Trúc Lâm Yên Tử
Vườn tháp Huệ Quang trở thành chứng tích khẳng định vị thế quan trọng vào bậc nhất của khu vực chùa Hoa Yên trong quần thể Di tích - Danh thắng núi Yên Tử.
 Trúc Lâm Yên Tử
Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được tạc bằng đá xanh, một trong hai loại đá xây dựng ngôi tháp Huệ Quang thời Trần và được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào cuối năm 2020. 
 Trúc Lâm Yên Tử
Tháp Huệ Quang xây 5 tầng, ghép bằng các khối đá xanh với các trang trí hoa văn lá đề, hình rồng mang đậm phong cách thời Trần và phù điêu các vị thiền sư trên thân tháp.

Sau chiến thắng quân Nguyên Mông hơn 700 năm trước, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho thái tử Trần Thuyên (vua Trần Anh Tông) và về tu tại Yên Tử, lấy Phật danh là Điều Ngự Giác Hoàng, sáng lập ra phái “Thiền Trúc Lâm”. Từ đó, Yên Tử trở thành Trung tâm Phật giáo Việt Nam. 

 Trúc Lâm Yên Tử
Khu vườn tháp được bao bọc xung quanh bởi hệ thống tường bao lợp ngói, cùng những cây đại cổ thụ, tạo thành khung cảnh rất độc đáo...
 Trúc Lâm Yên Tử
... nơi du khách hành hương lên Yên Tử, dâng hương, chiêm bái Phật hoàng.

Lên non thiêng Yên Tử, không chỉ khám phá các di sản quý giá với những giá trị mà tiền nhân để lại mà còn chiêm bái vườn tháp, nơi tụ vượng linh khí của long mạch Yên Tử. Bắt đầu từ chùa Hoa Yên, men theo con dốc xuống dưới là vườn tháp. Nổi bật ở giữa là Huệ Quang Kim Tháp (tháp ánh sáng trí tuệ) cao 6 tầng do vua Trần Anh Tông và Đệ nhị Tổ Pháp Loa xây dựng vào năm Kỷ Dậu (1309), một năm sau khi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn. 

 Trúc Lâm Yên Tử
Xung quanh Huệ Quang Kim Tháp là gần một trăm am, tháp nhỏ lưu giữ “ngọc cốt” của các thiền sư tu hành ở Yên Tử qua các thời đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn...
 Trúc Lâm Yên Tử
Đường tùng nổi tiếng hơn 700 năm tuổi do Phật Hoàng cùng đệ tử của Ngài vun trồng đã trở thành con đường hành hương huyền thoại và được công nhận là hàng cây trồng cổ nhất Việt Nam với những “cụ tùng” nay đã trở thành “Thần mộc”, biểu trưng cho sức sống mãnh liệt, chính trực của bậc thiền nhân, quân tử.

Dù Huệ Quang Kim Tháp được trùng tu nhiều lần trong hơn 700 năm qua nhưng đây là ngôi tháp đến nay còn khá nguyên vẹn, có giá trị đặc biệt về kiến trúc, lịch sử, văn hóa và tâm linh. Tháp được ghép bằng đá, với đế hình lục lăng, chạm trổ hoa văn sóng nước mang đặc trưng phong cách nghệ thuật thời Trần. Chân tháp phình ra hình cổ bồng, trên là đài sen với 102 cánh sen đỡ lấy khám thờ ở tầng một. Đỉnh tháp tạc nụ sen hay bầu nước cam lồ. Sân tháp hình vuông có tường bao quanh 4 mặt. 

 Trúc Lâm Yên Tử
Từ chùa Giải Oan, vượt qua hàng nghìn bậc đá cheo leo là đến vườn tháp Huyền Quang, trái tim của non thiêng Yên Tử…
 Trúc Lâm Yên Tử
… nơi thờ Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, vị vua từ bỏ ngai vàng khi mới 35 tuổi về Yên Tử tu hành, sáng lập dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Trong lòng tầng hai của tháp là tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông bằng đá cẩm thạch, ngồi thiền ở tư thế liên hoa (hoa sen). Bệ tượng được trang trí hình hoa văn rồng, hoa cúc, hoa sen và mây lửa. Các mảng chạm khắc trên tượng và bệ tượng đều mang phong cách nghệ thuật trang trí thời Lê sơ. Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào cuối năm 2020. 

 Trúc Lâm Yên Tử
Hơn 700 năm đã trôi qua với bao biến thiên lịch sử, tư tưởng gắn đạo với đời của Phật hoàng Trần Nhân Tông vẫn mãi còn đó.

Quây quần quanh Tháp Tổ là 97 ngọn tháp với nhiều kiểu dáng và chất liệu khác nhau, thờ các thiền sư đã tu hành nơi non thiêng Yên Tử. Có 40 tháp mới được trùng tu năm 2002 bằng xi măng phía sau tháp Huệ Quang và 25 tháp gạch nằm rải rác trên sân vườn tháp, 15 tháp đá, trong đó có một ngọn tháp bằng đá xanh, còn lại là tháp bằng đá gạo và một số ngôi tháp đã bị đổ chỉ còn dấu tích.

 Trúc Lâm Yên Tử
Đi dưới rừng trúc, rừng tùng cổ thụ, du khách có dịp khám phá các di sản quý giá với những giá trị không thể đong đếm mà tiền nhân để lại. 

Cùng những ngôi tháp cổ, có những cây tùng, cây đại có tuổi hàng trăm năm vươn tán lá che nắng che mưa làm tăng thêm vẻ trầm mặc, uy nghi của vườn tháp. Giữa một vùng đồi núi điệp trùng của vòng cung Đông Bắc, hệ thống chùa, am, tháp, hàng ngàn di vật cổ cùng khu rừng tùng cổ thụ này góp phần tôn vinh vẻ thâm nghiêm, huyền bí khiến nơi đây thu hút mỗi năm hàng triệu phật tử, du khách bốn phương về danh sơn Yên Tử./.

Trọng Chính
Thế Công
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận