều chỉnh quy mô đầu tư dự án, chưa làm rõ những sai phạm của nhà đầu tư, chưa đánh giá sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng đối với các hạng mục công trình vi phạm… nhưng vẫn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa điều chỉnh quy mô đầu tư, xây dựng chợ Còng. 

Câu chuyện tham mưu về việc điều chỉnh quy mô chợ Còng cũng giống như việc thành phố Thanh Hóa ra văn bản hết sức "cảm tính" để xin quy hoạch chợ đầu mối phía bắc Thanh Hóa. Nếu cơ quan tham mưu (Sở Công thương chủ trì) không suy xét kỹ càng các yếu tố pháp lý trong việc quy hoạch chợ để báo cáo Chủ tịch tỉnh, thì hệ lụy sẽ khôn lường.

Rồi không ít vụ việc khiến những người nắm giữ các chức vụ trong các cơ quan hành chính phải xin lỗi, thu hồi quyết định, nhận trách nhiệm trước việc ban hành văn bản hành chính “có lỗi”, trong đó có trách nhiệm của cơ quan tham mưu.

Sau những vụ việc vừa qua, những người có sai sót sẽ phải kiểm điểm, chấn chỉnh, chịu trách nhiệm về những vi phạm trong việc tham mưu ban hành văn bản. Nhưng ở một góc nhìn khác, có lẽ việc làm rõ, chỉ rõ những hạn chế trong công tác tham mưu cũng là chỉ dấu đáng mừng đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương.

Bởi những sai sót đó đã được lãnh đạo địa phương dũng cảm nhìn, nhận trách nhiệm, chịu trách nhiệm trước nhân dân, đồng thời kiên quyết sửa chữa những tồn tại hạn chế trong công tác tham mưu, ban hành văn bản. Về phía người dân, trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, họ đã tham gia sâu hơn trong việc giám sát, phản biện và có nghĩa vụ tham gia thực hiện pháp luật. 

Những tồn tại, hạn chế từ công tác tham mưu ban hành văn bản nói chung nhìn từ vụ việc cụ thể có thể coi bài học để cơ quan có trách nhiệm rút ra bài học, tránh đi vào vết "xe đổ" của người tiền nhiệm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top