Lên Hoàng Su Phì mùa nước đổ là chứng kiến cả một hệ thống ruộng bậc thang ở đây vốn đã đẹp lại càng thêm quyến rũ với bóng nước ngâm ải đất, trông xa sáng lấp lánh như những chiếc gương trời.

Để có một mùa lúa chín vàng, lộng lẫy níu chân du khách lên đây chụp ảnh vào tháng 10 thì mùa ngâm ải đất là thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm của bà con các dân tộc ở huyện Hoàng Su Phì.

Những thửa ruộng bậc thang ở xã Nậm Ty có hình chữ S và là một trong những thửa ruộng đẹp nhất trong hệ thống Di tích quốc gia ruộng bậc thang của huyện Hoàng Su Phì

Suốt dọc con đường gần 60km từ ngã ba Bắc Mê vào thủ phủ Thị trấn Vinh Quang của Hoàng Su Phì chứng kiến hàng loạt các công việc như cày bừa, be đắp bờ, làm ống dẫn nước… trên hệ thống ruộng bậc thang. Nước mưa chảy dọc theo những triền núi, theo những con suối dẫn xuống các thửa ruộng bậc thang đầy ăm ắp nước tạo nên bức tranh đẹp đa sắc màu của núi, nước, đất và trời mang tên “Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì”.

Người dân các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, La Chí đã chế tạo những ống dẫn nước bằng thân tre, luồng dẫn nước từ các dòng suối trên đỉnh núi xuống các thửa ruộng bậc thang

Cùng với ruộng bậc thang Trạm Tấu - Mù Cang Chải (Yên Bái), Hoàng Su Phì được coi là nơi hội tụ của những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất Việt Nam. Có tới 760ha (trên tổng số hơn 3.000 ha) ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa quốc gia năm 2012 gắn với những thửa ruộng bậc thang đẹp ở các xã Bản Phùng, xã Bản Luốc, Sán Sả Hồ, xã Hồ Thầu, xã Nậm Ty, Thông Nguyên…

Nguồn nước tự nhiên được dẫn đều từ các thửa ruộng cao xuống thấp

Chưa có một tư liệu chính xác nhất về tuổi đời nhưng ước tính ruộng bậc thang tại Hoàng Su Phì có tuổi đời khoảng 300 năm, được khai phá, kiến tạo và mở rộng bởi công sức lâu đời của 14 dân tộc anh em quần cư trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì. Với đặc điểm tự nhiên như vậy, từ hàng trăm năm nay, đồng bào các dân tộc thiểu số tại Hoàng Su Phì đã tạo dựng lên những khu ruộng bậc thang, kế thừa từ đời này sang đời khác để trồng lúa nước sinh sống. Ruộng bậc thang tại Hoàng Su Phì ước tính có khoảng 300 năm, được khai phá, kiến tạo và mở rộng bởi công sức của 14 dân tộc anh em quần cư trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì.

Nói đến ruộng bậc thang Hoàng Su Phì là nói đến hệ thống ruộng bậc thang gồm các điểm: ruộng bậc thang xã Bản Luốc và xã Sán Sả Hồ của người Dao áo dài và người Nùng; ruộng bậc thang xã Bản Phùng của người La Chí; ruộng bậc thang xã Hồ Thầu của người Dao đỏ; ruộng bậc thang xã Nậm Ty, xã Thông Nguyên của người Dao đỏ.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chính thức công nhận 760ha trong tổng số hơn 3000ha diện tích ruộng bậc thang của Hoàng Su Phì tại 6 xã: Bản Luốc, Sán Sả Hồ (bản người Dao áo dài và người Nùng); xã Bản Phùng (bản người La Chí); xã Hồ Thầu, xã Nậm Ty và xã Thông Nguyên (bản người Dao đỏ) là di tích Quốc gia.

Ruộng bậc thang tại những khu vực này có quy mô lớn, ở bình độ cao, có hình dáng tự nhiên phong phú tạo nên vẻ đẹp kỳ vĩ mê hồn. Đây là lần thứ hai, ngành văn hóa Việt Nam tôn vinh giá trị và vẻ đẹp của ruộng bậc thang, hình thức canh tác truyền thống và phổ biến của bà con, dân tộc cư trú ở các tỉnh miền núi, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc. Trước đó, ruộng bậc thang Trạm Tấu - Mù Cang Chải cũng đã được công nhận là di tích Quốc gia.

Khi nước ngấm chân ruộng, người dân các dân tộc huyện Hoàng Su Phì bắt đầu cày bừa để làm ải (mềm) đất

Từ trung tâm Thành phố Hà Giang đi dọc theo Quốc lộ 2 và tỉnh lộ 177 chừng hơn 100km là tới huyện Hoàng Su Phì chỉ một lần đặt chân tới nơi này, người ta sẽ ngạc nhiên và thích thú đến vô cùng khi tận mắt ngắm nhìn lớp lớp những thửa ruộng bậc thang ngập tràn hoặc treo trên những triền núi ẩn hiện trong sương. Một bức tranh hoàn hảo được con người vẽ trong không gian bao la và hùng vĩ của đất trời, thiên nhiên giữa vùng cao biên giới.

Vợ chồng chị Vàng Thị Trá (dân tộc Mông, xã Sán Sả Hồ) trên thửa ruộng bậc thang của gia đình mùa đổ nước
Ánh nước lóng lánh của hàng trăm bậc thang trải dài miên man từ đỉnh núi xuống chân núi từ những cơn mưa tháng 5. Nước bắt đầu bao phủ trên khắp thung lũng, đổ từ ruộng cao xuống ruộng thấp hơn.
Với những khu ruộng cao, bà con giữ lại khoảng rừng trên đỉnh núi, đồi để lấy nước, chỉ khai phá từ lưng chừng đồi trở xuống
Bà con dân tộc Dao đỏ xã Sán Sả Hồ nhổ mạ chuẩn bị cấy trên các thửa ruộng bậc thang đã ải đất và đầy ăm ắp nước
Và rất nhanh, hàng ngàn thửa ruộng bậc thang ở huyện Hoàng Su Phì đã dần phủ màu xanh của mạ non, hứa hẹn một vụ mùa bội thu
Trọng Chính
Thanh Thảo
21/05/2022 06:08
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận