Nhiều lần dọc ngang trên cung đường Hạnh Phúc, tôi đều chọn điểm dừng chân chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hẻm Tu Sản và sông Nho Quế ngay dưới chân núi Mã Pì Lèng, địa phận huyện Mèo Vạc. Phải đến chuyến đi vào những ngày đầu tiên của năm 2023 tôi mới thực hiện chuyến “lênh đênh” trên dòng sông uốn lượn theo triền núi.

Từ khi có Nhà máy thủy điện sông Nho Quế, mực nước dâng cao nên thuyền bè qua lại hẻm Tu Sản dễ dàng hơn. Bến nơi đây hình thành và đã có thuyền sắt cỡ lớn, có mái che, áo phao và đồ cứu hộ đầy đủ đưa đón du khách đến tận khu vực chân vách núi.
Xuôi dòng Nho Quế khoảng độ 20 phút là đến hẻm Tu Sản nằm yên bình trên dòng sông, giữa địa hình núi rừng Đông Bắc hiểm trở.

Rời đỉnh đèo Mã Pí Lèng, hướng sang thị trấn Mèo Vạc có một con đường nhỏ, đổ dốc xuống mép dòng sông Nho Quế. Cung đường núi khá hẹp với những khúc cua “dựng tóc gáy” có độ dốc rất lớn, lại bắt cua gấp là một thách thức với tay lái khi quãng đường chỉ khoảng 7km, hạ độ cao từ trên đường quốc lộ 1.500m xuống mép sông.

Khung cảnh hùng vĩ của hẻm Tu Sản vào những ngày sương mù lãng đãng với dòng Nho Quế xanh như ngọc uốn quanh chân núi tựa tấm lụa đào.
Bản làng của người Mông, người Giáy với những nếp nhà đơn sơ dọc hai bờ sông Nho Quế.
Trên đèo Mã Pí Lèng, với tầm nhìn thẳng xuống sông Nho Quế là những con thuyền ngược xuôi dòng nước.

Điểm dừng chân bên mép sông trước khi lênh đênh mặt nước thuộc địa phận thôn Tà Làng (xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc). Đây là thôn có 39 hộ người dân tộc Giáy, Tày, Mông sinh sống, nằm cách xa trung tâm xã và đời sống dường như tách biệt với thế giới bên ngoài. Từ khi thủy điện chặn dòng, sông Nho Quế trở nên tĩnh lặng và trầm mặc hơn thì cuộc sống của họ đã có nhiều thay đổi. Bến thuyền Tà Làng trở nên sôi động với những đoàn du khách tìm đến theo sức hút của hẻm vực Tu Sản.

Ngược dòng Nho Quế, bạn sẽ có cơ hội khám phá trọn vẹn nơi hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á…
… nơi mà theo người dân địa phương, trừ những hôm nào mưa, nước sông Nho Quế luôn có màu trong xanh ngọc bích và mát rượi.

Vốn bắt nguồn từ vùng núi Nghiễm Sơn (Vân Nam, Trung Quốc), sông Nho Quế chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam qua nhiều hẻm vực núi non và đoạn sông chảy qua hẻm vực Tu Sản được mọi người đánh giá là kỳ vĩ nhất. Khi xuất phát, sông Nho Quế gần bến thuyền khá rộng nhưng chỉ sau khoảng 20 phút lênh đênh về đoạn sông chảy qua hẻm vực Tu Sản, độ sâu đã là 700 - 900m so với cao điểm 1.500m trên khu đỉnh đèo Mã Pí Lèng. Kéo dài khoảng 1,5km, đây được xem là hẻm vực có địa hình sâu nhất Đông Nam Á với vách đá gần như dựng đứng với độ dốc lên đến 70 - 80 độ tạo thành chữ V khổng lồ.

Hẻm Tu Sản được ví như “đệ nhất hùng quan” với chiều cao ấn tượng và dòng Nho Quế chảy uốn lượn nối giữa hai miền đá lạnh Đồng Văn với Mèo Vạc. 
Con thuyền sắt chở du khách rẽ nước đi giữa hẻm vực Tu Sản…
… ngang qua vách núi đá dựng đứng hai bên với những thảm thực vật xanh ngắt hiện ra trong sự phấn khích tột cùng.

Đó chính là lý do hẻm Tu Sản được ví như “đệ nhất hùng quan” đồng thời là danh thắng kỳ vĩ độc nhất ở cao nguyên đá Đồng Văn. Theo các nhà nghiên cứu, hẻm vực Tu Sản được hình thành trong quá trình kiến tạo đứt gãy địa chất cả triệu năm trước đây và đây chính là sản phẩm kỳ diệu của tạo hóa, khi nơi đây vẫn còn chìm giữa lòng đại dương mênh mông. Trong quá trình thay đổi của vỏ trái đất, nước dần rút đi và qua quá trình bào mòn, giờ đây chúng ta đã may mắn sở hữu một di sản địa chất độc nhất vô nhị./.

Trọng Chính
Lê Quyên
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận