Lời tòa soạn: 

Nằm giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Bình Định, nơi có nhiều điểm đến nổi tiếng nhưng Phú Yên hấp dẫn du khách bởi đầm nước trong veo, bãi biển bao la, gành đá kỳ thú. Với những cái tên như Ô Loan, Bãi Xép, Vũng Rô, Nhà thờ Mằng Lăng, Cầu Ông Cọp..., loạt điểm đến Photo Travel sẽ cùng bạn lần lượt khám phá vẻ đẹp của xứ sở “hoa vàng trên cỏ xanh” khi mùa hè sắp kết thúc.

Photo Travel: Lãng du đất “Phú” trời “Yên” tuần này mời bạn đọc Kỳ III: Mằng Lăng - Nhà thờ trăm tuổi ở Phú Yên.

Có quy mô nhỏ hơn và nội thất giản tiện hơn so với các công trình nhà thờ nổi tiếng Việt Nam như nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Phú Nhai, nhà thờ Con Gà…, nhà thờ Mằng Lăng (xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) lại mang những nét đẹp cổ kính, những giá trị văn hóa của tôn giáo và vùng đất xứ Nẫu.

Nhà thờ Mằng Lăng, một trong những nhà thờ cổ xưa nhất ở Việt Nam và cũng là nơi lưu giữ cuốn sách in chữ Quốc ngữ đầu tiên của nước ta.
Nhà thờ xây theo kiến trúc Gothic thịnh hành ở châu Âu trong khoảng thế kỷ XVIII - XIX với nhiều hoa văn trang trí. Hai bên nhà thờ có hai lầu chuông, chính giữa là thập tự giá nay vẫn còn nguyên vẹn.

Hơn 100 năm trước, khu vực An Thạch còn mọc rất nhiều cây mằng lăng và dù hiện dấu vết khu rừng ấy không còn nhưng nhà thờ đã được đặt tên theo loại cây này khi xây dựng. Khi đó, nhà thờ được một người Pháp tên là Joseph de La Cassagne mà người dân xứ đạo còn gọi bằng tên tiếng Việt là Cổ Xuân xây nên từ năm 1892, nhưng phải đến 15 năm sau mới khánh thành. Linh mục đầu tiên ở nhà thờ giáo xứ Mằng Lăng là Andrê Phú Yên. Ngày nay, tượng của linh mục này vẫn đặt ở vị trí trang trọng ngay trước nhà thờ.

Bia đá ghi toàn bộ lịch sử của nhà thờ bằng tiếng Pháp đặt dưới nền thánh đường.
Khu thánh đường với không gian của những sắc màu, trên tường là những bức tranh mang đậm dấu ấn của Thiên chúa giáo, chính giữa thánh đường là tượng Đức chúa trang nghiêm. 

Thăm nhà thờ Mằng Lăng là chiêm ngưỡng một trong những công trình đặc trưng của kiến trúc Gothic, lối kiến trúc bắt đầu từ cách đây khoảng 1.200 năm trước Công nguyên. Thời kỳ hoàng kim nhất của kiến trúc Gothic ở khoảng thế kỷ XVIII - XIX với dấu ấn kiến trúc ở rất nhiều công trình lớn, đặc biệt là các công trình tòa thị chính, nhà thờ, trường học ở châu Âu thời bấy giờ. Không ít những công trình trên thế giới được xây dựng theo lối kiến trúc này được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Mặt sau nhà thờ thiết kế hình lăng trụ những bức tượng nhỏ, góc tường sơn màu xám, lấm tấm vệt đen màu thời gian… tất cả tạo nên không gian huyền bí và thánh thiện cho Mằng Lăng.
Bao bọc quanh nhà thờ là những lối vào hình mái vòm, trông như những búp măng. Toàn bộ nhà thờ được đặt trong không gian thoáng mát, rợp bóng cây xanh và những hàng cây sakê.
Những lối mở, hành lang bên trong nhà thờ vẫn giữ nguyên bản được theo lối kiến trúc cổ, vừa đẹp mắt vừa đưa lại cảm giác tôn nghiêm cho du khách.

Hiện dấu ấn của Gothic tại một trong những công trình nhà thờ lâu đời nhất tại đây vẫn biểu hiện ở những lối mở thông ra hai gian bên gian chính giữa thánh đường. Nếu như các cửa sổ hình búp măng xung quanh phía trên tường bao bọc nhà thờ có màu sắc và họa tiết của kiến trúc Gothic xuất xứ châu Âu, thì theo cảm nhận của chúng tôi, nhà thờ Mằng Lăng vẫn có chất Việt Nam với những họa tiết chạm trổ tinh xảo trên những cánh cửa chính bằng gỗ của nhà thờ này.

Tượng Andrê Phú Yên, vị linh mục đầu tiên đặt trong hành lang nhà thờ.
Với lối kiến trúc Gothic, đỉnh cao của nhà thờ Mằng Lăng là hai tháp chuông hai bên. Ở giữa là thập tự giá - biểu tượng của thánh đường.
Bức tượng Joseph de La Cassagne (tên tiếng Việt là Cổ Xuân), vị linh mục đầu tiên của giáo xứ Mằng Lăng đặt trước nhà thờ.

Hơn một trăm năm đã trôi qua, qua bao thăng trầm của lịch sử, nhà thờ cổ Mằng Lăng vẫn vẹn nguyên giá trị văn hóa tâm linh và cũng là điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng đất xứ “hoa vàng trên cỏ xanh”./.

Trọng Chính
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận