Được thiên nhiên ưu đãi các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, những “cụ chè” Shan tuyết sinh trưởng và phát triển tốt nơi đại ngàn núi rừng Phàn Liên San. Chè cổ thụ ở đây thân to, mọc thẳng, không xuất tán như ở Tà Xùa hay Suối Giàng. Trong chuyến khảo sát rừng chè cùng ông Tẩn Chỉn Lùng, Chủ tịch UBND xã Mồ Sì San mới thấy, càng lên cao, mật độ chè cổ thụ xuất hiện càng nhiều. Theo ông Lùng, cả xã hiện có gần 2.000 cây chè cổ thụ, mọc phân tán trong khu rừng nguyên sinh.

Dưới tán rừng Phàn Liên San lảng bảng mù mây, ẩm ướt, những thiếu nữ dân tộc Dao đỏ như chị Phùng Tả Mẩy hái búp chè Shan tuyết cổ thụ từ sáng sớm.
Trong khu rừng nguyên sinh xen giữa cây cổ thụ lớn, rêu mốc bám xung quanh là những cây chè cổ thụ thân to mọc thẳng. Để hái được những búp chè theo tiêu chuẩn, người hái chè phải trèo lên các nhánh chè thấp, di chuyển dần lên các nhánh cao hơn để thu hái.
Búp chè Shan (sơn) tuyết được hái từ cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Trước đây người Dao đỏ quê ông Lùng thường chặt hoặc bẻ cả cành to về lấy búp chè khiến sản lượng chè thu hoạch không nhiều. Khi giá trị chè Shan tuyết cổ thụ Mồ Sì San được khẳng định bởi Hợp tác xã Biên Cương chuyên chế biến và sản xuất các sản phẩm chè cổ thụ, bà con học được cách hái chè và bảo tồn “báu vật” của mình.

Bên những cây chè to cả người ôm, cao hơn 20m, những cây nhỏ hơn mọc xung quanh cây chè cổ thụ (do hạt của cây mẹ rụng xuống, mọc thành cây chè con).
Rừng chè Mồ Sì San mọc tự nhiên trên rừng, cành phủ đầy rêu phong, địa y nhưng vẫn cho lá to, dày, búp mập.
Sau khi được hái mang về, búp chè được tãi trên những chiếc nong phơi cho rũ nước tự nhiên.

Để hái những búp chè non, các thiếu nữ dân tộc Dao đỏ như em Phùng Tả Mẩy phải trải qua cả hành trình gian nan. Mẩy dậy từ sáng sớm, băng qua những cánh rừng nứa, tre, cây cổ thụ và những con dốc dài. Sau cả tiếng đồng hồ leo núi, Mẩy và người dân trong vùng mới có thể tiếp cận được những cây chè Shan tuyết cổ thụ. Đó là những cây chè cổ, cao khoảng 20 - 30m, gốc bé nhất có đường kính khoảng 30cm, gốc lớn nhất cả mấy vòng tay người lớn ôm không hết.

Những lá chè tươi được sao trong máy. Hợp tác xã chế biến chè cổ thụ Biên Cương đã đầu tư máy sao chè, máy vò chè, máy sấy chè.
Thương hiệu chè Mồ Sì San với loại chè đặc biệt làm từ nguyên liệu búp chè shan tuyết có giá khoảng 2,5 triệu đồng/kg, hồng trà, Hoàng trà có giá khoảng 3 triệu đồng/kg và cả 3 loại chè đã được tỉnh Lai Châu chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Sau khi thu hái, búp chè một tôm hai lá được bán cho Hợp tác xã Biên Cương. Đây cũng là nơi mà chất lượng chè búp tươi đầu vào được kiểm soát chặt chẽ cùng với hệ thống máy móc, dây chuyền chế biến tạo sản phẩm trà rất đa dạng. Đó là những cánh chè Shan tuyết to và cong như lưỡi câu, mặt ngoài phủ một lớp tuyết trắng đục, óng ánh tự nó đã thơm ngát, ngửi một lần là muốn hít hà mãi. Thương hiệu chè Mồ Sì San với loại đặc biệt làm từ nguyên liệu búp chè Shan tuyết có giá khoảng 2,5 triệu đồng/kg. Các loại hồng trà, hoàng trà có giá khoảng 3 triệu đồng/kg và cả 3 loại chè đều được tỉnh Lai Châu chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh./.

Trọng Chính
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận