Gần chục lần lên “miền đá” Hà Giang, vội đến mấy tôi cũng ghé thăm Lũng Cẩm, nơi có ngôi làng tuyệt đẹp của người Mông nằm ven Quốc lộ 4C được nhà quay phim Cordelia Beresford chọn làm bối cảnh chính cho bộ phim nhựa “Chuyện của Pao”. Chuyển thể từ tác phẩm “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của nhà văn Đỗ Bích Thúy, có lẽ sau “Vợ chồng A Phủ”, “Chuyện của Pao” là bộ phim nhựa kế tiếp có những thước phim chân thực như thế về cuộc sống của bà con người Mông nơi cực Bắc Việt Nam.
Nổi bật giữa không gian kỳ vĩ của thung lũng Sủng Là, Lũng Cẩm giống như một ốc đảo yên bình giữa bốn bề là đá núi và là điểm đến thuận tiện khi nằm ngay cung đường từ Yên Minh lên vùng cao núi đá. Sau thành công của bộ phim “Chuyện của Pao”, ngôi nhà “tứ đại đồng đường” của ông Mua Súa Páo trở thành nơi được yêu thích nhất ở Lũng Cẩm.
Ngay lối dẫn vào nhà “Pao” là cánh đồng ngập tràn hương sắc theo mùa và cũng là một trong những điểm ngắm hoa đẹp nhất ở Hà Giang. Cũng chính nơi này, ống kính của nhà quay phim Cordelia Beresford đã lia một góc dài, với hình ảnh ấn tượng em trai Pao cùng đàn dê đủng đỉnh về ngôi nhà cổ trong bộ phim truyện nhựa.
Giữa khô cằn của cao nguyên đá, ngôi nhà cao hai tầng của gia đình ông Páo nổi lên như “biệt thự” duy nhất còn sót lại của tầng lớp quý tộc xưa trong cộng đồng dân tộc Mông vùng cực Bắc. Trong ngôi nhà cổ đó, con cháu ông Mua Súa Páo tự hào kể cho khách đến thăm về con người nổi tiếng, có vai vế đối với cộng đồng người Mông trong vùng này. Là chỉ huy đội quân vua Mèo, ông Páo võ nghệ hơn người và luôn được tin tưởng trao chức vụ cao nhất. Với thân thế đó, ông Páo đã thuê những người thợ giỏi nhất về Lũng Cẩm, xây ngôi nhà trình tường vững chãi 2 tầng gồm 3 dãy nhà ghép thành hình chữ U cả mấy năm ròng.
Ngôi nhà “Pao” quây bốn hướng và chụm lại ở giữa với khoảng sân lát đá tảng giờ nhẵn thín theo thời gian. Mái ngôi nhà lợp ngói âm dương còn các chân cột kê được kê bằng đá núi, với nhiều chi tiết trang trí sinh động. Đây là những chất liệu tuyệt đẹp cho các phân cảnh từng quay trong bộ phim nhựa về Pao.
Không chỉ có ngôi nhà của ông Páo, ở Lũng Cẩm còn lại nhiều ngôi nhà cổ khác, dù nhỏ hơn về quy mô nhưng đều có tuổi hơn cả 100 năm. Bao quanh bởi núi đá tai mèo, đây là những ngôi nhà vững chãi với mái ngói phai màu theo thời gian, nơi chứng kiến cuộc sống yên bình của người Mông ở Lũng Cẩm.
Khi những bông hoa tam giác mạch đẹp nhất trên cao nguyên đá bừng nở cũng là lúc thôn Lũng Cẩm lại rộn ràng đón khách lên thăm. Buổi cuối chiều thu, trong khí lạnh của vùng núi đá, tôi ngồi đó nơi ngưỡng cửa nhà Pao nhìn làn khói bếp len lỏi qua mái ngói âm dương, nghe tiếng chân lục cục của vó ngựa trở về từ nương xa. Khi đó, bỗng những thước phim lung linh nơi mẹ Kía từng đau, từng lắng khi nghe tiếng đàn môi nhớ thương sau bờ rào đá của chàng trai tên Chữ lại cứ như hiển hiện ngay trước mắt mình, dù đang ngồi trong ngôi nhà của nguyên mẫu thực.
Email: