Lời toà soạn:

Loạt phóng sự của Photo Travel từ kỳ này là những khám phá và trải nghiệm trên đất phật Triệu Voi (Lào) và xứ sở của những ngôi chùa Tháp (Campuchia). Đó là cảm giác thật an yên, mê hoặc khi ghé thăm những ngôi chùa tôn nghiêm, các pho tượng Phật độc đáo và nụ cười thân thiện, hiếu khách của người dân Lào. Còn ở đất nước láng giềng xinh đẹp Campuchia, lại là một hành trình dài theo dọc vương quốc của những quần thể mang dấu ấn lịch sử, từ Phnom Penh thăm Hoàng Cung, qua Kampong Thom, Kampot, đến Siem Reap, lênh đênh trên hồ Tonle Sap và khám phá nét cổ kính và kỳ vĩ của quần thể Angkor Wat, Angkor Thom, Ta Prohm…

Cùng với That Luang, chùa thiêng Wat Si Muang là một trong hai công trình phật giáo cổ nhất ở Thủ đô Vientiane và là ngôi chùa thể hiện rõ nhất sự kết hợp của đức tin Phật giáo và tín ngưỡng nguyên thủy của Lào.

Từ That Luang trở về đại lộ trung tâm, tôi tới thăm chùa thiêng Wat Si Muang (còn gọi là Sỉ Muông) nằm ở đường Setthathilath và Samsenthai. Là thành phố lớn của Lào, Vientiane có lịch sử lâu đời cùng các công trình kiến trúc Phật giáo cổ kính, linh thiêng, trong đó có chùa Wat Si Muang.

Chùa Wat Si Muang được xây dựng trên nền phế tích của một ngôi đền Khmer cổ trước kia và được trang trí hết sức cầu kỳ và tinh xảo.
Được coi là một trong những ngôi chùa đẹp nhất nước Lào, gian sau chính chiếm hầu hết diện tích là nơi đặt rất nhiều tượng phật, trở thành những nét chấm phá độc đáo của Wat Si Muang.

Người dân Lào thành kính với Wat Si Muang bởi nhiều câu chuyện nhuốm màu huyền hoặc và linh thiêng về Phật giáo, đặc biệt vương triều khi đó xây chùa đã quyết định dựng ở đây cột trấn quốc vào năm 1566. Và trong các câu chuyện nhuốm màu huyền bí khi xây chùa đều nhắc đến tên của người thiếu phụ có tên Si Muang, còn gọi là nàng Sỉ. Những người thợ xây chùa Si Muang đã đụng phải một mạch nước ngầm mạnh và ảnh hưởng đến công việc và để mạch nước không phun trào, nàng Sỉ đã dùng chính mạng sống của mình làm nút ngăn dòng chảy. Trước tấm lòng nghĩa liệt của thiếu phụ, người dân đã lấy tên nàng Sỉ đặt cho ngôi chùa cho đến hôm nay.

Người dân Vientiane mang lễ lên chùa và tuyệt đối không có đồ mặn như thịt, cá.
Dù chùa nằm ngay giữa trung tâm Thủ đô tấp nập người qua kẻ lại nhưng bên trong lại tĩnh lặng, chỉ có lòng thành kính của Phật tử.

Sau gần 5 thế kỷ, ngôi chùa tọa lạc ở nơi được người Lào theo truyền thống gọi là “bản” Simuong, nay thuộc quận Sisattanak, Vientiane. Trong khuôn viên rộng hơn 2ha, chùa thiêng Si Muang có 2 gian chính là nơi nhà sư thực hiện nghi lễ buộc chỉ tay để ban phước (gian trước) và phía gian sau là gian thờ, chiếm phần lớn diện tích. Khuôn viên của chùa đặt nhiều tượng phật, trong đó nổi bật nhất là tượng phật Thích Ca được đặt dưới tán lá cây bồ đề.

Wat Si Muang là ngôi chùa đặc biệt bởi có lễ buộc chỉ cổ tay chúc phúc, cầu may theo phong tục Lào cho du khách. Trong ảnh là một nhà sư ở chùa buộc chỉ cổ tay cho chị Lại Thanh Mai, một du khách Việt Nam ghé thăm chùa.

Một nghi thức mà bất cứ du khách nào đến Lào như tôi khi ghé thăm chùa thiêng Si Muang là làm lễ buộc chỉ may mắn ở cổ tay. Với người dân Lào, họ tin rằng việc buộc chỉ này sẽ mang đến những may mắn cho gia đình và người thân trong gia đình. Vốn là nghi thức xuất phát từ tín ngưỡng thờ cúng đa thần từ xa xưa và xuất hiện trước khi đạo Phật du nhập vào Lào, theo thời gian mà tiếp biến trở thành một phần trong tín ngưỡng Phật giáo Tiểu thừa.

Trong chùa Wat Si Muang có đặt hòn đá thiêng giống hình sừng tê giác nặng chừng 20kg. Khi cầu nguyện cho bản thân, muốn biết điều mình xin thần phật có chứng giám không người ta thường dùng hai tay nâng tảng đá và nếu ứng thì hòn đá nặng cũng chẳng khác gì cái bị bông và ngược lại.
Bên trong chính diện, các bức tranh, phù điêu về Đức Phật được trang trí chi tiết làm nên những nét vàng son trong kiến trúc của chùa...
… thậm chí tỉ mỉ đến từng song sắt trang trí hình Đức Phật nơi ô cửa sổ.

Lễ buộc chỉ cổ tay hôm tôi đến thăm do chính sư trụ trì chùa Si Muang thực hiện. Ông còn cầu an bằng một bài kinh Phật và buộc vào cổ tay tôi sợi dây màu trắng, thể hiện cho sự tinh khiết và bình an. Đây cũng là nét văn hóa bình dân độc đáo có một không hai mà người Lào dành cho du khách. Sau khi buộc chỉ, tôi sẽ phải giữ trên cổ tay mình, ba ngày sau đó mới được tháo ra, treo lên chỗ trang trọng ở nơi làm việc.

Phía cổng chính điện là những bức tranh, phù điêu miêu tả lại các giai đoạn, cột mốc chính của huyền thoại nàng Sỉ khi xây chùa.
Màu vàng tươi của ngôi chùa nổi bật trong không gian thanh tịnh khiến du khách đến đây có cảm giác như bước vào thế giới tâm linh Phật giáo đầy linh thiêng và huyền bí.

Sự linh nghiệm mà sư trụ trì chùa Si Muang đã chúc tôi là điều thời gian sẽ trả lời nhưng ở đất Phật thì niềm tin vào nghi thức buộc chỉ, sự linh thiêng của chùa là điều có thật. Bởi lẽ, khi đã bước qua ngưỡng cửa chùa thiêng Si Muang, họ như đã tháo bỏ bao muộn phiền trần tục, khoác lên mình sự may mắn và nguyện cầu bình an cho gia đình và bạn bè./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận