chợ giãn cách

Dù khu đô thị (KĐT) Linh Đàm giờ đã không còn “kiểu mẫu” như hồi đầu của những năm 2000, khi tôi chuyển đến, nhưng Đại Từ thì vẫn là phiên “chợ quê giữa lòng phố”.

chợ Đại Từ giãn cách
Như nhiều chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội trong chuỗi ngày giãn cách xã hội, các tấm nilon được dựng lên để hạn chế tiếp xúc, ngăn giọt bắn tại các gian hàng khiến chợ Đại Từ trở nên “lấp lánh” khác lạ so với thường ngày.

Sau gần 20 năm gắn bó, chợ Đại Từ với tôi như một nơi tìm lại cảm giác của phiên chợ quê mình, một thói quen hẳn cũng giống nhiều người dân khu đô thị khi nhập cư về Hà Nội. Đại Từ còn là một làng cổ, nơi gắn với tích thờ vị thủy thần mà theo truyền thuyết là học trò của thầy Chu Văn An. Có công giúp dân làng gọi mưa chống hạn hán nhưng lại trái lệnh trời nên bị đánh chết, xác nổi ở đầm Đại. Là thôn nằm kề bên đầm Đại, Đại Từ từ đó còn có tên nôm là làng Đầm và chợ làng bởi thế mà có lịch sử lâu đời. 

chợ Đại Từ giãn cách
Phía trong chợ, việc kinh doanh diễn ra khá ngăn nắp và các cửa hàng đều có tấm chắn nilon và người mua cũng giữ khoảng cách khi đi chợ.
chợ Đại Từ giãn cách
Hàng hóa ở chợ dồi dào, cung cấp nhu yếu phẩm cho cả người làng lẫn cư dân KĐT, thậm chí đủ cả gia cầm và những chú gà trống cho ngày rằm.

Ở ngôi chợ làng giữa phố này, ta có thể gặp từ những người nông dân thứ thiệt trong làng mang ra bán ổ trứng gà, mấy quả mướp, mớ rau mồng tơi nhà nuôi, trồng. Đó là chưa kể các nông sản khác mà nhiều người làm nông mang đến từ các làng xung quanh như Kim Văn, Kim Lũ, Bằng A.... Từ khi xã Đại Kim (Hoàng Mai) thành phường, cùng với quy hoạch của KĐT Linh Đàm và tốc độ đô thị hóa nhanh của khu vực, chợ Đại Từ cũng dần “phình” theo nhưng vẫn là ngôi chợ làng. Với khoảng 300 hộ kinh doanh ổn định cùng nhiều người vãng lai từ các nơi đến chợ bán theo mùa vụ, nguồn hàng hóa ở chợ dồi dào, cung cấp nhu yếu phẩm cho cả người làng lẫn cư dân KĐT.

chợ Đại Từ giãn cách
Từ các tiểu thương đến người đi chợ đều giữ khoảng cách cho mình qua những vách ngăn, biển báo để đảm bảo an toàn cho cả người bán lẫn mua.
chợ Đại Từ giãn cách
Khách mua thịt gà làm sẵn có thể gọi từ xa tới người bán để nhận ship đến tận nhà.

Rồi Thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, việc đi chợ Đại Từ của người làng và chúng tôi bắt đầu thay đổi. Từ lần giãn cách thứ 4 này, việc “tay xách, nách mang” bởi phải tranh thủ khi mấy ngày nữa mới “được” đi chợ khiến việc quen thành lạ. Cũng giống như các phường, xã trên địa bàn Hà Nội, việc đi chợ theo ngày, theo các khung giờ ghi trên “phiếu đi chợ”, rồi đổi sang “phiếu mua hàng hóa” làm mỗi gia đình mong ngóng đến ngày đi chợ hơn trạng thái thường ngày.

chợ Đại Từ giãn cách
Việc căng nilon giúp người đi chợ cảm thấy yên tâm hơn khi đến mua thực phẩm ở chợ cũng như nâng cao hiệu quả phòng chống dịch Covid-19.
chợ Đại Từ giãn cách
Người dân với khẩu trang, kính chắn mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho gia đình nhìn qua lớp lớp nilon quây kín các gian hàng.

Người đi chợ cũng quen dần việc các lối phụ vào chợ đều đã bị rào. Còn duy nhất lối đi từ cổng chính làng Đại Từ là vào được chợ nhưng phải theo sự điều tiết, hướng dẫn, kiểm soát của các lực lượng chức năng. Phải nói thêm rằng, dù tốc độ đô thị hóa chóng mặt thì làng Đại Từ vẫn giữ nguyên được nét kiến trúc cổ ở hai cổng tiền và hậu ở hai đầu phố.

Cổng tiền ở đầu phố Đặng Xuân Bảng mang đậm phong cách kiến trúc cổng làng Đồng bằng Bắc Bộ nay hóa ra lại hợp với nhiệm vụ mới, “chốt” của đầy đủ thành phần (Công an, y tế, bảo vệ dân phố, dân phòng...) để kiểm soát dịch bệnh. Cổng làng cũng chính là nơi lực lượng chức năng túc trực, yêu cầu người dân đi chợ đo nhiệt độ, sát khuẩn tay, ghi tên, điện thoại, địa chỉ khi muốn vào chợ...

chợ Đại Từ giãn cách
Và dù quầy hàng của mình được giăng nilon kín để chắn giọt bắn phòng dịch thì vẫn có những bác chủ hàng rất cẩn trọng như trong ảnh.
chợ Đại Từ giãn cách
Dịch bệnh cũng khiến nhiều quầy hàng như giò chả ở chợ vắng khách và “ế ẩm” hơn qua ánh mắt bà chủ sau tấm nilon.

Không chỉ việc đi chợ của chúng tôi thay đổi, các tiểu thương ở chợ Đại Từ cũng “sáng tạo” nhiều cách bán hàng mới lạ. Đó là những tấm chắn nilon trong suốt đã thay cho ranh giới các gian hàng được dựng lên nhằm hạn chế tiếp xúc giữa tiểu thương với người mua. Cũng chính những tấm chắn bắt sáng này khiến chợ trở nên “lấp lánh” trông rất xa lạ so với thường ngày.

Trong thời gian giãn cách xã hội, chợ Đại Từ chỉ có 190 hộ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu và các tiểu thương được phép chạy chợ này cũng tự trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cho mình. Dù thực hiện xét nghiệm sàng lọc Covid-19 định kỳ, họ cũng không khỏi lo lắng với công việc của mình, bởi khi bán hàng họ là những người có nguy cơ cao nhất bị phơi nhiễm với vi rút SARS-CoV-2. 

chợ Đại Từ giãn cách
Không còn cảnh chen lấn hay xếp hàng dài chờ mua món “đặc sản” chín tại quầy nữa mà chủ yếu là hàng thịt chó sống.

Và điều không mong muốn ấy đã xảy với các tiểu thương chợ Đại Từ ngay sau khi tôi thực hiện những khuôn hình đáng nhớ trong phóng sự này chỉ đúng 1 ngày. Sáng 8/9, thông tin từ UBND phường Đại Kim cho biết, 21h ngày 7/9, UBND phường nhận được thông tin có ca nghi nhiễm Covid-19 là tiểu thương của chợ. Ngay lập tức, UBND phường đã ban hành thông báo về việc tạm thời phong tỏa toàn bộ khu vực chợ Đại Từ, phường Đại Kim, từ 21h30 ngày 7/9 cho đến khi có thông báo mới. 

chợ Đại Từ giãn cách
Trùng trùng, lớp lớp nilon quây kín một cửa hàng bán hoa quả phía bên ngoài chợ.
chợ Đại Từ giãn cách
Tại cổng hậu của làng Đại Từ đầu phố Nguyễn Cảnh Dị, nhiều thông báo được treo trên hàng rào chắn với tên cửa hàng, số điện thoại và mặt hàng có thể đặt trước.

Trong thời gian tạm thời phong tỏa chợ, người dân trên địa bàn phường như chúng tôi vẫn có thể đi mua hàng ở các siêu thị gần nhà, nhưng hẳn là mong lắm, ngày chợ Đại Từ cũng như nhiều chợ dân sinh khác trên đất nước này sớm trở lại trạng thái bình thường. Để nhớ những ngày không quên, của chợ quen thành lạ bởi dây căng và tấm chắn.

Trọng Chính
Thế Công
11/10/2021 06:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận