8/30 quy định pháp luật được bình chọn tốt nhất thuộc lĩnh vực BĐS: "Cởi trói và tạo sức bật cho thị trường"

- 06:01, 10/03/2017 G3T+7 - Nguyễn Quân - Hồng Vân

Đó là nhận định của đa số chuyên gia về kết quả cuộc bình chọn những quy định pháp luật tốt và chưa tốt năm 2016, trong đó lĩnh vực BĐS chiếm 8/30 quy định pháp luật được bình chọn tốt nhất do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây.

Diện mạo mới một góc Hà Nội sau giai đoạn phục hồi của thị trường BĐS. Ảnh: Kháng Trần.

Diện mạo mới một góc Hà Nội sau giai đoạn phục hồi của thị trường BĐS. Ảnh: Kháng Trần.

Tạo động lực cho thị trường

Những khó khăn trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế cho thị trường BĐS Việt Nam hiện nay không phải là nhỏ. Cụ thể là việc phải “chuyển mình”, cập nhật nhanh hơn nữa những yêu cầu phát triển của kinh tế - xã hội, nhu cầu của người dân. Ví dụ, sự ra đời của hàng loạt các loại hình mới của thị trường như: officetel, condotel hoặc hometel. Đồng thời, phải giải quyết nhanh chóng những tồn tại của thị trường.

Liên quan đến thông tin lĩnh vực BĐS chiếm 8/30 quy định pháp luật được bình chọn tốt, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là nỗ lực rất lớn của Bộ Xây dựng, khi có một loạt sự điều chỉnh, bổ sung nhằm hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện và động lực cho thị trường BĐS phát triển.

Chẳng hạn như việc mở rộng cho phép người nước ngoài quyền sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam; Cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mua, thuê, thuê mua nhà, công trình xây dựng làm văn phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh; Miễn giấy phép xây dựng Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Bỏ quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS phải bán nhà, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch BĐS…

ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ BĐS Hà Nội đánh giá.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Reenco Sông Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ BĐS Hà Nội.

“Đây là những hành động hết sức kịp thời, bởi thị trường BĐS Việt Nam rất lớn, là ngành nghề cốt lõi, là động lực của hàng nghìn các ngành nghề khác nhau. Chính vì lẽ đó mà sự thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp rất đáng hoan nghênh. Đây là những đột phá tạo động lực cho thị trường phát triển tốt trong thời gian qua cũng như hứa hẹn sẽ đem lại sự thay đổi trong tương lại”, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ BĐS Hà Nội đánh giá.

Đồng quan điểm, Luật sư Trương Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng: Những quy định trên đã cởi trói, tạo sức bật cho người dân, doanh nghiệp phát triển thị trường BĐS.

Bằng chứng là thị trường BĐS trong những năm qua phát triển ổn định, mang tính bền vững. Điều này tạo ra sự an tâm và ổn định tâm lý người dân trên thị trường, tạo nên sự ổn định cho nền kinh tế, đóng góp “mảng màu sáng” vào “bức tranh” của nền kinh tế.

Luật sư Trương Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội BĐS Việt Nam.

Luật sư Trương Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội BĐS Việt Nam.

Có được điều này, theo ông Tuấn, là do cơ quan quản lý Nhà nước, trực tiếp là Bộ Xây dựng đã lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp, nỗ lực rất lớn để chuyển hóa mong mỏi phát triển tích cực của doanh nghiệp, người dân phù hợp với quy định của pháp luật. Điều này phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội BĐS Việt Nam, Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25/11/2014 quy định “Mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội và người thu nhập thấp, hộ nghèo, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải toả, người thu nhập thấp được hỗ trợ mua nhà ở xã hội” là quy định nổi bật và có tác động mạnh mẽ nhất vào thị trường BĐS khi thể hiện được chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo nên nguồn cơ cấu mới cho thị trường.

Ông Tuấn cũng cho rằng, kết quả bình chọn này sẽ là gợi mở cho các cơ quan Nhà nước để họ phải nhìn nhận lại các quy định và tiến hành rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đồng thời xác định những tiêu chí để xây dựng các quy định một cách hiệu quả.

“Tôi nghĩ mỗi lĩnh vực hoặc một bộ, ngành từ năm sau nên có bảng đánh giá 30 quy tốt nhất, chưa tốt nhất riêng để đánh giá thấu đáo, triệt để hơn các quy định pháp luật”, ông Tuấn kỳ vọng.

Kiểm chứng qua thực tế

Phân tích rõ hơn về quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế cho thị trường BĐS, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, bối cảnh ra đời của Luật Kinh doanh BĐS 2014 và Luật nhà ở 2014 là khi thị trường BĐS đang rơi vào giai đoạn trầm lắng, hay nói cách khác là khủng hoảng, không có giao dịch; trong xã hội, có sự mất cân đối về sở hữu nhà.

Ông Nguyễn Mạnh Hà. Ảnh: Trần Kháng.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam. Ảnh: Trần Kháng.

Cuộc bình chọn các quy định phát luật tốt nhất và kém nhất năm 2016 của VCCI được đánh giá là một nỗ lực rất lớn và phản ánh đúng nhu cầu, mong mỏi của người dân và doanh nghiệp, nêu lên trước công luận những suy nghĩ và cảm nhận của người dân về các quy định pháp luật hiện hành có hợp lý, thuận lợi hay gây khó khăn cho người dân. Ông Trương Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội BĐS Việt Nam

Cụ thể, diện tích bình quân nhà ở phát triển mạnh, nhưng những người sở hữu nhà diện tích nhỏ hoặc người khó khăn không có nhà vẫn nhiều. Trong khi đó, số người sử dụng nhà diện tích lớn cũng tăng lên. Do đó, sự chênh lệch về diện tích nhà ở bình quân đầu người giữa các đối tượng ngày càng cao.

“Lúc này đòi hỏi những người làm chính sách phải tạo ra sự công bằng xã hội tốt hơn và làm cho thị trường phát triển ổn định, sôi động trở lại, đó là mục tiêu của sự thay đổi. Đó cũng là những bức xúc của xã hội và bức xúc phải được tháo gỡ như thế nào cho phù hợp thì mới nhận được sự đồng thuận cao”, ông Hà nói.

Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam dẫn những ví dụ như: Chính sách cho người nước ngoài mua nhà được đặt ra từ năm 2008, nhưng khi đó, Nghị quyết 19 của Quốc hội chỉ cho phép thí điểm 5 năm và người nước ngoài mua nhà rất hạn chế.

Hay giai đoạn BĐS cực thịnh thì quy định phải đưa giao dich BĐS lên sàn, nhưng khi thị trường trầm lắm thì bán đã khó, chứ chưa nói đến việc lên sàn.

“Theo tôi, những thay đổi về chính sách đã góp phần đưa thị trường phát triển ổn định trở lại và hoạt động tốt hơn. Trong giai đoạn xây dựng chính sách BĐS thời gian qua, đã có sự phối hợp rất tốt giữa các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Xây dưng. Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng có những phản biện, tham mưu được đánh giá tốt”, ông Hà nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hà, cơ bản các chính sách mới đã hoàn thiện nhưng cần kiểm chứng qua thực tế. Cần phải đẩy mạnh thực hiện hơn, ví dụ như chính sách nhà ở xã hội, nhà cho người nước ngoài./.

8 quy định tốt nhất thuộc lĩnh vực BĐS

- Bỏ quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải bán nhà, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch bất động sản.” trong Luật Kinh doanh Bất động sản.

- Điều kiện kinh doanh bất động sản có vốn pháp định được chứng minh bằng vốn điều lệ. Điều 3-5, Nghị định 76/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản.

- Mở rộng cho phép người nước ngoài quyền sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam. Điều 161.2.a, Luật Nhà ở 2014.

- Điều 11.3(a) Luật Kinh doanh bất động sản. Cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mua, thuê, thuê mua nhà, công trình xây dựng làm văn phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

- Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25/11/2014 mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội và người thu nhập thấp, hộ nghèo, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải toả, người thu nhập thấp được hỗ trợ mua nhà ở xã hội.

- Điều 54-59, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 Mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư dự án được cho thuê, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai.

- Điểm e, Khoản 1, Điều 89, Luật Xây Dựng số 50/2014/QH13, Miễn giấy phép xây dựng Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Điều 126 và 127, Luật Đất đai năm 2013. Nâng thời hạn giao đất nông nghiệp từ 20 năm lên 50 năm.

Bạn đang đọc bài viết 8/30 quy định pháp luật được bình chọn tốt nhất thuộc lĩnh vực BĐS: "Cởi trói và tạo sức bật cho thị trường" tại chuyên mục của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục