9 giải pháp phát triển thị trường BĐS giai đoạn 2017 – 2020

- 16:21, 07/03/2017 G3T+7 - Nhật Bình

Mới đây, Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA) đã nghiên cứu Đề án phát triển thị trường BĐS TP. HCM giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, đơn vị này có đề xuất 9 giải pháp được cho là “gỡ vướng” và tạo đà cho thị trường BĐS phát triển trong giai đoạn 2017 – 2020.

HoREA kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu...). Trước hết đề nghị Quốc hội thông qua dự thảo "Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về đầu tư, kinh doanh" nhằm điều chỉnh hiệu quả nền kinh tế và thị trường BĐS, tạo hành lang pháp lý và môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng hơn; ngăn ngừa và hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu; xây dựng, phát triển thị trường BĐS minh bạch, lành mạnh và bền vững.

Tiếp theo là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính theo hướng một cửa liên thông, đơn giản, minh bạch, thông thoáng, nhanh chóng.

Đối với công cụ về thuế, theo HoREA, để khuyến khích thị trường tăng trưởng thì áp dụng thuế suất thấp đánh trên thu nhập do chuyển nhượng BĐS.

Để điều tiết khi thị trường có dấu hiệu bong bóng thì áp dụng thuế suất cao, kể cả áp dụng thuế suất rất cao khi chuyển nhượng BĐS sau khi tạo lập trong năm đầu tiên.

Để khuyến khích đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, Nhà nước đã áp dụng thuế GTGT 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp 10%. Trước đây, thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng BĐS có 2 cách tính thuế (bằng 22% trên thu nhập chịu thuế, hoặc bằng 2% giá trị hợp đồng giao dịch); nhưng hiện nay chỉ có 1 cách tính bằng 2% giá trị hợp đồng giao dịch, đã dẫn đến tình trạng có nhiều trường hợp khai thấp để tránh thuế. Bộ Tài chính đang dự thảo Luật Thuế đánh trên người có nhiều nhà dự kiến trình Quốc hội trước năm 2020; hoặc đề xuất đánh thuế cao những trường hợp chuyển nhượng nhà trong vòng 1 năm sau khi tạo lập, nhằm ngăn ngừa đầu cơ trên thị trường BĐS.

Về công cụ về tín dụng, theo kiến nghị của HoREA, để khuyến khích thị trường tăng trưởng nên áp dụng chính sách tín dụng nới lỏng, lãi suất thấp, điều kiện thẩm định cho vay dễ dàng. Khi thị trường có dấu hiệu bong bóng thì áp dụng chính sách hạn chế tín dụng, kể cả áp dụng chính sách thắt chặt tín dụng, lãi suất cao, điều kiện thẩm định cho vay khắt khe, khống chế tăng trưởng tín dụng. Chính sách tín dụng đã và đang trở thành công cụ hiệu quả điều chỉnh thị trường BĐS.

Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại xây dựng "Quy chế hoạt động nội bộ ngân hàng" theo hướng khuyến khích chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn, nhà cung cấp vật tư, thiết bị, khách hàng đều mở tài khoản giao dịch tại cùng ngân hàng, để tạo điều kiện cho ngân hàng giám sát dòng tiền được sử dụng đúng mục đích, giúp cho chủ đầu tư và các bên liên quan sử dụng vốn tín dụng hiệu quả, tiết kiệm, giảm thiểu rủi ro cho khách hàng.

đề xuất 9 giải pháp được cho là “gỡ vướng” và tạo đà cho thị trường BĐS giai đoạn 2017 – 2020 phát triển.

HoREA mới đây có đề xuất 9 giải pháp được cho là “gỡ vướng” và tạo đà cho thị trường BĐS giai đoạn 2017 – 2020 phát triển.

Về công cụ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, phát triển dự án nhà ở.

HoREA cho rằng, để khuyến khích thị trường tăng trưởng, Nhà nước cần chấp thuận cho nguồn cung quỹ đất ra thị trường nhiều hơn, chấp thuận chủ trương đầu tư nhiều dự án BĐS hơn. Khi thị trường có dấu hiệu bong bóng thì áp dụng chính sách hạn chế nguồn cung quỹ đất ra thị trường, hạn chế chấp thuận đầu tư các dự án BĐS.

Hiệp hội đề nghị giao thẩm quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (bổ sung) giữa hai kỳ họp hội đồng nhân dân để đảm bảo đáp ứng kịp nhu cầu đầu tư phát triển.

Đối với các công cụ kiểm soát rủi ro trên thị trường BĐS, bảo vệ người tiêu dùng BĐS, theo HoREA, pháp luật đã quy định cơ chế, chính sách bắt buộc chủ đầu tư phải thực hiện bảo lãnh ngân hàng; phải xây dựng xong phần móng chung cư; phải được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn; phải giải chấp hoặc được ngân hàng nơi nhận thế chấp có văn bản chấp thuận trước khi bán nhà ở hình thành trong tương lai; hoặc chủ đầu tư phải thực hiện nghiệm thu chất lượng công trình xây dựng, nghiệm thu công trình phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật trước khi bàn giao nhà ở cho khách hàng. 

HoREA kiến nghị thực hiện cơ chế phối hợp “chuỗi 5 nhà” bao gồm: Nhà đầu tư phát triển dự án; Nhà thầu thi công; Nhà cung ứng vật tư, trang thiết bị; Nhà băng - ngân hàng; Nhà nước. Theo đó, các chủ thể nêu trên cùng nhau hợp tác và phối hợp sẽ tạo được sức mạnh, hiệu quả để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững. Thực hiện cơ chế xã hội hóa đầu tư theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng, thông qua các hình thức xây dựng - chuyển giao (BT),  hoặc hợp tác công - tư (PPP).

Cuối cùng HoREA kiến nghị phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở cho thuê giá rẻ phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố là hướng phát triển nền tảng để đảm bảo an sinh xã hội và thị trường BĐS thành phố phát triển lành mạnh, bền vững. 

Bạn đang đọc bài viết 9 giải pháp phát triển thị trường BĐS giai đoạn 2017 – 2020 tại chuyên mục của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục