Lời tòa soạn:

“Cầm, thi, giang” (đàn, thơ, sông), cái nghĩa nguyên gốc của Cần Thơ xưa đã tự thân nói lên nhiều điều về vùng văn hóa sông nước nơi này. Loạt phóng sự của Photo Travel kỳ này đưa bạn thăm nơi từng được mệnh danh là Tây Đô, để cảm nhận cảnh vật và con người sông nước Cửu Long, vùng đất cả trăm năm nay đã tạo nên cái gọi là nền “văn minh kinh xáng” (lời nhà văn Sơn Nam).

Photo Travel: Lãng du trên đất Tây Đô tuần này mời bạn đọc Kỳ IV: Lẩu mắm miệt vườn.

Không biết chính xác mắm có mặt ở phương Nam từ bao giờ nhưng hẳn phải gắn với lưu dân phương Nam từ thời khẩn hoang. Là vùng đất sông nhiều rạch lắm, cá tôm theo đó cũng đầy ắp. Vào mùa nước nổi, phương Nam còn nổi tiếng bởi “cá thúng tôm nia” với cá linh, cá sặt… đánh bắt được. Người dân nơi đây ăn không hết và thường mang về làm vài khạp mắm để ăn dần. Từ đó, những biến tấu của các loại mắm ra đời.

Ngoài nước lẩu ngon đậm đà, lẩu mắm mang đến sự trù phú của miền châu thổ với hơn 30 loài rau, hoa khác nhau nhưng có lẽ “đúng bài” hơn cả là bông điên điển giòn ngọt mùa nước nổi...
... cùng các loại rau, hoa đặc trưng miệt vườn như rau muống, cải bẹ xanh, rau nhút, bông bí đỏ...
... cùng nhiều loại hoa hoang dại làm cho lẩu mắm thêm hương vị và sắc màu ấn tượng.

Hàng chục món ăn dân dã nhưng lại rất đậm đà được các bà nội trợ phương Nam biến tấu ra như mắm trộn đu đủ, mắm kho, mắm nấu canh rau choại... nhưng ấn tượng nhất là lẩu mắm. Tuy mắm cá linh, cá sặc làm nên hương vị chính của nồi lẩu nhưng nguyên liệu nấu lẩu mắm lại không thể thiếu các loại cá tra, cá ba sa, cá kèo hay vị cay của sả, ớt, tỏi băm nhỏ. Mùa nước nổi, thêm cá linh non thì miễn chê. Nếu thích, lại có thể bỏ thêm cả lươn  đồng, ốc bươu... Như thế để thấy lẩu mắm dung nạp tùy theo ý thích của người dùng khiến nhiều người ví lẩu mắm chính là “bản giao hưởng của ẩm thực miền Tây”.

Khi nồi lẩu mắm đã sôi nghi ngút, các thứ đặc sản miệt đồng và các loại rau sẽ cùng hòa quyện, tạo nên ấn tượng khó phai.
Linh hồn của nồi lẩu chính là nước nấu từ mắm cá linh, cá sặc, thêm ít sả băm, ớt phi, nêm gia vị cho mùi mắm dịu, ngọt tự nhiên.
Hầu như để có nồi lẩu mắm bình dân, người quê không cần phải đi chợ bởi rau có ở sau vườn, mắm trong khạp, cá trong đìa, dưới sông.
Ngoài nước lẩu ngon đậm đà, các loài rau đồng, rau rừng đa dạng tạo nên nét riêng mà không món ăn nào có thể so sánh với lẩu mắm.
Món lẩu mắm có vị mằn mặn của mắm, vị ngọt của cá vùng sông nước, đậm chất miền Tây.

Về rau ăn kèm, có đủ cả các loại rau, hoa của miền sông nước như bông điên điển, bông súng, so đũa, bông bí đỏ, rau muống, rau nhúc, cà tím… Thậm chí, nhiều loại rau chưa nghe đến bao giờ như kèo nèo, rau mác, đọt choại, đọt dớn, cải trời, dây bình bát, rau trai, rau đắng, rau dừa, hẹ nước, đọt nhãn lồng... Tất cả như một khu vườn rực rỡ xứ miệt vườn, đưa lên bàn thực khách.

Du khách tới Tây Đô đều tranh thủ thưởng thức một bữa lẩu mắm đậm đà hương vị miền sông nước này...
... và lẩu mắm ngon nhất khi bạn ngồi giữa mênh mông sông nước, ngắm dòng kênh xanh và nghe điệu xàng xê vọng cổ.

Các loại rau cùng các loại bông, nhúng vô mắm, để hơi tái, ăn giòn giòn, thấm đượm vị mắm mà không mất vị rau. Lại thêm vị mằn mặn của mắm, vị ngọt của tôm, cá vùng sông nước của nồi nước lẩu vừa miệng, mùi thơm quyến rũ. Đủ cả sự ngon mắt với màu sắc đủ cả trắng - xanh - tím - hồng, ngon miệng với đủ vị mặn - ngọt - chua - cay. Sẽ là một thiếu sót nếu bạn đến miệt vườn sông nước Cần Thơ mà không tranh thủ thưởng thức lẩu mắm, món ăn dân dã của vùng đất phương Nam này./.

Thế Công
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận