Lời tòa soạn:

 “Cầm, thi, giang” (đàn, thơ, sông), cái nghĩa nguyên gốc của Cần Thơ xưa đã tự thân nói lên nhiều điều về vùng văn hoá sông nước nơi này. Loạt phóng sự của Photo Travel từ kỳ này đưa bạn thăm nơi từng được mệnh danh là Tây Đô, để cảm nhận cảnh vật và con người sông nước Cửu Long, vùng đất cả trăm năm nay đã tạo nên cái gọi là nền “văn minh kinh xáng” (lời nhà văn Sơn Nam).

Photo Travel: Lãng du trên đất Tây Đô tuần này mời bạn đọc Kỳ I: Thi vị thương hồ

Trên mũi chiếc ghe thương hồ là chú gà trống, được coi là đồng hồ báo thức cho gia đình mình mỗi sáng lênh đênh nơi chợ nổi Cái Răng.
Những chiếc đò nhỏ bán đồ ăn sáng đang luồn lách giữa cả một “hạm đội” với hàng trăm chiếc thuyền lớn nhỏ, phục vụ bữa sáng của người thương hồ.

Chợ đông người nhất trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 8 giờ mỗi sáng với hàng trăm ghe, thuyền lớn bé đậu san sát nhau. Hòa mình vào không khí nhộn nhịp của buổi chợ, du khách có thể quan sát, tìm hiểu sinh hoạt của các gia đình thương hồ với nhiều thế hệ chung sống trên ghe. 

Dù cuộc mưu sinh khó khăn, vất vả giữa lênh đênh nhưng nhờ chợ nổi mà nhiều người nên duyên vợ chồng. Trong ảnh là bữa sáng chuẩn bị cho chồng của người vợ trẻ trên chiếc ghe bầu mang biển Đồng Tháp.
Bà Nguyễn Thị Liên (60 tuổi) với chiếc ghe bán hủ tiếu nghi ngút khói mỗi sớm mai trên sông Hậu, nơi hơn 20 năm nay bao khách Tây, Ta đều ghé vào mỗi khi lênh đênh trên chợ nổi.

Có những chiếc ghe như “căn hộ di động” trên sông nước với những chậu hoa kiểng, các loài vật nuôi, các tiện nghi như ti-vi màu, đầu dĩa, dàn âm thanh... và cả xe gắn máy đậu trên ghe như chứng tỏ “đẳng cấp” của gia chủ.

Len lỏi giữa những chiếc ghe bầu chứa đầy nông sản là những chiếc thuyền gỗ nhỏ, nơi được coi là tiệm cà phê lưu động với mức giá khá bình dân với dân thương hồ và du khách, khoảng 10.000 đồng/ly.
Tấp nập ghe xuồng của “dân thương hồ” chở theo hàng hóa neo đậu cạnh nhau nơi chợ nổi. Giữa khung cảnh nhộn nhịp mua bán đó là những chiếc thuyền chở du khách len lỏi khám phá chợ nổi Cái Răng.

Không ồn ào như chợ truyền thống, người buôn bán ở chợ nổi thường “bẹo” những sản vật trên cây cắm ở mũi mỗi chiếc ghe, xuồng. Thế nên hãy tận hưởng niềm vui của thị giác, thính giác và cả khứu giác bởi bạn sẽ không phải phiền lòng bởi những lời chèo kéo, rao hàng như thường thấy mỗi khi đi chợ. Ngắm những chiếc ghe nhỏ bán thức ăn sáng, cà phê, thậm chí cả đồ nhậu len lỏi trong chợ, phục vụ nhu cầu của người thương hồ, đã thú vị. 

Chợ nổi bán đủ các loại nông sản miệt vườn, mỗi ghe thuyền đều cắm một cây sào dài trước mũi, người ta treo lên đó thứ mình đang có bán, gọi là cây bẹo...
... với đủ thứ cây trái mang hương vị và màu sắc của miệt vườn theo chân “dân thương hồ” về chợ nổi Cái Răng.

Càng thú vị hơn nếu bạn vẫy gọi một trong những chiếc đò nhỏ bán đồ ăn sáng đang luồn lách giữa cả một “hạm đội” với hàng trăm chiếc thuyền lớn nhỏ. Cô lái đò duyên dáng trong bộ bà ba sẽ đưa những món điểm tâm đến cho khách gọi. 

Chiếc ghe bán khóm (dứa), loại trái cây tươi ngon có tiếng ở chợ nổi Cái Răng.
Tồn tại cả trăm năm nay, chợ nổi là nét văn hoá điển hình của những người dân miệt vườn kiếm sống trên sóng nước với các loại nông sản được treo trên cây "bẹo" để khách hàng dễ nhận biết.
Chung sống với con sông, dòng nước, lấy ghe làm nhà, bám chợ nổi mưu sinh và sau buổi chợ đông, tấp nập là phút giây bình dị của người phụ nữ ở “căn hộ di động” của mình trên dòng sông Hậu.

Hương vị của tô bún riêu là phần hòa quyện của tỏi, hành và những gia vị tuyệt vời độc đáo cùng vị ngọt của xương hầm. Hòa quyện vào sự đặc sắc của tô bún là giá, rau, ngò và thịt. Nhìn tô bún bốc khói là không thể dừng cơn thèm ăn được. Bữa sáng đó trời thổi gió hiu hiu mát, tôi ngồi bên chiếc ghe bán hủ tiếu nghi ngút khói của thuyền bà Nguyễn Thị Liên (60 tuổi), người hơn 20 năm nay bán mỗi sớm mai trên sông Hậu. Tay cầm tô hủ tiếu, vừa ăn vừa giữ trong cái sự chông chênh, một cảm giác thật chỉ có ở miền Tây sông nước./.

Trọng Chính
Lê Quyên
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận