Dù có tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc nhưng ở Trùng Khánh các di tích lịch sử và cảnh quan thiên nhiên được bảo tồn rất tốt. Được mệnh danh là thành phố sương mù, Trùng Khánh có vô số các điểm tham quan ấn tượng trong đó có Hồng Nhai Động, danh thắng cảnh nổi tiếng nằm ở nơi giao nhau giữa sông Dương Tử và sông Gia Lăng.
Hồng Nhai Động nằm ngay sát bờ sông Gia Lăng và là khu phố cổ nổi tiếng với những căn nhà mái ngói rêu phong, phía sau là những tòa nhà chọc trời. Đây vốn là nơi có nhiều hang trong vách đá, cạnh bờ sông hơn 2.500 năm tuổi đồng thời cũng là thương cảng của Trung Quốc cổ đại. Theo ghi chép, Động Hồng Nhai còn là một pháo đài quân sự, được xây dựng từ Nhà nước Ba cổ (1046 TCN - 256 TCN) đến triều đại nhà Minh và nhà Thanh (1368 - 1911).
Ngày nay, Hồng Nhai Động là khu tổ hợp buôn bán sầm uất bậc nhất của Trùng Khánh với dãy dài các tòa nhà kiến trúc giả cổ nằm nối liền nhau. Có tổng cộng 11 tầng lầu gồm nhiều khu chức năng khác nhau, buôn bán các mặt hàng tiêu dùng, quà lưu niệm, nhà hàng, quán bar... Hầu hết du khách như tôi ngay khi đến phố núi Trùng Khánh đều chọn Hồng Nhai Động làm điểm đến đầu tiên của chuyến đi. Với kiến trúc “thành phố chồng thành phố” đặc trưng của Trùng Khánh, từ điểm cao nhất được ví như “ban công của thành phố” này, tôi có thể ngắm nhìn toàn cảnh “thành phố thẳng đứng” trọn vẹn nhất.
Cũng vì phía trong Hồng Nhai Động gồm nhiều khu phố nhỏ nên ngay buổi tối đầu tiên ăn tối ở đây tôi đã lạc đoàn do mải chụp ảnh trong một không gian đan xen như mê cung và rất giống nhau. Tiếng Anh không sử dụng ở Hồng Nhai Động, tiếng Trung tôi lại không biết, muốn tìm đến quán ăn tối với mọi người phải đi thang máy đến đúng tầng của tòa nhà, nơi có nhà hàng. Cũng may, khi không tìm được ai thì cô bạn đồng nghiệp của Tòa soạn là biên dịch viên tiếng Trung lại tìm được tôi, khi đó cùng một đống máy ảnh lỉnh kỉnh là vị khách đang mướt mồ hôi lo lắng trên sân một khu phố ở Hồng Nhai Động.
Sau bữa tối trên tầng cao nhất của Hồng Nhai Động, tôi được chiêm ngưỡng một khung cảnh đêm được thắp sáng bởi những ánh đèn ấm áp lung linh huyền ảo như bối cảnh của bộ phim hoạt hình của Nhật Bản “Vùng đất linh hồn”. Mặc dù đã phát hành hơn 20 năm, 'Vùng đất linh hồn' vẫn là một trong những bộ phim hoạt hình nổi tiếng của hãng Ghibli Studio. Không chỉ thu hút khán giả bởi ý nghĩa và nội dung, 'Vùng đất linh hồn' còn được nhiều người biết đến bởi những khung hình đẹp.
Là một người mê phim hoạt hình, tôi từng xuýt xoa trước vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa bí hiểm của các bối cảnh trong phim “Vùng đất linh hồn”. Tuy nhiên khi đó những bối cảnh ấy với tôi cũng như nhiều người xem khác đều tin là nó không có thật, cho đến khi ngồi ở Hồng Nhai Động, trong căn phòng của ngôi nhà sàn bằng gỗ một đêm đầu mùa đông, tháng 11. “Vùng đất linh hồn” giữa đời thực ở Trùng Khánh lung linh và huyền ảo không kém những gì đạo diễn Miyazaki Hayao đã thể hiện trong các bối cảnh phim.
Với những người đam mê ẩm thực, Hồng Nhai Động thực sự là một thiên đường để thưởng thức đủ loại đặc sản địa phương, đặc biệt là món lẩu Uyên Ương hai màu. Tuy xuất phát từ phía Bắc Trung Quốc, nơi cư dân du mục phải chống chọi với cái lạnh ở vùng núi non hiểm trở nhưng khi đến Trùng Khánh vị cay được giữ nguyên. Những người lần đầu đến Hồng Nhai Động chắc chắn bị “ngợp” khi thấy một nồi lẩu ngập ớt đỏ tươi cùng rất nhiều loại gia vị, thảo mộc, hạt tiêu... cay xè từ trong khói. Đặc biệt nhất là sự hiện diện mọi nơi, mọi lúc của loại gia vị có tên là hạt tê. Hãy nhớ tránh ăn phải hạt tê nếu bạn có cơ hội trải nghiệm vì một khi chót lỡ ăn, lưỡi của bạn sẽ bị tê tái hoàn toàn mất cảm giác và đây thực sự là một cảm giác không nên thử vì vô cùng khó chịu. Tiệm lẩu nổi tiếng nhất ở Trùng Khánh nằm ở Hồng Nhai Động. Với hệ thống thang máy dẫn lên tầng cao nhất và cũng là đỉnh núi, đây là vị trí tuyệt vời cho du khách vừa thưởng thức phong cảnh của hai dòng sông, nếm thử món lẩu Uyên Ương hai màu.
Đặc sản của Hồng Nhai Động còn có món mì Dan Dan, ra đời từ năm 1841 từ một người bán hàng rong. Từ "Dan Dan" vốn để chỉ đòn gánh của những gánh hàng rong, chính vì vậy, món ăn này còn được gọi là mì gánh. Mì Dan Dan sau đó nhanh chóng trở nên nổi tiếng theo các gánh hàng rong khắp vùng Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Thành Đô. Ngày nay, dù phần lớn mì Dan Dan được phục vụ trong nhà hàng thì lẩn khuất trong những khu phố nhỏ tại Hồng Nhai Động vẫn có vài gánh hàng mì mang đậm nét và hương vị của thời xưa cũ.
Ngồi du thuyền trên sông Gia Lăng để chiêm ngưỡng toàn cảnh Động Hồng Nhai cũng là một ý tưởng thú vị mà du khách nên trải nghiệm. Chuyến du thuyền trên ngã 3 giao nhau giữa sông Trường Giang - Gia Lăng khiến tôi thêm những góc nhìn rộng mở về Hồng Nhai Động cũng như cách giữ gìn Trùng Khánh cổ xưa, bảo tồn văn hóa và truyền thống và biến những thứ đó thành “đặc sản” của riêng mình.
Email: