Từng được nhà văn Nguyễn Tuân mô tả trong tác phẩm “Chén trà trong sương sớm”, thưởng trà sen ướp “xổi” tiện nhất là lên Hồ Tây mỗi buổi ban mai mùa sen nở.

Những năm gần đây, diện tích trồng sen ở Hồ Tây bị thu hẹp đáng kể nhưng tất cả các đầm đều chung một giống sen bách diệp (trăm cánh) vốn rất hợp với thổ nhưỡng nơi đây.
Khi trời vừa hửng sáng là tốp thợ hái sen gồm những thanh niên trai tráng trong làng khéo léo lách thuyền giữa đầm sen cao lút đầu người, toả ra các hướng đã định sẵn để thu hái những bông sen hàm tiếu.

Các chủ đầm ở đây thường ướp “xổi” trà vào buổi tối, khi đó bông sen mới hé cười (hàm tiếu). Bơi chiếc thuyền nhỏ ra giữa đầm, cẩn thận chọn những bông to nhất, người ướp trà cho một lượng trà vào bên trong, buộc kín bằng lạt mềm, ép không cho hoa nở.

Với dân sành chơi sen, phải lên hồ từ tờ mờ sáng, chờ những thuyền sen Hồ Tây xịn cập bờ, để sở hữu những bông sen Tây Hồ chính hiệu.
Sau khi hái hoa sen mang về nhà, người nghệ nhân nhanh tay tách lấy cánh hoa sen ra và sàng lấy gạo. Để chuẩn bị cho những công đoạn tiếp theo.

Cùng với kiểu ướp “xổi” trà sen, trà được ướp bằng “gạo sen”, nơi chứa hương thơm tinh túy của cả bông sen lại được các nghệ nhân trà sen thực hiện một quy trình ướp rất công phu. Đây là loại trà sen có giá tới vài chục triệu đồng 1kg và có thể để đến hàng năm tùy cách bảo quản.

Bông sen dùng để ướp trà phải nở vừa đến độ và quan trọng hơn là phải tranh thủ được thời điểm sáng sớm, mặt trời chưa gắt, hương sen còn đậm.
Điểm khác biệt của sen bách diệp Hồ Tây là lớp gạo (hạt tròn màu trắng như hạt gạo ở đầu nhuỵ bên trong bông hoa) rất dày, chứa đựng mùi hương vô cùng quyến rũ, vừa lan tỏa, đậm đà, nhưng cũng rất thanh tao.

Hoa sen chọn để ướp trà phải là loại sen ở đầm Ðồng Trị, Hồ Tây. Đầm sen ở những nơi này cho loại sen bông to, phía bên trong các cánh hoa lớn là hàng trăm cánh nhỏ ôm sát nhau, che úp nhụy hoa, gạo sen và gương sen. Hoa sen phải hái trước lúc bình minh, mang về bóc từng lớp cánh sen, kế đến tẽ những hạt trắng ở đầu nhụy hoa (gạo sen). Một cân trà ướp hương sen cần từ 800 - 1.000 bông sen và chỉ có sen ở Hồ Tây mới cho ra thứ trà ngon, ngọt và có hương thơm đặc biệt.

Những năm gần đây, sản phẩm trà sen ướp “xổi” phát triển bởi cách làm đơn giản hơn, tiêu thụ cũng dễ hơn.
Trà sen tươi là trà búp khô được ướp trực tiếp trong bông sen tươi mới hái từ đầm, bọc thêm lá sen ôm kín bông sen rồi cắm vào nước và để ở nhiệt độ thường sau một ngày mới dùng hoặc ngắt cuống rồi bảo quản ở tủ đá dùng quanh năm.

Không ồn ào và đông đúc như các đầm sen ở hồ Tây, hoa sen ở xã An Phú (huyện Mỹ Đức) được trồng với diện tích lớn, bao bọc bởi những dãy núi đá vôi và được ví như “đất mũi” của Thủ đô. Đây là nơi giáp ranh giữa huyện Mỹ Đức và hai huyện Lạc Sơn, Lạc Thủy (Hòa Bình), đồng đất ở An Phú xưa kia chỉ cấy được một vụ lúa. Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở đây đã quyết định chuyển đất lúa sang trồng hoa sen lấy hạt, để không lãng phí nguồn đất.

Bao quanh bởi những dãy đá vôi trập trùng, hoa sen An Phú được thỏa sức vươn mình giữa thiên nhiên, điểm tô cho non nước sơn thủy hữu tình. Thời gian thưởng sen lý tưởng nhất là vào buổi sáng sớm, thời điểm hương sen ngọt mát, dìu dịu, tinh khiết nhất.
Sen ở An Phú chủ yếu được người dân trồng để thu hoạch lấy hạt và những đầm sen nằm gọn trong lòng núi đá vôi như thế này dường như vẫn chưa có nhiều người được biết đến.

Có lẽ do đặc điểm thổ nhưỡng khác biệt bởi có rất nhiều dãy núi đá vôi bao quanh mà sen trồng ở An Phú có bông to đẹp và hương rất thơm. Hoa sen ở An Phú vào mùa muộn hơn những nơi khác, thường bắt đầu từ cuối tháng 6. Những ngày này, cả vùng quê An Phú vẫn được bao phủ bởi hương sen thơm ngát và một màu xinh tươi của lá, màu hồng của hoa và sắc ngà vàng nâu của những đài sen sắp già.

Trọng Chính
Thế Công
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận