Chủ tịch VNREA: Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn là điểm sáng trong dài hạn

Chủ tịch VNREA: Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn là điểm sáng trong dài hạn

Nguyễn Thành Công
Nguyễn Thành Công Congnguyenthanhyb@gmail.com
Thứ Hai, 28/10/2019 - 06:00

Theo nhận định của ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn là điểm sáng của thị trường cả trong trung và dài hạn. Các sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng của những chủ đầu tư uy tín, chuyên nghiệp ngày càng chất lượng, tiệm cận xu hướng quốc tế khi xuất hiện nhiều dự án nằm trong các tổ hợp, quần thể du lịch quy mô, đẳng cấp.

PV: Nhìn tổng thể trên thị trường bất động sản hiện nay, có vẻ phân khúc tiềm năng nhất vẫn là bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng bởi được hưởng lợi lớn từ sự phát triển và bứt phá của ngành công nghiệp không khói. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Ông Nguyễn Trần Nam: Theo phân tích và nhận định của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, điểm sáng thị trường bất động sản trong trung và dài hạn là phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và bất động sản công nghiệp đón làn sóng đầu tư mới.

Có thể nói, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hiện có tiềm năng phát triển rất lớn, dựa trên nền tảng thiên nhiên, văn hóa, thể chế, tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh các bộ, ngành và địa phương đang tích cực thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Diễn biến thực tế thời gian qua khẳng định, lượng khách du lịch đang tăng trưởng tốt. Trung bình mỗi năm, có 15 triệu khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, vượt xa con số 4 triệu khách của 10 năm trước; bên cạnh đó là 80 triệu lượt khách nội địa, gấp 4 lần so với thập kỷ trước.

Bên cạnh đó, nguyên nhân quan trọng là chúng ta đã có những “sếu đầu đàn” về du lịch, như Sun Group, Vingroup, FLC… Từ đó, hạ tầng du lịch ở nhiều địa phương được đầu tư quy mô, xuất hiện nhiều công trình tầm cỡ quốc tế. Điển hình như Cầu Vàng ở Bà Nà Hills, Đà Nẵng nổi tiếng khắp thế giới. Hay như Phú Quốc cũng đã xuất hiện khu nghỉ dưỡng JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay ở phía Nam đảo, trở thành nơi tổ chức đám cưới triệu USD của cặp đôi tỷ phú Ấn Độ và điểm đến của những người nổi tiếng…

Du lịch “thăng hoa” sẽ tạo động lực thúc đẩy bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Rõ ràng, khách du lịch tăng trưởng sẽ kéo theo nhu cầu lưu trú, tạo điều kiện cho villa, khách sạn và các nhu cầu dịch vụ, mua sắm, giải trí phát triển.

Tuy nhiên, theo các số liệu thống kê, dù tăng trưởng nhanh, nhưng năm 2018, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam vẫn thấp so với một số nước trong khu vực như Thái Lan (38 triệu), Malaysia (25 triệu), Singapore (18,5 triệu), Indonesia (15,8 triệu).

Tính chung 9 tháng năm 2019, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 12,8 triệu lượt khách, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á về thu hút khách ngoại, sau Thái lan, Malaysia và Singapore.

Đặc biệt, mức chi tiêu của khách du lịch đến Việt Nam vẫn còn thua xa với các nước. Khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu 96 USD/ngày nhưng ở Singapore là 330 USD/ngày, ở Thái Lan là 115 USD/ngày. So với các quốc gia phát triển mạnh về du lịch trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore…, số lượng cơ sở lưu trú và các dịch vụ giải trí của Việt Nam còn rất hạn chế.

Mặt khác, nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng của Việt Nam hiện mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu căn hộ lưu trú cho khách du lịch quốc tế. Ngoài ra, giá bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam đang ở mức thấp so với các quốc gia có cùng tiềm năng phát triển du lịch.

Do đó, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng còn nhiều dư địa phát triển. Điều này cũng phù hợp với xu hướng đầu tư vào bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng nhằm vào tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông. Trong trung hạn, với trên 20 triệu khách quốc tế tới Việt Nam mỗi năm có thời gian nghỉ trung bình từ 5 - 7 ngày cho mỗi kỳ nghỉ, và khách trong nước khoảng 85 triệu người có thời gian nghỉ từ 3 - 4 ngày, du lịch Việt Nam cần thêm nhiều hơn nữa các dự án đầu tư theo dạng quần thể, tích hợp cả du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm.

Vì thế, tôi cho rằng, trong trung và dài hạn, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, nhất là khu vực ven biển sẽ vẫn là điểm sáng của thị trường.

PV: Phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng ven biển thời gian qua rất sôi động, có những thị trường bứt phá mạnh như Hạ Long, Phú Quốc… Theo ông, đâu là lý do giúp những thị trường này phát triển?

Ông Nguyễn Trần Nam: Với sự đầu tư lớn về hạ tầng giao thông và hạ tầng du lịch, nhiều điểm đến thời gian qua đã có sự bứt phá, phải nói là “lột xác”, rõ nhất là Hạ Long, Phú Quốc.

Sở dĩ trong thời gian chỉ vài ba năm, Hạ Long, Phú Quốc đã vươn lên nhanh chóng là bởi những địa bàn này đã thu hút được các nhà đầu tư chiến lược như Sun Group, Vingroup… Cách làm của các tập đoàn này khác với các doanh nghiệp khác ở chỗ, họ tạo dựng nên các tổ hợp/quần thể du lịch nghỉ dưỡng, giải trí quy mô như ở Bãi Cháy (Hạ Long) hay Nam Phú Quốc.

Đó cũng chính là nhân tố kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của du khách. Thay vì chỉ loanh quanh các điểm tham quan, ăn hải sản và tắm biển thì du khách vừa có thể nghỉ dưỡng, vừa vui chơi giải trí tại các công viên trò chơi, công viên giải trí biển, hoặc mua sắm, trải nghiệm dịch vụ tại hệ thống nhà phố thương mại (shophouse). Đây là cách làm du lịch vượt khỏi tư duy kiểu cũ, góp phần thu hút dòng khách thượng lưu quốc tế.

PV: Đúng là sự xuất hiện của các tổ hợp/quần thể du lịch nghỉ dưỡng, giải trí quy mô đang nhận được sự quan tâm, thu hút lớn của giới đầu tư. Vậy theo ông, nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi gì khi rót vốn vào các bất động sản nằm trong tổ hợp/quần thể này?

Ông Nguyễn Trần Nam: Mô hình tổ hợp/quần thể du lịch, nghỉ dưỡng đã xuất hiện từ lâu trên thế giới như Singapore, Malaysia… Ở Việt Nam, mới đây, các tổ hợp du lịch quy mô đã xuất hiện tại Hạ Long, Phú Quốc và đã chứng minh được sức hút. Lượng khách du lịch, đặc biệt là dòng khách hạng sang đến các tổ hợp này rất lớn.

Vì thế, đầu tư vào các bất động sản nằm trong tổ hợp du lịch sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm về lượng khách du lịch ổn định, gia tăng theo thời gian. Các công trình nằm trong tổ hợp sẽ có sự bổ trợ lẫn nhau hiệu quả, đảm bảo khả năng kinh doanh cho các nhà đầu tư. Thêm điểm cộng nữa là nhà đầu tư có thể yên tâm về tính pháp lý khi đầu tư vào bất động sản nằm trong các tổ hợp quy mô, đẳng cấp.

PV: Thưa ông, có phải thời gian qua, thị trường bất động sản đã có sự thanh lọc, “gạn đục khơi trong”, những chủ đầu tư yếu kém, thiếu năng lực khó có thể tồn tại, và những chủ đầu tư uy tín sẽ khẳng định được vị thế?

Ông Nguyễn Trần Nam: Cùng với việc đẩy mạnh du lịch, bên cạnh các doanh nghiệp lớn làm ăn nghiêm chỉnh, vẫn có làn sóng nhỏ ăn theo là các dự án đầu tư nhỏ lẻ hoặc đất nền do người dân phân ra bán. Tôi khuyến cáo các khách hàng nên mua sản phẩm của dự án quy mô tại các doanh nghiệp có tên tuổi và những nơi có khả năng phát triển du lịch…

Cơ chế thị trường luôn loại bỏ những gì yếu kém. Cho nên, những doanh nghiệp làm ăn không tốt, những đơn vị nghiệp dư... tất yếu sẽ dần bị loại bỏ. Đồng thời, những doanh nghiệp lớn, có ý chí mạnh mẽ, có tầm nhìn và làm ăn chuyên nghiệp sẽ ngày càng lớn mạnh.

Ngay cả qua những cơn sốt đất, thị trường cũng từ đó được thanh lọc, chỉ những dự án quy hoạch bài bản, của các chủ đầu tư có năng lực mới tồn tại. Rủi ro từ việc đầu tư theo đám đông, đầu tư vào các dự án đơn lẻ, thiếu hệ thống hạ tầng, tiện ích, của các chủ đầu tư thiếu năng lực cũng đã để lại nhiều bài học. Qua đó, các nhà đầu tư hiện nay đã khôn ngoan hơn, và khó tính hơn khi lựa chọn sản phẩm bất động sản.

Tất nhiên, nhà đầu tư vẫn cần “chọn mặt gửi vàng”, biết đặt niềm tin “đúng chỗ”, nhìn nhận được đâu là sản phẩm bất động sản có tiềm năng sinh lời. Đó phải là những sản phẩm được thiết kế đẳng cấp, khác biệt, mang dấu ấn riêng, nằm trong khu vực du lịch phát triển, có nhiều dự án xung quanh bổ trợ để cùng thu hút khách du lịch…

PV: Dường như sản phẩm của các chủ đầu tư lớn như Sun Group, Vingroup, FLC, CEO… đang dẫn dắt thị trường, thể hiện sức hấp dẫn mạnh mẽ. Vậy nên chăng chúng ta cần thu hút các “ông lớn” này để tiếp tục đầu tư mạnh vào hạ tầng du lịch, qua đó vừa góp phần phát triển du lịch, vừa tạo ra nguồn cung chất lượng cao cho thị trường bất động sản?

Ông Nguyễn Trần Nam: Đúng vậy. Dù sở hữu dư địa phát triển lớn, miếng bánh trên thị trường bất động sản du lịch “rất ngon”, nhưng không phải ai cũng ăn được. Đầu tư bất động sản du lịch khó khăn và thách thức hơn đầu tư nhà ở rất nhiều, không phải bán là xong, mà quan trọng hơn là vận hành thế nào cho hiệu quả. 

Vì thế, ngay từ khâu thiết kế sản phẩm đã phải tính toán kỹ lưỡng để không những thu hút khách mua mà còn mang đến những trải nghiệm ấn tượng cho du khách sau này. Vì thế, để phát triển bền vững, thị trường cần có những nhà đầu tư có tâm, có tầm.

Bản thân những chủ đầu tư bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng lớn cũng chính là “sếu đầu đàn” trong lĩnh vực du lịch. Vì vậy, họ sẽ biết đầu tư vào vị trí nào, cách làm ra sao, bố trí các sản phẩm bổ trợ nhau để tạo sức cạnh tranh, thu hút mạnh mẽ khách du lịch.

Vì thế, dự án của các chủ đầu tư lớn đều được thị trường hấp thụ tốt, phải nói là ra hàng đến đâu hết đến đó. Họ đem vào sản phẩm các xu hướng thiết kế kiến trúc được ưa chuộng trên thế giới như Địa Trung Hải, Italia, rồi phong cách kiến trúc châu Âu, châu Úc… Hệ thống tiện ích, hạ tầng cũng được đầu tư bài bản. 

Hay các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng được bố trí hợp lý, cạnh các khu vui chơi giải trí lớn để phục vụ nhu cầu của du khách từ A đến Z. Tất cả những điều đó sẽ đem lại giá trị về lâu dài cho ngành du lịch, cũng như cho thị trường bất động sản.

Cho nên, tôi rất ủng hộ cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp tư nhân uy tín tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng du lịch cũng như bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!


TS. Hà Văn Siêu,

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch


Sự lớn mạnh của ngành du lịch đã kích thích đầu tư vào bất động sản du lịch, kéo theo nhu cầu mạnh mẽ đầu tư vào lĩnh vực lưu trú du lịch. Chỉ trong thời gian ngắn số lượng cơ sở lưu trú chủ yếu là khách sạn, resorts, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn, nhà phố thương mại du lịch tăng lên nhanh chóng.

Chính sự tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế và nội địa thời gian qua đã tạo ra làn sóng đầu tư ồ ạt vào các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, resorts, biệt thự, căn hộ du lịch… tại các trung tâm du lịch lớn.

Thực tế, từ năm 2014 đến nay, trên phạm vi cả nước đã xuất hiện cơn sốt đầu tư phát triển bất động sản du lịch khi du lịch tăng trưởng mạnh. Điều này khẳng định rõ sự tăng trưởng khách du lịch tạo sức hấp dẫn cho kênh đầu tư vào bất động sản du lịch và chính yếu tố hấp dẫn du lịch là cội nguồn gia tăng giá trị cho bất động sản tại điểm du lịch.

Với xu hướng dòng khách tiếp tục hướng về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam như ngôi sao đang lên trong ASEAN, chúng ta luôn lạc quan dự báo về viễn cảnh tăng trưởng du lịch 10 năm tới.

Tiếp đà tăng trưởng của ngành du lịch, nhu cầu đầu tư vào cơ sở lưu trú du lịch cũng tăng lên tuy nhiên tính chất, loại hình và địa bàn sẽ thay đổi theo xu hướng nhu cầu của khách du lịch thế hệ mới. Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn hứa hẹn hiệu quả cao nếu lựa chọn đúng địa bàn, đúng loại hình phù hợp với xu hướng nhu cầu của thế hệ khách du lịch mới, thời kỳ gắn với cách mạng công nghiệp 4.0.

Giai đoạn tới, với đặc trưng của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó công nghệ thông tin, truyền thông được ứng dụng sâu rộng trong du lịch; khách du lịch dựa vào công nghệ sẽ có nhiều lựa chọn tiếp cận điểm đến với nhiều phương thức tiêu dùng du lịch theo nhiều xu hướng khác nhau.

Theo đó, khách du lịch sẽ quan tâm nhiều hơn tới chất lượng trải nghiệm tại điểm đến. Điều này đòi hỏi các nhà đầu tư mở rộng và phát triển thêm nhiều trải nghiệm du lịch. Ví dụ dự án bất động sản du lịch sẽ trở thành quần thể và gắn với nhiều tiện ích như casino, thể thao, sự kiện, nghệ thuật...

Một xu hướng khác là khách du lịch thế hệ mới đến Việt Nam đã và đang trở lên từng trải hơn, với nhu cầu cá biệt hơn. Như vậy, đòi hỏi đầu tư vào cơ sở lưu trú du lịch cần có nhiều ý tưởng mới, mở rộng đa dạng địa bàn.

Ngoài ra, kinh nghiệm du lịch ngày càng được tích lũy, dòng khách tự túc ngày càng nhiều, nhu cầu rất đa dạng. Đây là tín hiệu mà nhà đầu tư cần cân nhắc mở rộng nhiều loại hình lưu trú du lịch, đan xen với cộng đồng dân cư, hòa nhập với văn hóa bản địa.

Bên cạnh đó, sự phát triển của ngành hàng không và ứng dụng công nghệ trong kinh tế chia sẻ đang làm cho khách du lịch tiếp cận điểm đến thuận lợi hơn. Do đó, đầu tư vào cơ sở lưu trú du lịch đòi hỏi phải tiện tích thông minh, giá thành cạnh tranh và môi trường điểm đến phải thân thiện.

Đồng thời, dòng khách du lịch MICE (meeting-incentive-convention-exhibition) hiện đang là xu hướng phổ biến với các quần thể, các khu phức hợp dịch vụ gắn với hội họp, hội chợ, sự kiện... đồng thời tại trung tâm du lịch có sức hấp dẫn.

Cuối cùng là sự dao động về dòng khách trong năm theo sự kiện, thời vụ đòi hỏi nhà đầu tư cần tính toán về quy mô dự án và tính kết nối theo chuỗi giá trị gắn với tuyến hành trình và nhu cầu trải nghiệm của khách hàng.



PGS. TS. Trần Đình Thiên,

Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng

Trong khoảng 5 - 7 năm gần đây, xu hướng phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng như codontel, resort, tổ hợp vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng… nổi lên. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Đây là nấc thang phát triển mới trong lĩnh vực bất động sản của Việt Nam.

Thời gian qua, trên thế giới, du lịch bùng nổ. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là xu hướng tăng lượng khách trung lưu, nhất là ở châu Á bùng lên rất ghê gớm. Bên cạnh đó, xu hướng già hóa dân số, giao thông thuận tiện tốc độ cao, lại thêm hàng không giá rẻ bùng nổ, mạng internet cho phép kết nối và tìm kiếm thông tin thuận tiện…, đều có những tác động rất tích cực đến phát triển du lịch.

Khi du lịch định hướng "toàn cầu hóa" càng mạnh thì mỗi quốc gia càng nỗ lực tìm kiếm lợi thế riêng, phát huy bản sắc để hút khách về. Ở khía cạnh này, Việt Nam có rất nhiều lợi thế - bờ biển đẹp, chăm sóc sức khỏe, thuốc bí truyền, văn hóa, ẩm thực, người dân mến khách…

Việc kết hợp nhiều yếu tố về mặt khách quan cho phép khẳng định, xu thế bùng nổ du lịch, nghỉ dưỡng và những sản phẩm bất động sản gắn với du lịch, nghỉ dưỡng sẽ tăng lên. Về trung hạn và dài hạn, đây xu hướng phát triển chắc chắn.

Tôi cho rằng, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng là một trục rất quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Nếu chúng ta không quan tâm tới khía cạnh "đẳng cấp du lịch", trong điều kiện tài nguyên du lịch có hạn và các nguồn lực khán hiếm chỉ tập trung phát triển du lịch đại trà như vừa rồi - kiểu như đẩy mạnh những tour du lịch "không đồng", hoặc để khách du lịch bình dân Trung Quốc sang ào ạt, vượt quá nhu cầu đáp ứng thì không hợp lý, dễ làm hỏng hình ảnh du lịch tốt đẹp mà Việt Nam mới manh nha tạo dựng. Du lịch "sản lượng" không thể nào đóng vai trò là ngành mũi nhọn.

Hiểu theo nghĩa đó thì du lịch, nghỉ dưỡng gắn với nó là hệ thống bất động sản quy mô, đẳng cấp phải trở thành trục rất quan trọng trong Chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam.


TS. Lê Xuân Nghĩa,

Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Thế mạnh lớn nhất của Việt Nam chính là du lịch, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng. Về điều kiện tự nhiên, chúng ta có rất nhiều rừng, biển. Dựa trên điều kiện xã hội, đất nước ta có nhiều di sản, sản phẩm văn hóa, đa dạng dân tộc với những nét văn hóa đặc sắc. 

Đặc biệt, theo đánh giá của du khách phương Tây, Việt Nam có nét văn hóa ẩm thực vào hàng độc đáo và lành mạnh nhất thế giới. Bởi ẩm thực nước mình không gây béo phì, mệt mỏi. Ngoài ra, Việt Nam là một trong số không nhiều các quốc gia còn nhiều nét văn hóa dân gian. Đây là điều hiếm thấy trên thế giới, tạo cơ hội phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng và du lịch thưởng thức văn hóa, di sản…

Trên cơ sở đó, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng gắn với thưởng thức di sản và thưởng thức văn hóa, ẩm thực của Việt Nam có khả năng phát triển rất mạnh. Trong tương lai, không chỉ có nhiều nhà đầu tư lớn trong nước mà đang có dấu hiệu nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào phân khúc này.

Ở những quốc gia mới phát triển như Việt Nam, có hai đặc điểm cần lưu ý. Một là, doanh nghiệp vừa phát triển nhanh nhất chứ không phải doanh nghiệp nhỏ. Hai là, tầng lớp trung lưu là tầng lớp phát triển mạnh nhất. Đương khiên khi đầu tư, người ta sẽ nhằm vào tầng lớp nào phát triển mạnh nhất, nhanh nhất. 

Cho nên, chủ đầu tư các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng chủ yếu chỉ nhằm vào những người có tiền, tức là tầng lớp trung lưu trở lên. Chứ không ai định hướng vào dân nghèo ở nông thôn. Tất nhiên dân nghèo ở nông thôn cũng đi nghỉ dưỡng, nhưng đi theo cách của họ. Tôi đã từng thấy rất nhiều làng, xã tổ chức đi đền, chùa, biển nhưng chủ yếu là theo lối hành hương, tự mang theo đồ đạc, thức ăn…

Như vậy, xu hướng đầu tư bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng phải nhằm vào tầng lớp trung lưu sẽ phát triển rất nhanh. Muốn vậy, cần có những tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp, với nhiều sản phẩm du lịch có bản sắc riêng, độc đáo, mới lạ, đủ sức thu hút khách du lịch sành sỏi, sẵn sàng chi tiền, như cách làm của các tập đoàn lớn như Sun Group, Vingroup…

Cũng phải nhấn mạnh rằng, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng là một loại hình kinh doanh tương đối lâu dài, hiệu quả mang tính dài hạn. Cho nên, phân khúc này chỉ dành cho những tập đoàn nào có trường vốn và dòng tiền tương đối ổn định, có thể lấy những dòng tiền này để mà bù sự đắp thiếu hụt của những dòng tiền khác. 

Những doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực tài chính yếu lại dồn hết vào một dự án quy mô, thời gian triển khai kéo dài độ 3-5 năm chưa thể thu hồi được vốn sẽ gặp phải những khó khăn và rất dễ thất bại. 

Những doanh nghiệp có những dự án đã thành công, thu được dòng tiền rồi để triển khai tiếp những dự án mới thì mới trụ vững trong cuộc đua này. Đối với những doanh nghiệp ngoài ngành hoặc nhỏ bé mà nhảy vào những dự án nghỉ dưỡng lớn chắc chắn sẽ gặp phải những rủi ro rất lớn./.

Nguyễn Thành Công
Ánh Phương
28/10/2019 06:00


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top