Theo đó, trao đổi với phóng viên, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, việc Bộ KH&ĐT lên ý tưởng loại bỏ quy hoạch để tiến tới quản lý, cấp phép xây dựng sân golf thông qua các điều kiện là tốt, vì trong quy hoạch chung có thể có hạng mục sân golf, không đến mức phải có quy hoạch riêng. Do đó, đây là một loại hình cấp phép để hoạt động.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, golf là môn thể thao rất tốn đất và là loại hình thể thao đặc biệt nên phải có cấp phép để hoạt động, đó là vấn đề hợp lý.
“Điều kiện đáp ứng khi làm sân golf, chủ yếu vẫn là vấn đề đất đai, phải là những loại đất để hoang hóa không sử dụng vào việc gì được, không thể phá rừng, càng không thể lấy đất nông nghiệp”, GS. Đặng Hùng Võ nêu quan điểm.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, việc phát triển thể thao và các hạng mục để đáp ứng cho du lịch là cần thiết. Tuy nhiên, Việt Nam đang có quá nhiều sân golf, tốn quá nhiều đất trong khi cơ chế thu từ sử dụng đất sân golf hiện nay của chúng ta vẫn thấp. Do đó, phải nâng mức thu từ đất đai lên thì lúc đó, nhà đầu tư mới phải cân nhắc có nên đầu tư hay không đầu tư.
Cùng quan điểm, TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, sân golf là nhu cầu về giải trí của con người cho nên việc phát triển sân golf là cần thiết nhưng phải có sự quy hoạch để tránh chồng chéo, nơi thừa nơi thiếu.
Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, đối với việc quy hoạch sân golf, có hai vấn đề cần quan tâm, đó là số lượng là bao nhiêu và đất đai nào làm sân golf.
Về số lượng sân golf, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, việc này thực chất được quyết định bởi thị trường. Tuy nhiên, nếu anh không nắm thị trường mà cứ đầu tư theo kiểu nhắm mắt làm, có khi lại ế và thừa.
Lấy ví dụ sân golf ở Phan Thiết phải đóng cửa vì không ai chơi, ông Liêm cho rằng, việc nuôi một sân golf không dễ, cỏ phải đều, lại phải sử dụng phân hóa học và phun thuốc trừ sâu. Hơn nữa, việc duy trì một sân golf cũng rất tốn kém.
“Ở Việt Nam, công tác điều tra thị trường làm rất kém, chắc do tiết kiệm tiền, tự làm nên rất nhiều dự án đầu tư sai, kể cả dự án bất động sản hàng trăm tỷ đồng nhiều khi làm ra cũng không ai mua”, ông Liêm nói.
Vấn đề thứ hai là đất để xây dựng sân golf, ông Liêm đặt câu hỏi, nước mình đất ít người đông mà làm sân golf thì phải là đất nào?
“Khi sang Nhật Bản, tôi thấy sân golf họ làm trên sườn núi hơi nghiêng nhưng vẫn chơi tốt. Ở đó, có rất nhiều sân golf như thế. Ở Việt Nam, từ đầu tôi đã phản đối sân golf Vân Trì (Hà Nội). Giữa thành phố đất vàng, đất bạc lại làm cái sân golf cho mấy anh giàu có đến chơi, có nên hay không? Hơn nữa, trong trung tâm thành phố lại có một sân golf là điều rất vô lý”, ông Liêm chia sẻ.
Theo quan điểm của nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, với sân golf chỉ nên làm ở những nơi đất xấu không làm gì khác được. Vì vậy, ở những đất kém giá trị, không sử dụng được vào nông nghiệp, lâm nghiệp thì mới nên dùng. Những bãi cát dọc bờ biển nếu làm sân golf thì rất tốt.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc quy hoạch sân golf đã được nói nhiều. Có thời kỳ chúng ta cấp phép thoải mái. Cả Trung ương và địa phương cùng được cấp phép, cho nên trên phạm vi cả nước, tính ra diện tích sân golf lớn hơn diện tích các bệnh viện, trường học, khu kinh tế. Điều này gây ra tình trạng cung vượt cầu rất nhiều.
Mặc dù vậy, tổng số đất dành thật sự cho golf không nhiều. Quốc hội có lần đã nêu ra, hơn một nửa diện tích dùng để xây dựng những thứ ngoài sân golf, với lý do dịch vụ golf như nhà ở, ăn uống... Đây rõ ràng đang có sự lạm dụng nhân danh.
"Việc bỏ quy hoạch sân golf và giao cho địa phương tự quản lý, cấp phép là hợp lý vì nếu có quy hoạch thì đằng nào cũng phải lấy ý kiến của địa phương. Tuy nhiên, nếu không định rõ điều kiện mà để địa phương làm thì cũng rất dễ bị bán đất để ăn chia. Vấn đề quan trọng bây giờ là quy chế quản lý sân golf, cấp phép như thế nào và kiểm tra sau khi triển khai như thế nào, không hiệu quả có được rút không, tiêu chí nào thì được thông qua?...", TS. Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm.
Còn nữa....