Aa

Tổ hợp du lịch: "Chìa khóa" bước vào "cuộc chơi" dài hơi của BĐS nghỉ dưỡng

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 10/06/2020 - 06:25

Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang chuyển dịch dần sang hình thành các tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng tích hợp đầy đủ các tiện ích giải trí, trải nghiệm để thu hút và giữ chân du khách.

Hệ sinh thái “All in one” - xu hướng tất yếu

Xu hướng nổi bật của các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian qua là đầu tư hệ sinh thái “All in one” với những tổ hợp khép kín, tiêu chuẩn quốc tế. Theo các chuyên gia, đây chính là một trong những chiếc chìa khóa đẩy mạnh cả chất và lượng cho du lịch Việt Nam. Đặc biệt, tại những vùng kinh tế trọng điểm như Phú Quốc, Vân Đồn,… sự xuất hiện của các tổ hợp nghỉ dưỡng đã góp phần thay đổi bộ mặt đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo chiều hướng tích cực. 

Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, tổng nguồn cung bất động sản du lịch năm 2019 đạt 18.425 sản phẩm, lượng giao dịch thành công đạt 6.700 sản phẩm. Trong đó, nhiều dự án bất động sản du lịch có quy mô lớn với tổ hợp dịch vụ khép kín, đạt tiêu chuẩn quốc tế và được đầu tư bởi các chủ đầu tư uy tín, do các tập đoàn nước ngoài có thương hiệu quản lý vận hành, được các nhà đầu tư quan tâm, tỷ lệ hấp thụ đạt trên 70%...

PGS.TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích, xu hướng đầu tư các tổ hợp nghỉ dưỡng tại các khu kinh tế trong tương lai phù hợp với nhu cầu thị trường và xu hướng phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Có thể nhìn thấy rõ theo giai đoạn.

PGS.TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương 

Giai đoạn thứ nhất, tập trung là trong khoảng 1993 - 1996, gắn liền với giai đoạn phát triển thị trường bất động sản những năm 90. Sản phẩm là các khách sạn, các resort quy mô nhỏ. Địa bàn triển khai nổi bật nhất là Mũi Né - Phan Thiết. Giai đoạn thứ hai là các resort nghỉ dưỡng quy mô lớn hơn. Điển hình của giai đoạn này là khu vực Mỹ Khê - Đà Nẵng, Hội An - Quảng Nam. Giai đoạn thứ ba là các chuỗi resort, điển hình nhất là Bãi Dài - Cam Ranh, Khánh Hòa, tiếp đó gần đây là Phú Quốc và Vân Đồn.

PGS.TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: “Hiện nay Phú Quốc và Vân Đồn là hai địa bàn có nhiều điều kiện thuận lợi, với lợi thế “đi sau”. Trong đó, Vân Đồn là điển hình bởi bây giờ bắt đầu mới xây dựng từ đầu và đây chính là cơ hội vàng cho các nhà đầu tư, cơ quan quản lý để triển khai bài bản, làm hình mẫu phát triển. Với hành lang pháp lý hiện thời, Vân Đồn đã đủ cơ sở, tiềm lực để phát triển bất động sản du lịch đặc biệt là các tổ hợp du lịch lớn cũng như kinh tế ban đêm”.

Nhận định về Vân Đồn, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho hay, hầu hết các nhà phát triển bất động sản lớn trên cả nước như: Vingroup, CEO Group, Sun Group, FLC, HD Mon... đã dần xuất hiện ở thị trường này. Nhiều dự án được rót vốn hàng chục nghìn tỷ đồng, hứa hẹn làm “thay da, đổi thịt” thị trường bất động sản Vân Đồn trong tương lai gần.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia

Điển hình, dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City (xã Hạ Long) của Tập đoàn CEO, chủ đầu tư đã bỏ ra khoảng 2.000 tỷ đồng để thực hiện công tác san nền, đầu tư xây dựng các hạng mục. Dự kiến khi hoàn tất thủ tục đầu tư, Tập đoàn CEO tiếp tục triển khai đầu tư khách sạn 1.000 phòng, với tiêu chuẩn quốc tế 5 sao ở khu vực liền kề, tạo nên sự kết nối đồng bộ, với đầy đủ các dịch vụ tiện nghi đẳng cấp quốc tế, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của khách nội địa và quốc tế.

TS. Nghĩa nhấn mạnh: “Chính sự bùng phát và xu hướng đầu tư, phát triển các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, đa chức năng, hội tụ, như danh thắng của Đà Nẵng, Phú Quốc, Quảng Ninh... đã đón đầu được xu hướng mới, hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của khách quốc tế đến Việt Nam. Và sau dịch, các tổ chức quốc tế dự báo, khách quốc tế sẽ bùng nổ ở thị trường du lịch Việt Nam”.

Tổ hợp du lịch: Nhân tố then chốt níu chân du khách

Mỗi năm, có khoảng 15 triệu khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam và bên cạnh đó là 80 triệu lượt khách nội địa, gấp 4 lần so với thập kỷ trước. Trong khi đó, nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng của Việt Nam hiện mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu lưu trú cho khách du lịch quốc tế. Ngoài ra, giá bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam đang ở mức thấp so với các quốc gia có cùng tiềm năng.

Sự xuất hiện của các tổ hợp bất động sản nghỉ dưỡng phức hợp kết hợp nghỉ ngơi, giải trí, mua sắm chính là xu hướng chung, là nhân tố giúp kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách. Đó là mô hình mới vượt qua các tư duy cũ kỹ trước đây về cách làm bất động sản du lịch.

Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang chuyển dịch dần sang hình thành các tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng tích hợp đầy đủ các tiện ích giải trí, trải nghiệm để thu hút và giữ chân du khách.

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết: “Trước đây, Việt Nam có mô hình tổ hợp của Vingroup, Sun Group. CEO Group... Giờ đây tôi thấy nhiều hơn các chủ dự án phát triển tổ hợp, đó là xu hướng tiêu dùng và cũng là xu hướng lựa chọn đầu tư của các nhà đầu tư thứ cấp. Vân Đồn đi sau, về sự lựa chọn của Quảng Ninh với Vân Đồn tôi cho là hợp lý. Đầu tư vào thị trường Vân Đồn rất đáng lưu tâm.

Nhu cầu về du lịch nghỉ dưỡng hiện nay ngày càng đa dạng, phong phú và chất lượng. Do vậy đòi hỏi các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng luôn phải đổi mới, đầu tư đang dạng tiện ích với chất lượng cao nhằm nâng cao năng lực hút khách mới đảm bảo hiệu quả đầu tư kinh doanh”.

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

PGS. TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới nhận định: “Du khách sẵn sàng chi nhiều tiền để hưởng thụ các dịch vụ đẳng cấp, tiện ích trong các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp trên 5 sao. Do đó, phát triển dịch vụ du lịch phải đa dạng, không chỉ tắm biển, tham quan, mà phải là các đô thị thể thao, hội họp, triển lãm, mua sắm, an dưỡng… Chính sự đa dạng của các ngành dịch vụ này mới tạo ra sức hấp dẫn du khách”.

PGS. TSKH. Võ Đại Lược cho rằng, để phát triển dịch vụ du lịch đa dạng, nhất thiết phải tổ chức và đẩy nhanh tốc độ xây dựng các tổ hợp kinh doanh bất động sản du lịch đa công năng, đa tiện ích, đặc biệt là tại các khu kinh tế chưa có hạ tầng du lịch phát triển như Vân Đồn.

Tổ hợp nghỉ dưỡng phải bao gồm khách sạn quốc tế, căn hộ nghỉ dưỡng; dãy nhà phố thương mại; công viên rừng; quần thể tiện ích dịch vụ và Tổ hợp các công trình phức hợp vui chơi đáp ứng mọi nhu cầu giải trí của du khách và mang đến trải nghiệm văn hóa đặc sắc; bến thuyền du lịch…

Các chuyên gia cũng cho rằng, đầu tư vào những tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng hiện đại, quy mô lớn, dựa trên nền tảng du lịch và trải nghiệm các yếu tố: Dịch vụ nghỉ dưỡng; dịch vụ văn hóa vùng miền; dịch vụ ẩm thực vùng miền; dịch vụ thể thao, giải trí; dịch vụ vụ kết nối di sản;… là rất cần thiết tại các khu kinh tế đặc biệt.

Hơn nữa, tính thanh khoản và cơ hội sinh lời của bất động sản nghỉ dưỡng tại tại các khu kinh tế đặc biệt là rất lớn, tuy nhiên, đó phải là sản phẩm của các chủ đầu tư uy tín, có kinh nghiệm và thường là các sản phẩm trong những tổ hợp mới lạ, quy mô lớn, có nhiều tiện ích, trải nghiệm, tính kết nối và cộng đồng tốt sẽ có sức thu hút nhà đầu tư lớn hơn. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top