Lời tòa soạn: Nằm giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Bình Định, nơi có nhiều điểm đến nổi tiếng nhưng Phú Yên hấp dẫn du khách bởi đầm nước trong veo, bãi biển bao la, gành đá kỳ thú. Với những cái tên như Ô Loan, Bãi Xép, Vũng Rô, Nhà Thờ Mằng Lăng, Cầu Ông Cọp..., loạt điểm đến Photo Travel từ kỳ này sẽ cùng bạn lần lượt khám phá vẻ đẹp của xứ sở “hoa vàng trên cỏ xanh” khi mùa hè sắp kết thúc.
Photo Travel: Lãng du đất “Phú” trời “Yên” tuần này mời bạn đọc Kỳ II: Hừng đông Đại Lãnh và thăm thẳm biển xanh ở Vũng Rô.
Trước khi mốc cực Đông Việt Nam được xác nhận tại Mũi Đôi (Đầm Môn, Khánh Hòa), mũi Điện, hay còn gọi là mũi Đại Lãnh từng được công nhận là điểm cực Đông - nơi đón ánh mặt trời đầu tiên ở Việt Nam.
Sau này, khi các phương pháp đo đạc và xác minh đã cho kết quả chính xác điểm cực Đông tại Mũi Đôi thì cũng không làm Mũi Điện giảm đi sự tò mò với tôi bởi có quá nhiều những trải nghiệm ở phía trước. Thế nên mới gần 4h sáng, cả mấy anh em trong nhóm đã rời TP. Tuy Hòa, nơi cách Mũi Điện khoảng 35km để kịp đón những tia nắng đầu tiên hắt vào bờ biển cực Đông của Tổ quốc.
Lội cát Bãi Môn ra sát mép biển, trời vẫn còn tờ mờ chưa sáng hẳn. Khi đường chân trời chia làm hai nửa khác biệt, một nửa màu biển khơi và nửa kia màu đỏ mặt trời cũng là lúc quang cảnh trở nên thật ảo diệu. Mặt trời tròn vành vạch, nhô cao hơn tỏa những tia nắng lấp lánh xuống điểm đón mặt trời, chỉ sau Mũi Đôi nhưng cảm giác phấn khích cũng không hề thua kém.
Từ bãi Môn nhìn lên bán đảo mũi Đại Lãnh, ngọn hải đăng cao 27m so với nền tòa nhà và 110m so với mặt nước biển là nơi phát tín hiệu ánh sáng đi xa 27 hải lý. Nếu thích nhìn biển ở độ cao cao hơn, đây là nơi có thể thử thách bản thân bằng cách leo lên hải đăng mũi Điện.
Sau khi chiêm ngưỡng những tia nắng đầu tiên trên đất Việt thì cũng là lúc hòa mình vào làn nước trong xanh của Bãi Môn. Đó là một đồi cát mịn, trải dài hơi thoải, nước biển khá nông và trong vắt. Nếu có thời gian, bãi biển này cũng là nơi có thể tổ chức cắm trại, tiệc nướng, hay leo mạo hiểm bên các tảng đá lớn…, như một lựa chọn trọn vẹn đối với một hành trình về với biển Phú Yên.
Tiếp tục hành trình theo con đường ven biển, ngược lên đèo Cả là Vũng Rô, nơi chỉ cách hải đăng Đại Lãnh chừng 5km với huyền thoại “Đoàn tàu không số”. Trong số các địa danh gắn với cứ liệu lịch sử về “Đoàn tàu không số” trải dọc bờ biển suốt từ Bắc vào Nam, vịnh Vũng Rô chiếm một trang đặc biệt. Vì vậy, đây trở thành địa chỉ đỏ để xây dựng một cụm tượng đài tưởng niệm quy mô đúng với tầm cỡ của sự kiện. Đâu đó nằm sâu giữa lòng biển, vẫn còn xác con tàu không số đã bị đắm và mang theo những chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm 1964 - 1965.
Giờ vịnh Vũng Rô là vùng vịnh biển xinh đẹp trải dài nổi tiếng với nghề nuôi tôm hùm. Với diện tích khoảng 16,4km2 và được bao bọc bởi 3 dãy núi cao hùng vĩ giữa biển trời gồm Đèo Cả (ở hướng Bắc), Đá Bia (ở hướng Đồng) và Hòn Bà (ở hướng Tây) và được đảo Hòn Nưa ở hướng Nam che chắn, ngư dân nơi đây quần tụ, sinh sống nhiều đời với nghề biển.
Nếu trên vịnh thuyền bè neo đậu tạo nên cảnh sắc đầy chất thơ thì con đường đèo ngang qua Vũng Rô lại hiểm trở với những khúc cua tay áo, dốc đứng. Thực là một bức tranh có đủ hoang sơ, tuyệt sắc với núi, mây, rừng, trời, non, nước… Tiếp tục hành trình theo con đường ven biển này, tôi ngang qua những địa danh vừa quen vừa lạ mới “thức giấc” như đầm Ô Loan, cầu Ông Cọp…, thưởng thức các món đặc sản của Phú Yên như mắt cá ngừ đại dương, cơm gà, bánh canh hẹ…, giới thiệu tiếp ở kỳ thứ III./.
Email: