Homestay thời “Stay home” - Hết thời để mộng mơ

Homestay thời “Stay home” - Hết thời để mộng mơ

Thứ Ba, 01/09/2020 - 06:00

Thị trường homestay là một thị trường có nhiều tiềm năng, triển vọng, dù "sinh sau đẻ muộn" nhưng đã nhập cuộc và phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, khi cơn bão Covid-19 càn quét qua, thị trường homestay lâm vào tình cảnh khốn khó, khiến những chủ nhân "chân ướt chân ráo" tham gia vào kinh doanh loại hình này tỉnh mộng. 

Homestay đã không còn là khái niệm xa lạ với thị trường khi mà nhu cầu xê dịch của giới trẻ và nhiều gia đình ngày một gia tăng. Với số vốn phải chăng, chỉ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, nhà đầu tư đã có thể kiếm được một khoản lợi nhuận hấp dẫn từ homestay. Nếu thuận lợi, con số lợi nhuận có thể lên tới 3 - 4 lần số vốn phải bỏ ra chỉ sau một năm.

Homestay ngày càng phổ biến có lẽ do sự nở rộ của trào lưu “tây balo” và “phượt” của giới trẻ ở Việt Nam cũng như nước ngoài. Mong muốn của họ là có một nơi lưu trú giá rẻ nhưng lại được trải nghiệm văn hóa địa phương, vùng miền. Vì thế, khách sạn hay resort không thể đáp ứng được nhu cầu của nhóm đối tượng này mà chỉ có loại hình homestay. Loại hình này đặc biệt phù hợp với những quốc gia có nền văn hóa đa dạng như Việt Nam.

Nhớ lại chương trình "Gặp nhau cuối năm 2020" vừa qua kể về câu chuyện người dân làng Vũ Đại thời hội nhập, họ đua nhau làm homestay, đua nhau phát triển du lịch, đua nhau phát triển kinh tế. Người làng Vũ Đại thời homestay khát khao làm giàu, bởi thế, Chí Phèo không còn rạch mặt ăn vạ mà đứng quấy cháo hành, hay gia đình anh Nô, chị Mầu cũng mở quán bar đón khách.

Homestay trở nên ngày càng phổ biến có lẽ là do sự nở rộ của trào lưu “tây balo” và “phượt” của giới trẻ ở Việt Nam cũng như nước ngoài (Nguồn ảnh: Sưu tầm)

GIẤC MỘNG 1 VỐN 4 LỜI

Theo số liệu thống kê của Công ty Dữ liệu và phân tích cho thuê ngắn hạn (AirDNA) tại Việt Nam, trong giai đoạn 2017 - 2019, số lượng homestay chỉ tính riêng ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu như năm 2017 có khoảng 8.000 sản phẩm (riêng TP.HCM có 5.000 sản phẩm), thì đến năm 2019 tăng lên gần 30.000 sản phẩm (trong đó Hà Nội chiếm khoảng 11.000 sản phẩm), tăng khoảng 4 lần so với thời điểm cách đấy 2 năm.

11

Theo đánh giá của AirDNA 2019, thị trường kinh doanh homestay tại Việt Nam tăng trưởng "nóng" với tốc độ 452% về số lượng nguồn cung

Qua tìm hiểu của PV Reatimes, quá trình xây dựng hay cải tạo 1 homestay rất nhanh, chỉ khoảng 2 tuần đến 3 tháng là nhà đầu tư đã có thể bắt tay vào khai thác kinh doanh để thu hồi vốn. Và chỉ sau khoảng 5 tháng cho tới 1 năm là nhà đầu tư đã có thể thu hồi vốn và bắt đầu thu lãi, do vậy mà nhiều người trẻ đã lựa chọn kinh doanh homestay để khởi nghiệp. 

Anh T. Ngọc (Ba Đình, Hà Nội) - chủ một chuỗi nhà cho thuê lại cho biết, anh đã bỏ việc làm văn phòng để khởi nghiệp kinh doanh homestay bởi nhận thấy lợi nhuận khá hấp dẫn, công việc không gò bó thời gian mà còn được tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng, đặc biệt là khách nước ngoài.

“Thời điểm tôi startup, khoảng giữa năm 2019, thị trường khi ấy rất tốt, đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người mới, những người chưa từng kinh doanh như tôi có thể kiếm ra lợi nhuận. Sau khoảng 2 đến 3 tháng, vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm, tháng 10/2019 dự án đầu tiên bắt đầu có lãi, từ đó, tôi mạnh dạn mở rộng mô hình kinh doanh của mình. Mọi việc cứ thế suôn sẻ cho đến một ngày đẹp trời cuối tháng 1/2020, Việt Nam có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, lượng khách bắt đầu giảm dần, đến tháng 3 thì ít hẳn đi”, anh Ngọc cho hay.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng, thị trường homestay có rất nhiều tiềm năng, triển vọng. Dù "sinh sau đẻ muộn" nhưng loại hình này đã nhập cuộc và phát triển vô cùng nhanh chóng.

Tuy nhiên, một vài "tiếng ho" khiến những người đang mơ về một viễn cảnh tươi đẹp cũng chợt tỉnh mộng. Thị trường chứng kiến một cuộc tháo chạy mà trước đây một người bi quan nhất cũng không thể nghĩ tới khi dịch bệnh Covid-19 xảy đến.

HOMESTAY THỜI STAYHOME VÀ NHỮNG CUỘC THÁO CHẠY

22
Biểu đồ dự báo lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nếu dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và kết thúc vào cuối tháng 9/2020

Có 2 kịch bản mà hầu hết các đơn vị nghiên cứu, dự báo đã đặt ra, đó là kịch bản dịch bệnh được kiểm soát trong thời gian sớm nhất và một kịch bản xấu hơn, khi mà Covid-19 tiếp tục diễn biến xấu.

Đối với kịch bản đầu tiên, khi đại dịch dần được kiểm soát thì thời gian ngưng trệ, không có khách du lịch quốc tế sẽ kéo dài trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 9 và việc bắt đầu hồi phục có thể diễn ra từ cuối năm với các hoạt động đi lại du lịch công vụ, giao thương. Theo kịch bản này, lượng khách du lịch quốc tế đến năm 2020 sẽ giảm khoảng gần 75%, chỉ còn khoảng 4,6 triệu lượt.

Tuy nhiên, ở kịch bản xấu hơn, khi mà đến hết tháng 12/2020 dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa kết thúc thì tổng số khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 sẽ giảm khoảng 80% so với 2019, dừng ở con số tổng khách du lịch 3 tháng đầu năm với 3,7 triệu lượt.

Theo báo cáo của AirDNA, năm 2019, Hà Nội có 14.429 căn homestay hoạt động, trong đó, căn hộ dạng một phòng ngủ có nhà bếp và nhà vệ sinh khép kín chiếm tỷ lệ lớn nhất: 35%. Tốc độ tăng trưởng của toàn bộ thị trường là 14%/quý cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường homestay Hà Nội. Tỷ lệ lấp đầy phòng trung bình tại thị trường homestay Hà Nội là 50%, nhưng vào giai đoạn cao điểm tháng 12, tỷ lệ này có thể lên đến 61%, còn khi thấp điểm - tháng 8, là 32%. Doanh thu trung bình mỗi tháng của một homestay là 414 USD.

Thế nhưng, từ cuối tháng 12/2019, trong bối cảnh thị trường bất động sản và đặc biệt là du lịch gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 xuất hiện, dịch vụ homestay đã có những biến động dữ dội khi các thị trường khách quan trọng nhất của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Hơn một nửa số khách hàng thường xuyên của thị trường homestay Việt Nam đến từ 3 thị trường trên và khi dịch bệnh xuất hiện, họ không còn tới Việt Nam nữa.

Hà Nội: Hiện nay, Hà Nội có gần 3.500 cơ sở lưu trú với gần 61.000 buồng. Với tình hình khó khăn chung, các cơ sở lưu trú này đều đang gặp thách thức trong kinh doanh. Tính đến ngày 4/3/2020, đã có khoảng 20.000 khách quốc tế hủy tour đến Hà Nội, tập trung vào khách Trung Quốc và hơn 15.000 khách Việt Nam hủy tour đi nước ngoài, chủ yếu thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc... Tại các cơ sở lưu trú, số lượng khách đặt phòng hủy hơn 80.613 lượt. Số ngày phòng hủy là 57.652 ngày.

Đà Lạt: Theo Sở Văn hóa Thể thao & Du Lịch tỉnh Lâm Đồng, từ ngày 1/2 đến hết tháng 2/2020, khách đã hủy hơn 10.000 phòng tại các khách sạn từ 3 đến 5 sao ở Lâm Đồng. 

Trước tình hình này, không ít homestay, khách sạn ở nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước đã phải lao đao, khốn khó, đặc biệt trong đó là khu vực phố cổ Hà Nội phải cắt giảm nhân sự, giảm lương nhân viên, thậm chí có nơi “kiệt sức” đã phải đóng cửa để bảo toàn vốn, tránh thiệt hại thêm nặng...

Hơn 6 tháng nay là khoảng thời gian khá căng thẳng với anh Hoàng - chủ của 4 cơ sở homestay trên phố cổ Hà Nội. Số lượng khách giảm, doanh thu giảm theo, homestay nơi anh làm việc đã phải “gồng mình” suốt 4 tháng, sau đó bắt đầu treo biển hạ giá rồi đến rao bán, chuyển nhượng mỗi ngày.

Chia sẻ với PV, anh Hoàng cho biết: “Tôi có 4 cơ sở homestay, đa phần đều ở phố cổ nhưng hiện giờ sắp đóng cửa gần hết. Trước khi có dịch, cả 4 cơ sở đều làm ăn tốt, tình trạng lấp đầy đạt 70 - 80%, nhưng từ khi có dịch thì gần như không có khách thuê phòng.

Giai đoạn đầu, chủ nhà có giảm giá mặt bằng cho thuê nhưng chỉ được 2 tháng sau đó lại quay về với mức giá thỏa thuận cũ nên không gắng nổi. Đến thời điểm hiện tại, tôi đã phải trả lại mặt bằng gần hết chứ bây giờ mà sang nhượng cũng chẳng ai mua. Chấp nhận chịu lỗ mỗi căn tầm 150 - 200 triệu đồng còn hơn  kéo dài với tình trạng chết đứng này”.

Cũng không khá hơn anh Hoàng, chị Nhi - nhà đầu tư mới vào nghề cho hay: “Tôi có 1 homestay với 6 studio khép kín tại phố Hàng Lược. Tôi đã tích góp để đầu tư vào đó nhằm kinh doanh cho thuê tuy nhiên từ khi dịch bùng đến tình hình làm ăn rất kém.

Trước dịch, tình hình kinh doanh rất tốt, trung bình đạt 60 - 65 triệu đồng/tháng. Nhưng khi có dịch thì sức thuê giảm rõ rệt, đã thế chỗ tôi chủ nhà yêu cầu phải đóng tiền thuê nhà 6 tháng liền mà mình thì không đủ dày vốn để chờ qua dịch nên đành phải sang nhượng lại”.

IMG_5076
Tỷ lệ lấp đầy homestay của chị Nhi trước khi dịch bệnh diễn ra

Tỷ lệ phòng trống ngày càng tăng khi dịch xảy đến , homestay của chị Nhi dần vắng khách

Không phải đến bước đường cùng là bán đi "đứa con đẻ tinh thần" của mình như anh Hoàng hay chị Nhi, nhưng những cơ sở của các chủ homestay khác cũng sống trong tình trạng “đóng băng” vắng bóng khách thuê.

Chủ homestay Furano Garden (Hòa Bình) cho biết: “Trước dịch, tình hình làm ăn của chúng tôi rất ổn, nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách cao. Tuy nhiên, dịch bệnh ập đến khiến cho việc làm ăn trở nên khó khăn. Với diễn biến dịch bệnh phức tạp như bây giờ thì còn mấy ai đi nghỉ dưỡng.

Dù homestay đã đưa ra các chính sách để khắc phục nhưng cũng chẳng hiệu quả là bao. Biết làm sao được, đây là tình hình chung mất rồi!”.

Cái gọi là “tình hình chung” ấy đã thực sự phá vỡ đi kế hoạch lợi nhuận cũng như miếng cơm manh áo của biết bao chủ đầu tư. Người có vốn thì còn sống sót, gắng gượng qua cơn bão dịch bệnh, người vốn mỏng, vốn ít lại phải đi thuê mặt bằng để đầu tư thì thật sự rất khó để tiếp tục.

Tương tự tình hình của chủ homestay Furano Garden, anh Thiện (Ba Đình, Hà Nội) - người sáng lập KucKoo Home cho biết, trước khi dịch diễn ra, bên anh có đến 120 phòng cho thuê, chủ yếu là khách thuê dài hạn, đối tượng nhắm đến là khách Tây, tỷ lệ kín phòng trung bình 90%, lợi nhuận mỗi tháng khoảng 20% vốn đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, sự xuất hiện của dịch bệnh làm cho lượng khách sụt giảm, dung lượng chỉ đạt 50%, khách ghi nợ nhiều. Mặc dù đã giảm tiền phòng, trả lại bớt gần 40 phòng nhưng lợi nhuận vẫn âm 10% mỗi tháng.

Với doanh thu âm 10% mỗi tháng như vậy, thì liệu rằng anh Thiện sẽ cố chịu được bao lâu khi kịch bản tốt hơn về tình hình dịch bệnh không diễn ra?

"PHẢI THAY ĐỔI ĐỂ TỒN TẠI"

Trả lại mặt bằng, sang nhượng giá rẻ là một trong những biện pháp mang tính tình thế. Tuy nhiên, đó không phải là một biện pháp tối ưu, lâu dài. Nhiều người kinh doanh homestay thà chấp nhận bù lỗ, cầm chừng hoạt động kinh doanh còn hơn là mất trắng tất cả.

Có một cách suy nghĩ khác, những người trẻ như anh T. Ngọc đã chọn cho mình một hướng đi mới. Anh Ngọc chia sẻ: “Tình hình dịch bệnh bắt buộc các chủ đầu cần đưa ra những giải pháp. Tôi phải lựa chọn giữa việc trả lại mặt bằng, sang nhượng hoặc cơ cấu, thay đổi cách kinh doanh để có thể tồn tại. Và bên tôi lựa chọn cách thay đổi, từ cho thuê ngắn hạn sang cho thuê dài hạn, từ phục vụ chủ yếu khách Tây sang phục vụ chủ yếu khách Việt. Đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn có thể ít nhất là duy trì hoạt động được”.

Bài học mà mình thu được sau quá trình khởi nghiệp và trải nghiệm là bất cứ ngành nào cũng sẽ có ngày nắng, ngày mưa. Ngày nắng thì ai cũng ổn, nhưng đến ngày mưa thì những quyết định sai lầm mới cho thấy cái giá phải trả. Cái quan trọng nhất không phải là những quyết định sau dịch nữa mà là những quyết định trước dịch. Những người lựa chọn được những căn nhà “ngon” thì họ sống, còn chọn nhà cao quá thì thua lỗ là chuyện hiển nhiên, khó có giải pháp nào tháo gỡ ”.

Là một người mới vào nghề đã vấp phải những "cơn bão lớn" nhưng anh Ngọc vẫn quyết tâm, cố gắng chống chọi qua cơn đại dịch và hi vọng vào một "bầu trời xanh" sau nhiều ngày giông bão, “Tôi tin là những quyết định của chúng tôi đến bây giờ là đúng đắn. Nếu dịch bệnh có tiếp tục thì chúng tôi vẫn có thể sống được. Nhưng tôi vẫn hy vọng thời gian tới khi mà dịch bệnh qua đi, những người còn ở lại vẫn có thể tiếp tục phát triển như trước đó".

Tuy nhiên, nhìn nhận vào tình hình hiện tại, GS. TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng: "Dịch bệnh Covid-19 tái phát lần hai, Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách đóng cửa du lịch quốc tế, du khách nước ngoài không còn tới Việt Nam thì ắt hẳn các loại hình kinh doanh cũng sẽ đóng cửa theo, trong đó homestay không ngoại lệ. Với tình trạng khó khăn chung như vậy, loại hình homestay chuyển sang cho thuê dài hạn được thì quá tốt nhưng vấn đề là sợ không có ai thuê”.

“Homestay là một hình thức du lịch mà người Việt Nam đang hiểu không đúng bản chất, khiến nó dần biến tướng đi. Xây một ngôi nhà lên nhằm kinh doanh du lịch và gọi đó là homestay thì không đúng. Bởi homestay là khách cùng trải nghiệm những nét văn hóa vùng miền với chủ nhà. Tuy nhiên, ở Việt Nam nhiều khi người làm kinh doanh dựng cái chòi lên và gọi đấy là homestay. Chính sự biến tướng này khiến các chủ đầu tư chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Còn đúng ra nếu ở cùng chủ hộ thì dù mình không cho thuê được thì đấy vẫn là nhà của mình và bình thường mình vẫn có những công việc khác. Vì vậy, xét trong tổng thể nếu đúng bản chất homestay thì nó sẽ là loại hình ít bị ảnh hưởng nhất bởi đại dịch Covid-19”, ông Võ nhấn mạnh.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng: “Loại hình homestay là người ta có nhà, người ta nâng cấp lên rồi cho thuê. Bên cạnh đó, homestay còn là loại hình kinh doanh của một số chủ đầu tư vay tiền ngân hàng, kêu gọi cổ đông góp vốn với mô hình vừa và nhỏ. Vì vậy, vấn đề ở đây là nguồn tài chính của các nhà đầu tư ở mức độ nào? Nếu trong tình hình dịch bệnh khó khăn này mà nhà đầu tư vay 70% thì sẽ dễ dàng sập tiệm còn nếu vay 50 % thì vẫn có thể cầm cự được".

“Chính vì vậy, điều quan trọng là sự ổn định nguồn tài chính của các chủ đầu tư. Trước hết, mô hình kinh doanh phải tốt. Tuy vậy, dù có tốt ở mức độ nào nhưng trong tình hình khó khăn như hiện nay, muốn các doanh nghiệp, cơ sở du lịch tồn tại được thì các ngân hàng cũng cần có những chính sách hỗ trợ. Với bối cảnh hiện tại, để hồi vốn thì không còn là nửa năm nữa mà có thể là 9 tháng cho tới 1 năm, nếu nhìn với chiều hướng tích cực. Vì vậy, bài toán ở đây là cân đối dòng tiền của chủ đầu tư”, ông Thanh cho hay.

Như vậy, để thực sự tồn tại và vượt qua được đợt khủng hoảng này thì đòi hỏi các chủ đầu tư phải có tiềm lực vững vàng về vốn. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là chủ các homestay lại thường nhỏ lẻ, mới vào nghề, vốn ít nên điều này khó có thể có được.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, những chủ đầu tư homestay theo mô hình nhỏ lẻ phần lớn là có sẵn cơ sở hạ tầng nên khi dịch bệnh xuất hiện họ chỉ mất đi một nguồn thu nhất định. Còn những doanh nghiệp có quy mô đầu tư lớn thì thiệt hại sẽ rất nặng nếu yếu về nguồn vốn, tài chính. Nếu doanh nghiệp nằm trong nhóm được ngân hàng giãn nợ thì còn có thể trụ lại, còn không, rất dễ rơi vào khủng hoảng tài chính dẫn đến phá sản, phải sang nhượng mô hình hoạt động. Tuy nhiên, theo ông Đính, đây cũng là một cơ hội để thị trường thanh lọc, giữ lại những đơn vị thực sự chất lượng.

Cơn bão dịch bệnh Covid-19 đã càn quét và không trừ bất kể loại hình kinh doanh nào, homestay cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của nó ra sao còn phụ thuộc vào từng khu vực. Ví dụ như ở các khu vực có khu công nghiệp, các trường đại học thì sẽ bị ảnh hưởng ít hơn so với những mặt bằng tập trung nhiều khách du lịch, chủ yếu như Phố cổ Hà Nội.

"Trong tình hình này cũng khó để nói giải pháp cụ thể là gì. Nhưng trước hết, nhà đầu tư cần xem lại mô hình kinh doanh của mình, chấp nhận tình hình khó khăn hiện tại để tìm ra những cách thức phù hợp vừa giữ được chân khách hàng vừa níu kéo được khách hàng quay trở lại. Tóm lại là phải nắm bắt được thị trường thật tốt.

Đây là một trong những loại hình đa dạng hóa kinh doanh du lịch đối với những khách hàng thích trải nghiệm, thích khám phá các văn hóa vùng miền. Nên tôi nghĩ đây là loại hình thích hợp để duy trì và phát triển. 

Tuy nhiên, loại hình này đang phát triển theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ là chính nên tính chuyên nghiệp, quy củ, sự quản lý của Nhà nước đang rất lỏng lẻo. Vì vậy, loại hình này cần phải thay đổi để tồn tại, cần được nâng cấp quản lý chặt chẽ hơn để đảm bảo sự phát triển tốt nhất”, ông Đính khẳng định.

Như vậy, tổng thể bức tranh về homestay vẫn có thể là một màu sáng. Đây là một thị trường kinh doanh có tiềm năng, thậm chí là tiềm năng lớn nếu biết tận dụng lợi thế và quản lý quy củ. Tình hình dịch bệnh có thể còn kéo dài và mức độ ảnh hưởng có thể nặng hơn nhưng xét trong bối cảnh chung thì homestay vẫn là mô hình ít bị tác động nghiêm trọng nhất bởi cơn bão Covid-19.

Trịnh Tây - Nguyễn Thương
Thanh Thảo
01/09/2020 06:00


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top