Lời tòa soạn:

Loạt phóng sự của Photo Travel từ kỳ này là những khám phá và trải nghiệm trên đất phật Triệu Voi (Lào) và xứ sở của những ngôi chùa Tháp (Campuchia). Đó là cảm giác thật an yên, mê hoặc khi ghé thăm những ngôi chùa tôn nghiêm, các pho tượng Phật độc đáo và nụ cười thân thiện, hiếu khách của người dân Lào. Còn ở đất nước láng giềng xinh đẹp Campuchia, lại là một hành trình dài theo dọc vương quốc của những quần thể mang dấu ấn lịch sử, từ Phnom Penh thăm Hoàng Cung, qua Kampong Thom, Kampot, đến Siem Reap, lênh đênh trên hồ Tonlé Sap và khám phá nét cổ kính và kỳ vĩ của quần thể Angkor Wat, Angkor Thom, Ta Prohm…

Tonlé Sap nằm cách trung tâm thành phố Siem Reap gần 30km và mất khoảng 30 phút xe chạy. Nếu không muốn thuê xe, Siem Reap cũng có một tuyến xe bus để du khách di chuyển đến tận bến thuyền Biển Hồ.

Biển Hồ Tonle Sap
Trên mặt nước Tonlé Sap là các ngôi làng nổi của cư dân sinh sống lênh đênh trên các ngôi nhà gỗ, trong đó có cả cộng đồng người Việt…
Biển Hồ Tonle Sap
… nơi trở thành điểm đến đầu tiên của du khách mỗi khi “lênh đênh” khám phá cuộc sống và văn hóa của người dân sống nơi “Hồ Lớn”.

Muốn có đủ thời gian cho chiêm ngưỡng sắc đỏ của ánh hoàng hôn buổi chiều tà nơi mặt nước “Hồ Lớn”, bạn nên cộng thêm thời gian chừng hơn hai tiếng đồng hồ nữa so với các tour thông thường. Bù lại, đây là trải nghiệm hoàn hảo nhất trước khi kết thúc hành trình trên đất nước Campuchia bởi các điểm tham quan ở đây khá đa dạng, từ làng bè, cửa hàng thủ công mỹ nghệ đến các quán bar, nhà hàng trên sông…

Biển Hồ Tonle Sap
“Trường học Việt Nam” được làm bằng ba cái bè kết lại trên mặt nước Tonlé Sap do một số cựu chiến binh Quân khu 7 trở lại thăm chiến trường xưa tặng năm 2010. 

Theo tiếng Khmer, Tonlé Sap mang ý nghĩa là "sông nước ngọt lớn" nhưng thường địa danh này được dịch là "Hồ Lớn/ Great Lake" theo tiếng Anh. Quả thực, với hệ thống kết hợp giữa hồ và sông trải rộng đến 16 ngàn km2 vào mùa mưa này, thật xứng danh tên gọi và có tầm quan trọng đặc biệt đối với đất nước Campuchia. Được coi là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, Tonlé Sap được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 1997 với diện tích trải khắp địa bàn 6 tỉnh, thành gồm: Pursat, Battambang, Kompong Chahnang, Moung Roessei, Kampong Luong và Siem Reap của Vương quốc Campuchia. Tonlé Sap là một phần thiết yếu trong cuộc sống của người Khmer, nơi cung cấp nước tưới cần thiết để trồng lúa, cùng với sông Mê Kông hùng vĩ.

Biển Hồ Tonle Sap
Biển Hồ mở ra trước mắt tôi một không gian bao la không thấy bờ bến ở đâu với nước đầy ứ và đục ngầu phù sa.... 
Biển Hồ Tonle Sap
… Mỗi ngày trước dịch bệnh, Biển Hồ đón hàng trăm du khách quốc tế đến tham quan và họ được ngư dân làng nổi chở trên những chiếc thuyền cải tiến chở khách, ghé thăm những ngôi làng nổi của mình.

Hành trình ngắm hoàng hôn của tôi được tính từ thời điểm “đội nắng” trên mũi tàu ngay đầu buổi chiều để có những khuôn hình khám phá "Hồ Lớn” của người Khmer. Thêm cả tiếng lênh đênh theo chiếc thuyền do một ngư dân làm nghề cá tranh thủ chạy chở khách, tôi nghe câu chuyện về vựa cá khổng lồ của họ ở Biển Hồ. Trước đây, cá ở Tonlé Sap nhiều vô kể, đặc biệt mùa khô khi nước từ các nhánh sông đổ vào Biển Hồ rồi rút đi, để lại vô vàn cá và ngư dân chỉ cần dụng cụ thô sơ cũng có thể đánh bắt được. 

Biển Hồ Tonle Sap
Khi nắng chiều dần bớt “gay gắt” cũng là lúc du khách chuẩn bị thực hiện tour ngắm hoàng hôn buông sắc đỏ trên sóng nước Biển Hồ.

Các loại cá quý như cá hô khổng lồ, cá trên 100 ký như đuối gai, cá sấu, cá tra dầu... cũng nhiều vô kể. Từng dãi dầu sương gió trên Biển Hồ, tay lái thuyền hôm đó kể từng thấy nhiều loài thủy quái “khủng” ở đây như cá sấu, trăn, rắn, các loài cá như chép vàng, tra dầu, hô khổng lồ và đặc biệt là loài cá quý huyết rồng. Sau này, nghiên cứu thêm các tài liệu tôi mới biết, Biển Hồ không chỉ là khu dự trữ sinh quyển có tầm quan trọng toàn cầu, mà còn là một vựa cá khổng lồ, cung cấp 70% thức ăn thủy sinh và 60% lượng đạm cho cả đất nước Chùa Tháp.  

Biển Hồ Tonle Sap
Cư dân ở các làng trên Biển Hồ sống trong những căn nhà bè hoặc trên những chiếc ghe có làm mái nhà.  

Mũi thuyền là nơi có thể mở rộng tầm mắt trông xa khung cảnh bao la, rộng lớn của Tonlé Sap và tôi đứng đó, “lênh đênh” qua các ngôi làng nổi, tìm hiểu về cuộc sống và văn hóa của người dân sống nơi đây. Ngụ cư trên Biển Hồ cả nhiều thế hệ, cộng đồng người Việt giờ có cả trăm hộ gia đình sống biệt lập với thế giới bên ngoài trên những ngôi nhà gỗ lênh đênh nơi mặt nước xứ người. Trong ngôi làng của họ, mọi con đường đều là kênh rạch và khi mặt trời ló dạng, tiếng mái chèo khua động mặt nước, bắt đầu ngày làm việc mới của những con thuyền chở bán đầy rau quả, vải vóc, quần áo... 

Biển Hồ Tonle Sap
Mặt trời đỏ rực phát đi tất cả tia nắng cuối cùng của ngày rồi chìm dần xuống mặt nước Biển Hồ, một cảnh tượng huyền ảo với sắc đỏ, hồng, tím xen lẫn trên nền trời… 
Biển Hồ Tonle Sap
Du khách trở thành các nhà nhiếp ảnh để không bỏ lỡ cơ hội ghi lại khoảnh khắc thiên nhiên đẹp ngoạn mục này… 
Biển Hồ Tonle Sap
… và tôi cũng kết thúc hành trình những ngày trên đất nước Chùa Tháp nơi mũi chiếc thuyền trôi trên Biển Hồ Tonlé Sap bao la, rộng lớn, mọi ưu phiền trong một ngày dài tất bật dường như tan biến…

Trải nghiệm hấp dẫn và thu hút nhiều du khách nhất chính là tận hưởng khoảnh khắc đẹp đến ngỡ ngàng vào cuối chiều khi tất cả chìm vào sắc đỏ của ánh hoàng hôn buông trên mặt nước Tonlé Sap. Có thể nói, thực sự đó là một tuyệt cảnh, khi những tia nắng cuối cùng của buổi chiều tàn dần lặn trên mặt nước bao la và bầu trời chuyển từ vàng sang đỏ lựng, rồi tím ngắt - một thời khắc hoàng hôn làm say đắm lòng người, mà tôi may mắn có mặt khi đó./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận