Biển Cửa Lò, Nghệ An đang bước vào mùa du lịch đón hàng chục ngàn lượt khách đến tắm biển, nghỉ ngơi mỗi ngày có một dịch vụ tạo nên thương hiệu khác biệt mà chỉ ở đây mới có là dịch vụ câu mực bằng thuyền thúng.
Mỗi buổi tối, các bãi tắm lúc nào cũng có hàng chục chiếc thuyền thúng trải dài dọc bãi biển đón khách du lịch đi câu mực. Chiếc thúng có khả năng chở đến 4 - 5 người trong một chuyến câu đêm với ngư cụ là một cái vợt, một đèn điện tích điện cầm tay (trước đây là măng-sông) cùng mấy chiếc cần câu dài hơn 1m và cuộn dây câu khoảng 30m, gắn 1 hoặc 2 chiếc rường câu trông giống con tôm đầy màu sắc.
Tôi theo Thành (ngư dân xã Nghi Thiết, Nghi Lộc) đưa một nhóm du khách đi câu mực tối. Mùa câu mực của người dân địa phương như Thành thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 6 mỗi năm. Mỗi đêm, một thuyền thúng có thể câu được vài trăm ngàn đồng, nếu may mắn thì được cả triệu đồng, thậm chí vài triệu.
Nếu trước đây cứ từ chiều tối đến khuya Thành bắt đầu ra khơi kiếm mớ mực tươi cho vợ chạy chợ thì giờ mỗi đêm chèo được một chuyến đã có thể gấp nhiều lần tiền bán mực thu được. Nơi câu mực cách bờ biển chỉ khoảng 5km. Thành khéo léo điều khiển chiếc thúng trườn nhẹ trên những con sóng nhỏ, xoay tròn, dập dềnh lựa sóng ra biển. Ở một vùng biển lặng, Thành chọn neo lại, thả câu. Đèn được thắp sáng hơn, cầm sợi cước miết đầu ngón tay quăng dây chìm tận đáy. Mỗi thuyền có khoảng dăm dây câu cho khách tùy chọn nhưng nhóm du khách chỉ hai người câu còn thì tận hưởng cảm giác bồng bềnh giữa biển khơi.
Cần đã vút xuống, hễ mực ăn, nghe nhẹ bỗng một cái giật liền, thế nào mực cũng cắn câu. Thân mực bắt lên còn đen xì túi mực, rửa qua nước biển rồi gác lên chụp đèn măng-sông. Gặp hơi nóng, dăm phút mực đã trở nên vàng ruộm, mấy sợi râu rụng xuống gặp lửa, cháy tanh tách. Khi chín, mực căng lên như một chiếc bánh cuốn mọng nước và ấy là lúc tận hưởng bữa tiệc dọn giữa biển đêm cùng trời mây, sóng nước.
Nếu không thể trải nghiệm một chuyến lênh đênh câu mực, bạn cũng có thể tìm mua mực nháy do ngư dân địa phương câu ở biển Cửa Lò bằng thuyền thúng bày bán ở phía Nam đường ra đảo Lan Châu. Từ tháng 5/2023, khu vực này được quy hoạch, bố trí thành điểm bán hải sản tươi sống (mực nháy) thu hút nhiều người đến tham quan, mua mực. Mỗi đêm, có khoảng 50 - 60 người phụ nữ ngồi bán mực kéo ra tận bãi biển Cửa Lò. Mặc dù giá mực nháy khá đắt, nhưng luôn thu hút người mua. Phần lớn mực câu về đều được bán hết ngay trong đêm.
Điểm độc đáo trong cách bán mực nháy ở đây là người ta không bán bằng cân mà ước lượng mực, chia thành từng mớ đựng trong chiếc bát lớn bằng kim loại. Những con mực đang bơi, mới đánh bắt lên vẫn còn tươi sống, bật tanh tách, mắt và những đốm trên thân ánh lên những mảng màu lấp lánh nên được gọi là "mực nhảy" hay “mực nháy”.
Là món đặc sản Nghệ An đã níu chân được nhiều thực khách khi đến với vùng đất này, theo những ngư dân như Thành, mực nháy ngon nhất khi được hấp bia hoặc ăn gỏi. Với cách này, con mực sẽ giữ được độ ngọt, béo và giòn.
Biển Cửa Lò đã ưu đãi cho họ sản vật mực nháy ngon hiếm nơi nào có được. Chính vị mặn của gió, của nước hòa lẫn với vị ngọt bùi của mực trở thành một ẩm thực riêng biệt của Cửa Lò. Năm 2012, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công bố top 10 đặc sản, trong đó mực nháy Cửa Lò (còn gọi là mực nhảy vì khi đánh bắt lên bờ vẫn còn tươi rói, nhảy tanh tách) vinh dự có mặt trong danh sách này. Đây không chỉ là cơ hội lớn để Nghệ An quảng bá hình ảnh đến với du khách trong và ngoài nước mà còn giúp thực khách có thêm một lựa chọn hải sản tươi ngon trong chuyến du lịch của mình.
Email: