Di dời nhà máy khỏi nội đô: Nhìn từ một năm sau vụ cháy Rạng Đông

Di dời nhà máy khỏi nội đô: Nhìn từ một năm sau vụ cháy Rạng Đông

Thứ Sáu, 21/08/2020 - 06:00

Sẽ là khập khiễng nếu so sánh vụ cháy Rạng Đông hay sự việc nổ kho hóa chất tại cảng Đức Giang (Hà Nội) với vụ nổ xảy ra tại cảng Beirut (Lebanon) ngày 4/8 vừa qua. Các câu chuyện không hoàn toàn giống nhau, nhưng đều dẫn dắt từ những nguyên nhân tương đồng và hệ quả thì vô cùng thảm khốc, nhất là ở Lebanon. Những bài học chung được rút ra sau hàng loạt tai nạn, đó chính là mối nguy hại của sự bất cẩn. 

Bởi, nếu không cẩn thận, không đề phòng, không kiểm soát và kiểm tra thường xuyên thì việc xảy ra sự vụ thảm khốc như ở Lebanon là điều không tránh khỏi. Hệ quả để lại sau những vụ việc như vậy là khôn lường, cái giá phải trả quá đắt.

Nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An

Hoạt động của các nhà máy, cơ sở sản xuất gây tác động rất lớn tới môi trường xung quanh. Trong quá trình vận hành, phát thải của các nhà máy như: Khói bụi, nước thải, chất thải rắn... đều là những thứ thuộc loại độc hại. Dù nước thải có qua xử lý thì vẫn không thể trở nên vô hại, chất thải rắn có chở đi xa thì cũng không thể đảm bảo hết các yếu tố bảo vệ môi trường. Câu chuyện chất thải tích tụ mỗi ngày, ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng môi trường là điều cần quan tâm trước nhất. 

Tiếp đó, là những nguy cơ tiềm ẩn về một "quả bom nổ chậm" giữa trung tâm thành phố, ví dụ như vụ việc của Rạng Đông, nếu lặp lại một lần nữa thì hệ lụy của nó còn lớn hơn rất nhiều.

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ

Hơn 2 tuần sau vụ nổ “như một quả bom nguyên tử” ở cảng Beirut, Lebanon chìm sâu vào khủng hoảng với gần 300.000 người không có nhà ở và nguy cơ xảy ra nạn đói khi Liên Hợp quốc thông báo nước này sẽ hết bánh mỳ trong vòng 2,5 tuần nữa vì 85% lượng ngũ cốc đã bị phá hủy trong vụ nổ. Thảm kịch khiến 250.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Thiệt hại ước tính lên tới 3 - 5 tỷ USD.

cang beirut
Trong ảnh chụp vệ tinh của Planet Labs, vụ nổ tại cảng Beirut đã "liếm" rụi nhà cửa, phá hủy gần như tất cả những tòa nhà trong khu vực tâm chấn, nhiều tòa bị hư hỏng nặng.

Thảm kịch ở một quốc gia xa xôi khiến không ít người liên tưởng tới vụ nổ kho hóa chất tại cảng Đức Giang (phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội) hồi tháng 6 vừa qua, hay trước đó nữa là vụ cháy kho xưởng của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) vào cuối tháng 8/2019. May mắn rằng không có thương vong xảy ra ở hai vụ hỏa hoạn của Việt Nam, nhưng thiệt hại và những ám ảnh về nhiễm độc thủy ngân để lại là không hề nhỏ. Đó còn là những hệ lụy khó lòng đong đếm được về ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước mà có lẽ các thế hệ sau này sẽ còn phải hứng chịu hậu quả.

Điều đau xót là tất cả những hệ lụy đó hoàn toàn đã có thể tránh được, nếu thực hiện quyết liệt kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi nội đô, khu dân cư. Nhưng người ta đã không làm ráo riết.

Cháy kho hóa chất tại cảng Đức Giang (phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội)  - Tháng 6/2020

Cháy kho xưởng nhà máy Rạng Đông (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội)  - Tháng 8/2019

"HÓA CHẤT SÁT CẠNH NHÀ MÀ LẠI BẢO KHÔNG ẢNH HƯỞNG GÌ THÌ NGHE... BUỒN CƯỜI"

Tròn 1 năm sau vụ hỏa hoạn nhà kho Rạng Đông, khu vực kho bãi nay đã được xây mới, cuộc sống người dân xung quanh bắt đầu trở lại nhịp sống thường ngày.

Hàng chục hộ gia đình quanh kho xưởng phải di dời khẩn cấp trong đêm, những gương mặt mệt mỏi, lo âu và ám đầy muội đen khói lửa của người lính cứu hỏa khi phải vật lộn gần 6 tiếng đồng hồ để dập lửa, một kho xưởng hơn 6.000m2 tan hoang, những chiếc bóng đèn cháy đen thành tro. Những thông tin vội vàng phát đi của chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không sử dụng thực phẩm rau, hoa quả, gia cầm,… được nuôi trong vòng bán kính 1km kể từ tâm đám cháy trong vòng 21 ngày, cảnh báo sơ tán trẻ nhỏ, người già, ốm bệnh ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng của cháy, thời gian sơ tán từ 1 - 10 ngày… 

Tất cả những lo toan đó đều đã rơi vào một ngày của quá khứ. Người dân đã phải gắng gượng để khôi phục lại nhịp sống đời thường, nhưng, những vết đen ám khói Rạng Đông vẫn còn hiện trên những mảnh tôn, trên những bức tường hay bậc thềm nhà đâu đó. 

Toan canh Nha may Rang Dong
Nhà máy Rạng Đông sở hữu 5,7ha đất, nằm sát đường vành đai 3 và ở trong khu vực dân cư đông đúc
Cùng khu vực của nhà máy Rạng Đông, nhiều cơ sở sản xuất như Công ty Cao su Sao Vàng, nhà máy giầy Thượng Đình, Công ty Thuốc lá Thăng Long... cũng nằm trong danh sách phải di dời

Chúng tôi trở lại Rạng Đông sau đúng gần 1 năm khi vụ cháy kho xưởng diễn ra. Vừa đúng giờ tan tầm trưa, những tốp công nhân nhà máy tan ca. Không khí của nhịp sống thường ngày khiến người ta tạm quên đi nỗi ám ảnh khói độc hại thủy ngân lẩn khuất trong bầu khí thở trước đó, dù chẳng ai đo đếm được thực tế đến nay tác động của vụ cháy để lại như thế nào.  

Được biết, ngay sau khi vụ cháy xảy ra, 95% hộ dân tại khu đô thị 54 Hạ Đình đã phải di tản do lo ngại về nhiễm độc thủy ngân. Bác N. An, một người dân sống tại khu đô thị 54 Hạ Đình - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thủy ngân rò rỉ từ vụ cháy - cho hay: “Có phải ai cũng có chỗ để di tản đâu, người ta có người nhà, con cái ở chỗ khác thì còn đến ở tránh được, chứ như chúng tôi sống ở đây bao nhiêu năm thì lấy đâu ra chỗ mà di tản, muốn đi cũng không được".

Trước phản ứng dữ dội của người dân về thông tin: Vụ cháy đã khiến cho hơn 15kg thủy ngân cháy và phát tán ra bên ngoài, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức khám sàng lọc miễn phí cho những hộ dân sinh sống trong khu vực quanh khu nhà xưởng bị cháy của công ty Rạng Đông, nhưng theo lời của bác An: "Người dân đi khám chẳng được gì mà còn mất thời gian. Kết quả cũng không được cầm, cũng không biết ai mắc bệnh, ai nhiễm, ai khỏe. Còn các con, các cháu nay viêm họng, mai ho sốt thì chỉ biết thế thôi chứ làm sao biết là do ảnh hưởng thời tiết hay do hậu quả của vụ cháy?!”.

Không chỉ riêng nhà máy Rạng Đông, ngay tại khu vực phường Hạ Đình và con ngõ đi vào nhà máy Rạng Đông còn có tới 3, 4 cơ sở sản xuất khác vẫn đang ngày đêm vận hành. Cô Lan, một cư dân gốc Hạ Đình lo ngại: "Nguy hiểm mà tôi phải chịu suốt 20 năm nay là hoạt đông của CTCP Dây và Cáp điện Thượng Đình (CADI-SUN). Họ đốt dây cáp điện liên tục, ồn ào 24/24. Những hộ dân xung quanh phải đóng cửa kín mít suốt cả ngày, mở cửa ra là con cháu không học được, nói chuyện với nhau không nghe thấy gì".

Theo phản ánh của người dân, nguồn nước thải của các cơ sở sản xuất này được dẫn ngay ra rãnh nước của khu dân cư. Dẫu biết là độc hại nhưng chẳng thể chuyển đi, mà có phản hồi, khiếu kiện hay cả làm việc với bộ phận quản lý của doanh nghiệp nhưng rồi câu trả lời mà người dân nhận được chỉ là: "Nay mai sẽ có chương trình dời đi nơi khác". Nhưng đã 4, 5 năm kể từ đó, vẫn chưa thấy nhà máy được dời đi...

“Không biết kế hoạch di dời của các nhà máy ra sao nhưng chúng tôi thấy chưa thấy có biểu hiện nào của việc di dời, thậm chí họ còn mở thêm nhà xưởng như công ty Rạng Đông. Chúng tôi năm nay đã gần 70 tuổi rồi, chẳng sống được bao nhiêu nhưng vẫn mong Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền giải quyết, báo chí vào cuộc để đời con đời cháu còn được sống trong bầu khí thở trong lành”, bà Lan giãi bày.

nha may rang dong
Nhịp sống thường nhật đã sớm quay trở lại với dân cư quanh nhà máy Rạng Đông
cuoc song quanh nha may rang dong
Hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Rạng Đông diễn ra tấp cấp hơn sau vụ cháy năm 2019
kho xuong moi
Khu nhà xưởng bị cháy nay đã được sửa chữa, "bồi đắp" lại
vet tich cua dam chay rang dong
Vết tích còn sót lại của đám cháy

Cuộc sống thường nhật đã trở lại với cư dân xung quanh Nhà máy Rạng Đông sau vụ việc ngày 28/8/2019

chay rang dong 2
Kho xưởng nhà máy Rạng Đông ngay sau vụ cháy năm 2019
kho xuong moi
Tháng 8/2020, kho xưởng mới đã được sửa chữa, dựng mới

Nhà xưởng bị cháy nay đã được sang sửa lại nhưng dường như được để không, không sử dụng đến

Có mặt tại khu vực kho hóa chất cảng Đức Giang (phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội), nơi xảy ra vụ cháy hồi tháng 6, chú Hạnh, một người dân sống ngay gần đó chia sẻ với chúng tôi: “Gia đình tôi có hai đứa trẻ con, thường xuyên các cháu cũng bị nôn trớ. Ngay sau khi vụ cháy xảy ra, gia đình đã phải đưa lũ trẻ về quê vì khói đen bốc lên mù mịt, hít phải sẽ rất độc. Còn người lớn chúng tôi già rồi nhiều bệnh thì cũng không biết thế nào. Nhưng chúng tôi cảm nhận được mùi của nó rất khó chịu. Không phải đến khi có vụ cháy xảy ra mà trước hay sau đó thì khu vực này vẫn có mùi khó chịu. Dù tôi có đóng kín cửa, ngồi trong nhà cũng không yên bởi những mùi ấy".

Đáng lo ngại hơn là khảo sát của PV cho thấy, những nhà máy, xưởng sản xuất này lại nằm trên đường nước sạch và đường nước sạch chạy qua bể chứa hóa chất, trong khi đây lại là nguồn cấp nước cho cả khu dân cư.

Theo quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp có hoạt động sản xuất liên quan tới hóa chất thì sẽ có những khung xử phạt cũng như bồi thường đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường hay khi có sự cố xảy ra. Tuy nhiên, sau vụ cháy kho nhà máy hóa chất Đức Giang, theo chia sẻ của người dân thì từ chính quyền cho đến chủ xưởng đều "im hơi lặng tiếng", không có bất cứ động thái nào hướng tới việc xử lý hay bồi thường cho người dân. 

"Thực ra ở đây, người dân chúng tôi có kiện thì chỉ mang tiếng là đi kiện cho có thôi. Đóng vai ác đi khiếu kiện, khiếu nại và rồi kết quả cũng chẳng được gì. Người dân kiện cáo nhiều quá thì chính quyền cũng họp, rồi thành lập đoàn đi kiểm tra. Đoàn kiểm tra xuống thì chỉ làm việc với doanh nghiệp xong rồi về, nhân dân cũng chẳng được giám sát mà biết kết là có quả ảnh hưởng hay ô nhiễm gì không”, chú N. Bắc, người dân sống gần kho cảng Đức Giang cho hay.

Chú Bắc nhấn mạnh: “Hóa chất ở sát cạnh nhà mà người ta lại bảo sẽ không ảnh hưởng gì thì nghe... buồn cười”.

Việc tiếp tục tồn tại những kho xưởng sản xuất giữa khu vực dân cư đang ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống, chất lượng môi trường sống. Đó không phải là những hậu quả xảy ra tức thời mà kéo dài theo thời gian, ngấm vào nguồn đất, nguồn nước. Và nhìn rộng ra, thì câu chuyện chậm trễ di dời khiến cho những kế hoạch đề ra bị lệch hướng. 

Trong bối cảnh những khối bê tông ngày một ken đặc vào từng khoảng trống trong nội đô, thì việc di dời các khu nhà xưởng với diện tích lớn để sớm trả lại khoảng thở cho đô thị là vô cùng cấp thiết. Bởi, theo quy định tại Quyết định 01/2006/QĐ-BXD ngày 5/1/2006 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, tiêu chuẩn đất cây xanh công viên của đô thị đặc biệt là 7 - 9m2/người, đô thị loại I - II: từ 6 - 7,5m2/người, loại III - IV từ 5 - 7m2/người, loại V từ 4 - 6m2/người. Cụ thể hơn, mật độ xây dựng áp dụng cho các khu đô thị: Tối đa là 25%, diện tích còn lại dành cho giao thông nội khu, cảnh quan, cây xanh. Nhưng đáng tiếc, những dự án đạt tiêu chuẩn này ở các khu vực như Hà Nội hay TP.HCM được cho là "đốt đuốc" tìm cũng không ra. 

DÀNH CẢ THẬP KỶ ĐỂ CHẠY ĐÀ CHO CÔNG CUỘC DI DỜI

Chủ trương di dời các cơ sở sản xuất có độc hại, gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô đã có từ khoảng năm 2003. Từ đó, Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội đã quyết định phải kiên quyết di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân Thủ đô.

Cùng nhìn lại quá trình từ chủ trương cho tới giai đoạn chạy đà quá kỹ càng của cả cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp trong suốt cả chục năm qua đối với công cuộc di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi nội đô:

2003: Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 64/2003/QÐ-TTg về kế hoạch di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

2015: Ngày 23/1/2015, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Đối tượng di dời là các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở điều trị có mức độ ô nhiễm, truyền nhiễm lây nhiễm cao, sử dụng quá tải; các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị nằm trong khu vực nội thành Hà Nội không phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, gây mất cân đối về hạ tầng xã hội và kỹ thuật, giao thông, ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội.

2016: Ngày 5/12/2016, UBND TP. Hà Nội đưa ra lộ trình đến 2020 di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành theo 4 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Di dời các cơ sở ở 4 quận nội thành gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

- Giai đoạn 2: Di dời các cơ sở vừa gây ô nhiễm môi trường vừa không phù hợp quy hoạch.

- Giai đoạn 3: Di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

- Giai đoạn 4: Di dời các cơ sở còn lại.

co so san xuat di doi

Thời điểm đó, TP. Hà Nội cho biết đang xem xét 21 dự án thuộc diện di dời nhà máy ra khỏi khu vực nội thành, với diện tích chuyển mục đích sử dụng đất là 346.000m2; trong đó diện tích xây dựng nhà ở là 141.862m2, diện tích đất trường học là 39.136m2, diện tích đất hạ tầng kỹ thuật là 150.258m2, diện tích đất thương mại, dịch vụ là 11.238m2.

Trong danh sách nhà máy thuộc nhóm gây ô nhiễm môi trường có: Công ty Cổ phần Xây lắp và Cơ khí Cầu Đường (Trần Quý Cáp), Công ty Thuốc lá Thăng Long (Nguyễn Trãi), Công ty cao su Sao Vàng,…

2019: Sau một thời gian dài, không rõ tiến độ di dời ra sao, những đơn vị nào đã thực hiện di dời, đơn vị nào chưa… thì vụ việc cháy kho xưởng Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) xảy ra vào tối ngày 28/8/2019 đã thổi bùng lên ngọn lửa bức xúc trong dân cư, yêu cầu sớm di dời các cơ sở sản xuất.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vào chiều 4/9/2019, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sẽ kiến nghị di dời nhà máy Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông ra khỏi khu vực xảy ra vụ cháy. Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, chủ trương di dời các nhà máy ra khỏi khu vực dân cư đã có từ lâu. Việc nhà máy Rạng Đông nằm trong khu vực dân cư đã không còn phù hợp, nhất là sau khi xảy ra vụ cháy, đã làm ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân.

Trên cơ sở này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị TP. Hà Nội tạo điều kiện cho nhà máy Rạng Đông chuyển địa điểm sản xuất.

BAO GIỜ NHỮNG QUẢ BOM NỔ CHẬM GIỮA NỘI ĐÔ MỚI ĐƯỢC GỠ BỎ?

Về biện pháp di dời các cơ sở sản xuất, TP. Hà Nội đã phân loại đối với các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và không phù hợp quy hoạch đề xuất hình thức bắt buộc di dời ngay. Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch tiến hành phân loại đề xuất xử lý cụ thể từng trường hợp theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các đồ án quy hoạch phân khu đô thị.

Liên quan đến cơ chế, theo UBND TP. Hà Nội, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phải di dời thực hiện bán tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nhà nước thu hồi đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp phải di dời để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Doanh nghiệp phải di dời tự làm chủ đầu tư hoặc liên doanh với nhà đầu tư khác hình thành pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch.

Theo lộ trình được xác định, đến năm 2020, các cơ sở ô nhiễm phải di dời ra khỏi trung tâm thành phố. Tuy nhiên, cho tới quý III/2019, trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn còn hàng loạt nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp chưa chịu di dời.

Cũng theo Quyết định số 130/QĐ-TTg, quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng.

Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, trên thực tế, việc triển khai thực hiện Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ còn chậm và gặp khó khăn do nguồn vốn thực hiện công tác di dời và xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí và chưa có phương án xã hội hóa; chưa xây dựng cơ chế chính sách về tài chính phù hợp để khuyến khích, khai thác quỹ đất sau di dời có hiệu quả.

Vốn là vấn đề được dư luận quan tâm, không ít cử tri, đại biểu Quốc hội đã có câu hỏi tới Bộ Xây dựng về tiến độ cũng như giải pháp cho câu chuyện di dời cơ sở sản xuất, trường học,... Bộ Xây dựng đã kiến nghị các UBND địa phương tổ chức lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch có liên quan làm căn cứ cho việc sử dụng các quỹ đất sau khi di dời và xác định bố trí quỹ đất và hạ tầng các cơ sở mới trước khi phải di dời ra khỏi khu vực nội thành. Đề xuất phương án sử dụng quỹ đất sau khi di dời được cụ thể hóa trong quy hoạch được duyệt, đề xuất cơ chế chính sách thực hiện việc đầu tư các công trình công cộng, công viên, cây xanh các quỹ đất sau khi thực hiện di dời.

Ở góc độ quy hoạch, KTS. Phạm Thanh Tùng phân tích: "Khi chưa đô thị hóa, diện tích Hà Nội còn nhỏ, chỉ khoảng mấy chục vạn km2, các khu Cao - Xà - Lá, Dệt Minh Khai… đều ở khu vực ngoại vi thành phố. Nhưng khi đô thị hóa diễn ra, vành đai 2, 3 trùm lên, vô hình trung các nhà máy, cơ sở sản xuất lại nằm trong nội đô, lọt vào giữa các khu dân cư. Các nhà máy này không xây dựng sai phép, nên Nhà nước cần có phương án tài chính di dời phù hợp để doanh nghiệp có thể chuyển đổi công năng. Thêm vào đó, trước đây, các nhà máy phần lớn là bao cấp, đi kèm khu ở tập thể, ví dụ như khu Cao - Xà - Lá có nhà tập thể Cao - Xà - Lá, công ty Dệt 8/3 có khu tập thể dệt 8/3 cho người lao động. Cần nêu rõ các vấn đề ra để thấy việc di dời là một bài toán phải cân nhắc, tính toán kỹ".

Bàn luận về vấn đề này, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ cho hay: "Việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô đã có kế hoạch, có lịch trình cụ thể. Do vậy, cơ quan quản lý và chính quyền TP cần đôn đốc thực hiện. Bởi, nếu không đôn đốc thì các cơ sở sẽ không chịu di dời, bản chất họ vẫn muốn ở lại chỗ cũ hơn. Ở góc độ chủ quan, lãnh đạo doanh nghiệp cũng chây ì. Đáng lẽ phải có biện pháp, thời hạn như thế nào để cương quyết đôn đốc. Như danh sách mà cơ quan quản lý báo cáo thì vẫn còn rất nhiều cơ sở gây ô nhiễm cần phải di dời".

Nói về hệ lụy của việc để "những quả bom nổ chậm" tồn tại giữa Thủ đô, GS. Võ cho rằng dù thế nào thì các kế hoạch di dời đã có từ lâu, và bản chất hoạt động của các cơ sở này gây tác động vô cùng lớn tới môi trường. 

Thứ nhất, về không khí, các cơ sở sản xuất khi đi vào vận hành không tránh được việc thải ra môi trường các loại khí thải, và chắc chắn là chúng không hề bình thường, phải có mức độ nguy hại nhất định tới môi trường. Điều này sẽ ảnh hưởng tới chất lượng chung của bầu không khí khu vực đó. 

Thứ hai là về nước thải, dù xử lý thế nào thì cũng rất khó để đạt mức độ an toàn, rất nhiều vụ việc nhãn tiền về câu chuyện quản lý nước thải xảy ra trước đây.

Thứ ba là chất thải rắn, đây cũng thuộc loại độc hại. Dù có chở đi xa thì cũng không thể đảm bảo hết các yếu tố bảo vệ môi trường. 

"Câu chuyện chất thải tích tụ mỗi ngày, ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng môi trường là điều cần quan tâm đầu tiên. Tiếp đến là những nguy cơ tiềm ẩn về một "quả bom nổ chậm" giữa trung tâm thành phố, ví dụ như vụ việc của Rạng Đông, nếu lặp lại một lần nữa thì hệ lụy của nó còn lớn hơn rất nhiều", GS. Võ nhấn mạnh.

Là một người đã đóng góp nhiều ý kiến sau khi vụ việc cháy tại Rạng Đông xảy ra, nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng: “Trên cơ sở đã có chủ trương, quyết định, Thành phố đã tạo nhiều điều kiện như quỹ đất, gia hạn thời gian… để các cơ sở di chuyển đi, thậm chí là hỗ trợ cả kinh phí. Nhưng cho đến nay, việc di dời vẫn "dậm chân tại chỗ", có rất ít các cơ sở chủ động chuyển đi, vẫn còn rất nhiều những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường đang chây ì ở lại. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân cũng như kế hoạch phát triển bền vững của TP”.

Dẫu đã chạy đà hơn chục năm nay nhưng câu chuyện di dời nhà máy, xí nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô vẫn là bài toán hóc búa với cả cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp. Nhưng không thể vì khó mà lại... bỏ đó, để tiến trình di dời tiếp tục kéo dài khi đã sắp hết năm 2020, hết hạn cho kế hoạch mà TP đã đặt ra. 

Bà An nêu giải pháp: "Tôi đề xuất thành phố cần rà soát và công bố công khai những nơi phải di chuyển và phải có thời hạn cụ thể để dứt điểm. Nếu không thực hiện được như kế hoạch đề ra, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và phải xử lý kỷ luật. 

Không thể viện dẫn lý do, lấy cớ để ôm "đất vàng" sau hàng loạt những vụ việc cháy nổ xảy ra thời gian qua. Thực hiện quyết liệt việc này cũng là biểu hiện của kỷ cương phép nước, kỷ cương của TP, liên quan đến sự phát triển bền vững của Thủ đô nói riêng và của đất nước nói chung theo 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội, môi trường. Cần sớm công bố công khai, những cơ sở nào chậm, tại sao chậm và phải có biện pháp xử lý thích hợp".

Đi sâu hơn về vấn đề, bà An nhấn mạnh: "Đến nay, tiến độ này không được đảm bảo, thực hiện không nghiêm túc những sự chỉ đạo của thành phố. Vậy thì lỗi do ai, phải làm rõ trách nhiệm, lỗi nào thuộc quản lý của thành phố, lỗi nào thuộc về doanh nghiệp. Phải công khai minh bạch, để cho nhân dân giám sát, vì vấn đề này có thể ảnh hưởng tới sự phát triển đường hướng của Thủ đô, ảnh hưởng tới 9, 10 triệu dân Thủ đô".

"Tốc độ đô thị hóa của Hà Nội diễn ra ngày một nhanh. Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa phải có những lộ trình rất cẩn thận và đề phòng tất cả những bất trắc có thể xảy ra, ví dụ câu chuyện chậm trễ di dời cơ sở sản xuất như tại Rạng Đông để rồi xảy ra vụ cháy đáng tiếc. Dù không thể kiểm soát được tất cả các rủi ro nhưng cẩn trọng để loại trừ được một phần những sự cố có thể xảy ra là điều nên làm", bà An phân tích.

Những vị trí cần di dời đều là khu đất "vàng" với diện tích lớn, đó là Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội ở số 183 Hoàng Hoa Thám, là Công ty CP cao su Sao Vàng, Công ty thuốc lá Thăng Long ngay mặt đường Nguyễn Trãi, là Rạng Đông với 5,7ha đất vuông vắn nằm xen giữa khu dân cư... Cơ sở sản xuất của một số doanh nghiệp đã chuyển đi, nhưng hiện thời doanh nghiệp vẫn níu giữ để làm nhà kho. E rằng, đất dẫu là vàng hay kim cương, nhưng nếu chỉ dùng để làm nhà kho thì cũng sẽ sớm trở thành vùng đất "chết". Chưa dừng lại ở đó, những nhà kho nằm ngay giữa Thủ đô, giữa khu dân cư sẽ làm xấu diện mạo đô thị, và tiếp tục gây ra hệ lụy về ô nhiễm môi trường.

Hơn bao giờ hết, điều mà người dân mong mỏi là cần sớm di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, và sau đó, quỹ “đất vàng” sau di dời cần được ưu tiên xây dựng các công trình công cộng, bổ sung mảng xanh, tạo lập không gian sống văn minh, hiện đại, giảm tải áp lực về hạ tầng cho đô thị./.

Kim Lương - N. Thương - Trịnh Tây
Lê Quyên
21/08/2020 06:00


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top