Tạo "bệ đỡ" vững chắc cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nỗ lực cao nhất trong hoàn thiện thể chế

Tạo "bệ đỡ" vững chắc cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nỗ lực cao nhất trong hoàn thiện thể chế

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Hai, 15/04/2024 - 06:00

Thị trường bất động sản đang từng bước chuyển biến tích cực khi niềm tin quay trở lại, thanh khoản dần "rã băng", giao dịch dần hồi phục. Có được kết quả này là nhờ vào sự nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và cả các doanh nghiệp. Trong đó, Bộ Xây dựng được đánh giá có vai trò hết sức đặc biệt khi nhanh chóng hoàn thiện 2 dự án sửa đổi luật có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cho thị trường bất động sản khi bước vào chu kỳ phát triển mới, tạo động lực cho sự phục hồi của thị trường, đó là Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản. 

Quyết tâm sửa đổi, hoàn thiện hai luật "xương sống"

Thị trường bất động sản đã chứng kiến một đợt suy yếu mạnh mẽ trong năm 2022 và năm 2023 khi gần như không ghi nhận nguồn cung mới chào bán, các giao dịch thấp dần qua từng quý và số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những khó khăn kéo dài của thị trường bất động sản là các vướng mắc pháp lý, thủ tục đầu tư (chiếm đến 70% khó khăn của các doanh nghiệp). 

Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 là 2 luật xương sống, tuy nhiên, sau một thời gian dài áp dụng đã bộc lộ nhiều bất cập, một số quy định không còn phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của thị trường bất động sản, gây ra nhiều mâu thuẫn giữa các chủ thể tham gia. Việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện 2 luật này là rất cần thiết để hướng tới phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững. Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì soạn thảo, hoàn chỉnh 2 luật này. 

Năm 2023, trong bối cảnh cả thị trường ngóng chờ luật mới, trọng trách của Bộ Xây dựng lại càng lớn hơn. Chính vì vậy, dù việc soạn thảo, lấy ý kiến góp ý sửa đổi hai Luật là khối lượng công việc khổng lồ, song Bộ Xây dựng vẫn đảm bảo tiến độ hoàn chỉnh luật. Như kế hoạch đề ra, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 với nhiều nội dung đổi mới đã được Quốc hội thông qua. 

Cụ thể, Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định về phát triển nhà ở thương mại, nhà ở công vụ, nhà ở tái định cư, nhà ở riêng lẻ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển nhà ở.

Luật cũng đã luật hóa một số quy định của Nghị định hiện hành về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để nâng cao hiệu lực pháp lý và bổ sung một số quy định đặc thù, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, cũng như khuyến khích các nhà đầu tư tham gia thực hiện.

Ngoài ra, Luật Nhà ở (sửa đổi) còn mở rộng hình thức phát triển nhà ở xã hội và bổ sung thêm nhiều ưu đãi cho chủ đầu tư tham gia…

Với Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật đã phân định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản với các luật khác có liên quan; sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể hơn về các loại hình bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh; thắt chặt hơn quy định về trách nhiệm công khai và nội dung công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch, lành mạnh hoạt động kinh doanh bất động sản.

Tạo "bệ đỡ" vững chắc cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nỗ lực cao nhất trong hoàn thiện thể chế- Ảnh 2.
Tạo "bệ đỡ" vững chắc cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nỗ lực cao nhất trong hoàn thiện thể chế- Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sáng 28/11. (Ảnh: Quốc hội.vn)

Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cũng bổ sung mới một số quy định về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản; kinh doanh quyền sử dụng đất; việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản; việc xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản nhằm bảo đảm tính pháp lý, chặt chẽ, khả thi...

Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung một số chính sách về kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng có sẵn và hình thành trong tương lai để đảm bảo phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn; bổ sung quy định chi tiết hơn về các loại hợp đồng kinh doanh bất động sản...

Theo các chuyên gia, Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quan điểm, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính. Hai Luật đã thể hiện vai trò trong việc chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy thị trường nhà ở và bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.

Đặc biệt, hai bộ luật mới được thông qua đã tạo ra hiệu ứng tích cực cho thị trường khi những quy định được xây dựng theo hướng minh bạch và chuyên nghiệp hóa hoạt động của tất cả các bên. Từ đó giúp khôi phục niềm tin đối với thị trường bất động sản.

Nhằm đồng hành và hỗ trợ tối đa cho sự hồi phục và phát triển của thị trường bất động sản, ngoài việc hoàn thiện và trình thông qua hai Luật quan trọng, trong năm 2023, Bộ Xây dựng cũng đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 Nghị định; 01 Nghị quyết; 01 Chỉ thị; 08 Quyết định; 03 Công điện và ban hành theo thẩm quyền 11 Thông tư.

Có thể nói, năm 2023 thực sự là một năm bận rộn của Bộ Xây dựng trong vai trò hoàn thiện thể chế cho thị trường bất động sản. Đây cũng được đánh giá là sự đóng góp không thể thiếu để thị trường từng bước hồi phục khi bước sang năm 2024.

Khẩn trương xây dựng dự thảo quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật

Cùng với việc hoàn thiện Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), giúp hai luật được thông qua đúng thời hạn, Bộ Xây dựng còn khẩn trương xây dựng dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhằm đảm bảo có hiệu lực đồng bộ với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) ngay khi có hiệu lực thi hành

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, ngay sau khi Thủ tướng ban hành kế hoạch danh mục thực hiện hai luật này, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi đến các địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đã làm việc trực tiếp với Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng để triển khai các nhiệm vụ.

"Riêng các nhiệm vụ liên quan đến Bộ Xây dựng, thời gian qua, Bộ đã thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập, dự thảo xây dựng dự thảo 5 nghị định. Bộ đã đăng tải dự thảo các nghị định lên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Bộ Xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi người dân, doanh nghiệp; gửi lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, hiệp hội… cùng các tổ chức cá nhân liên quan", Thứ trưởng thông tin.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến tại Hà Nội và TP.HCM. Đặc biệt, liên quan đến nghị định cải tạo xây dựng lại chung cư, Bộ Xây dựng đã trực tiếp làm việc với Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM lấy ý kiến các địa phương này bởi đây là các địa phương có nhiều chung cư cũ.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, đến thời điểm hiện tại, Bộ đã nhận được nhiều ý kiến từ các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, bộ, ngành. Trên cơ sở đó, Bộ đang tổng hợp, tiếp thu để hoàn chỉnh, dự kiến sẽ gửi Bộ Tư pháp vào ngày 20/4 để cho ý kiến thẩm định, tiếp thu hoàn chỉnh.

Dự kiến cuối tháng 4, đầu tháng 5/2024, Bộ Xây dựng sẽ báo cáo Chính phủ xem xét thông qua 5 nghị định hướng dẫn thi hành 2 dự án Luật.

"Với tiến độ này, Bộ Xây dựng bảo đảm yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là phải khẩn trương triển khai xây dựng các nghị định để đẩy sớm việc thi hành 2 Luật từ ngày 1/7", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh khẳng định.

Tạo "bệ đỡ" vững chắc cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nỗ lực cao nhất trong hoàn thiện thể chế- Ảnh 6.

Chia sẻ tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các địa phương triển khai 2 dự án luật. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Hoàn thiện thể chế tiếp tục là nhiệm vụ then chốt trong 2024

Năm 2024, Bộ Xây dựng xác định công tác hoàn thiện thể chế vẫn tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. 

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, một trong những nhiệm vụ then chốt trong năm nay là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư xây dựng và thị trường bất động sản. Đồng thời, ưu tiên xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật về lĩnh vực xây dựng; trong đó, tập trung bám sát chương trình của năm 2024 với mục tiêu đảm bảo chất lượng, tiến độ, cải cách thủ tục hành chính và tạo thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Bộ Xây dựng cũng đã trình và được Chính phủ thống nhất đưa vào đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Chính phủ đối với đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Theo đó, dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Tạo "bệ đỡ" vững chắc cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nỗ lực cao nhất trong hoàn thiện thể chế- Ảnh 7.

Trong năm 2024, Bộ Xây dựng cũng sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị và Luật Cấp, thoát nước để trình Chính phủ, đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2025.

Bên cạnh đó, trong năm 2024, Bộ Xây dựng cũng sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị và Luật Cấp, thoát nước để trình Chính phủ, đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2025.

Về tiến độ cụ thể, hiện Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước; Luật Quản lý phát triển đô thị.

Với Luật Cấp, thoát nước, đến nay, Chính phủ đã cho ý kiến, thông qua đề nghị xây dựng Luật, hiện Bộ Xây dựng đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị để gửi Bộ Tư pháp tổng hợp đưa vào đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Đối với Luật Quản lý phát triển đô thị, ngày 19/12/2023, Thường trực Chính phủ đã họp, cho ý kiến đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật.

Với việc đặt trọng tâm nhiệm vụ hoàn thiện thể chế chính sách liên quan đến ngành xây dựng, bất động sản, có thể kỳ vọng, "sợi dây chính sách" thời gian tới sẽ ngày càng liên kết, tạo điểm tựa cho thị trường địa ốc nhanh chóng "vượt đáy" và hồi phục trở lại, phát triển bền vững./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top