Lời tòa soạn:

“Cầm, thi, giang” (đàn, thơ, sông), cái nghĩa nguyên gốc của Cần Thơ xưa đã tự thân nói lên nhiều điều về vùng văn hóa sông nước nơi này. Loạt phóng sự của Photo Travel kỳ này đưa bạn thăm nơi từng được mệnh danh là Tây Đô, để cảm nhận cảnh vật và con người sông nước Cửu Long, vùng đất cả trăm năm nay đã tạo nên cái gọi là nền “văn minh kinh xáng” (lời nhà văn Sơn Nam).

Photo Travel: Lãng du trên đất Tây Đô tuần này mời bạn đọc Kỳ II: Nhà “Người tình”, vẻ đẹp xuyên thời gian.

Ngoài chợ nổi Cái Răng, nhà cổ Bình Thủy, công trình cổ hiếm hoi còn vẹn nguyên theo chiều dài lịch sử vùng đất Tây Đô là điểm đến không thể bỏ qua, những ngày tôi đến Cần Thơ.

Sự kết hợp giao thao giữa 2 nền văn hóa Đông - Tây theo kiểu “nội ứng ngoại hợp” tức bên trong ứng với mỹ thuật truyền thống và văn hóa phương Đông ở nhà cổ Bình Thủy.
Trên bức tường vẫn treo ảnh đạo diễn Jean Jacques Annud với diễn viên chính và bút tích chia sẻ những cảm xúc về ngôi nhà cổ là bối cảnh trong bộ phim của ông.

Với lối kiến trúc độc đáo, nhà cổ Bình Thủy có sự kết hợp hoàn mỹ giữa nét cổ kính độc đáo của kiến trúc Việt cùng nét phóng khoáng tinh tế của kiến trúc Pháp. Chủ nhân ngôi nhà, ông Dương Chấn Kỷ là một thương gia trí thức giàu có lúc bấy giờ xây dựng ngôi nhà năm 1904 trong dự định ban đầu với mục đích thờ tự trên thửa đất rộng 6.000m2.

Ngôi nhà này còn được biết đến như “vườn hoa Bình Thủy” bởi được bao bọc bởi cây cảnh, hoa nở rộ bốn mùa.
Vào trong ngôi nhà, nền gạch bông (gạch hoa) 20x20cm nhập khẩu từ Pháp nhưng các đồ dùng như bàn ghế, tràng kỷ…
… hoành phi câu đối cùng đồ thờ họ Dương đều do những nghệ nhân trong nước làm ra.

Phải mất 7 năm sau, công trình mới hoàn thành với sự kết hợp giữa đặc trưng kiến trúc Tây ở bên ngoài và kiến trúc thuần Việt phía bên trong vào năm 1911. Với cánh cổng sơn vàng và hàng rào sắt kiểu Pháp có tông màu ghi xám, ngôi nhà cổ nổi bật bên trong khoảng sân gạch. 

Lavabo sứ, đèn trang trí…  gia chủ đều mua từ Pháp chuyển về…
Và từng chi tiết khác đều được gia chủ chăm chút tỉ mỉ.

Cửa chính được thiết kế với 2 cầu thang cuốn, đi từ hai bên lên thềm nhà. Mái lợp 3 lớp ngói, trong đó hai lớp dưới hình lòng máng và một lớp nhúng vôi bột trắng. Lớp trên cùng sử dụng ngói ống. Toàn bộ hệ thống kèo, bao lơn cùng 16 cây cột lớn cao từ 4 - 6m được nối kết bằng mộng ngàm tinh tế đến hoàn mỹ. Chạy dài cả trăm mét trên đường Bùi Hữu Nghĩa, truyền qua 6 đời nhưng ngôi nhà cổ họ Dương ở Bình Thủy vẫn bảo tồn nguyên vẹn, với hàng trăm di vật cổ giá trị.

Lan can bằng sắt với họa tiết kiểu dinh thự Pháp, tạo hình cầu kỳ và đẹp mắt.

Nhà cổ Bình Thủy lại càng nổi tiếng khi được nhà làm phim người Pháp, đạo diễn Jean Jacques Annaud chọn làm bối cảnh quay phim “Người tình” (Lamant) năm 1991. Đây là bộ phim có nội dung xoay quanh mối tình xuyên biên giới có thật của một vị thiếu gia mang tên Huỳnh Thủy Lê (con một thương gia người Hoa giàu có ở Sa Đéc) cùng một nữ nhà văn người Pháp trên đất Việt. Bộ phim The Lover có sự tham gia của nam diễn viên nổi tiếng Hồng Kông (Trung Quốc) Lương Gia Huy và trở thành tác phẩm điện ảnh nổi tiếng trên toàn thế giới.

Đứng bên trong sân và nhìn lên mặt tiền ngôi nhà cổ, du khách sẽ không khỏi trầm trồ vì vẻ đẹp tinh tế của những đường nét trang trí từ cột, vòm cửa sắt cho đến các họa tiết đắp nổi vẫn còn được lưu giữ khá nguyên vẹn. Vòm cửa hình vòng cung theo phong cách Art - Nouveau (một nghệ thuật trang trí châu Âu thịnh hành vào đầu thế kỷ XX).

Khi Jean Jacques Annud đến Việt Nam làm phim “Người tình”, đạo diễn đã mời nhà văn Sơn Nam làm cố vấn lịch sử, văn hóa cho phim. Đưa đạo diễn về thăm nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, ngôi nhà nguyên mẫu của nhân vật chính ở Sa Đéc, Đồng Tháp, nhà văn Sơn Nam dự kiến chọn nơi đây làm bối cảnh chính của phim. Tuy nhiên, khi ông và đoàn làm phim đến đây, chứng kiến nhà cổ Huỳnh Thủy Lê xuống cấp nên nhà cổ họ Dương ở Bình Thủy trở thành phương án thay thế.

Cửa chính được thiết kế hai cầu thang cuốn đi từ hai bên lên thềm nhà.

Kết hợp Đông Tây nhuần nhuyễn trong phong cách kiến trúc của nhà cổ Bình Thủy đã khiến Jean Jacques Annud hoàn toàn bị chinh phục. Ông đã sống trong ngôi nhà này hơn một tuần để quay những cảnh có liên quan đến ngôi nhà Huỳnh Thủy Lê.
Sau sự nổi tiếng của bộ phim “Người tình”, nhà họ Dương được ví như “ngôi nhà điện ảnh” và khiến du khách tìm đến tham quan mỗi khi đến thăm Tây Đô. Bước chân vào nhà “Người tình”, bạn sẽ như được xuyên về không gian sống vương giả của tầng lớp thượng lưu thế kỷ XIX, nghe thêm về cuộc sống sinh hoạt thường ngày của gia đình Nam Bộ xưa và chụp những bộ ảnh đậm chất hoài cổ. Ngôi nhà cũng trở thành bối cảnh của những bộ phim ăn khách một thời như "Người đẹp Tây Đô", "Công tử Bạc Liêu", "Những nẻo đường phù sa", "Chân trời nơi ấy", "Cây tre trăm đốt", "Nợ đời", "Con nhà nghèo"…/.

Thế Công
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận