Aa

Bất động sản 24h: Đấu giá đất vào “cuộc chơi” mới

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Chủ Nhật, 19/03/2023 - 08:32

Đấu giá đất vào “cuộc chơi” mới; Hàng loạt nỗ lực có vực dậy được thị trường bất động sản?... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Đấu giá đất vào “cuộc chơi” mới

Sau giai đoạn trầm lắng, hoạt động đấu giá đất ở một số địa phương bắt đầu nhen nhóm trở lại. Giá sàn cao hơn, cuộc chơi liệu có sốt nóng hơn?

Trước năm 2022, Hà Nội là một trong những địa phương ghi nhận hoạt động đấu giá đất sôi động bậc nhất cả nước với nguồn thu từ đất đóng góp một phần quan trọng cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, sau những sự cố liên quan đến hoạt động đấu giá đất cùng với động thái siết chặt tín dụng bất động sản khiến hoạt động này sụt giảm mạnh.

Năm qua, Hà Nội đặt chỉ tiêu thu từ đấu giá đất là 12.450 tỷ đồng, nhưng đến hết tháng 11/2022 mới đạt hơn 7.018 tỷ đồng, bằng 56,37% kế hoạch, toàn Thành phố chỉ đấu giá thành công 87 dự án với tổng diện tích 14,17 ha. Việc phải xây dựng lại căn cứ xác định giá khởi điểm dựa trên mức trúng đấu giá của phiên đấu giá trước đó (lúc thị trường “sốt ảo”) đã đẩy giá khởi điểm lên cao và khiến nhà đầu tư e ngại.

Bước sang năm 2023, nhiều huyện như Đông Anh, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Sơn Tây… liên tục tổ chức đấu giá đất với giá khởi điểm từ 18,3 triệu đồng/m2 đến 50 triệu đồng/m2, nhưng tình trạng “ế ẩm” vẫn phổ biến. Là một trong những huyện tiến hành đấu giá đất sớm nhất (từ ngày 3/2 đến ngày 16/3), Phúc Thọ đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với 20 thửa đất ở khu vực Hương Nam, xã Xuân Phú cùng 17 thửa đất thuộc TT5 khu Đồng Phươm, xã Thọ Lộc.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Vẫn “nóng” chuyện thời hạn sở hữu chung cư

Ủy ban Thường vụ Quốc đã đề nghị loại bỏ quy định thời hạn sở hữu chung cư ra khỏi dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Tuy nhiên, Chính phủ cũng có quyền trình phương án riêng ra Quốc hội.

Trong dự thảo mới nhất Luật Nhà ở (sửa đổi), Chính phủ chỉ đưa ra phương án duy nhất về sở hữu chung cư có thời hạn. Theo lý giải của Chính phủ, Luật Nhà ở năm 2014 đã có quy định cụ thể về thời hạn sử dụng nhà chung cư, hết thời hạn sử dụng nhà chung cư mà không còn đủ điều kiện an toàn sử dụng thì phải phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tại các địa phương, nhất là hai thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM vẫn còn rất chậm, còn gặp nhiều khó khăn.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế trong công tác phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư là do pháp luật về nhà ở không có quy định về việc chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư nên các chủ sở hữu đều cho rằng quyền sở hữu nhà chung cư là vĩnh viễn. Do đó các chủ sở hữu không thực hiện việc di dời, phá dỡ nhà chung cư, ngay cả khi nhà chung cư không còn đủ điều kiện cho an toàn sử dụng.

Vì vậy, Chính phủ cho rằng cần thiết phải bổ sung quy định cụ thể việc xác lập, chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư trong trường hợp nhà chung cư không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn cho người sử dụng và quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà chung cư khi chấm dứt quyền sở hữu để phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Khơi thông dòng vốn bất động sản: Cần thêm các giải pháp dự phòng nếu kinh tế thế giới "hạ cánh cứng"

Đánh giá thị trường vốn bất động sản trong quý III, IV sẽ có những dấu hiệu tích cực, song các chuyên gia khuyến cáo, cần có thêm các giải pháp dự phòng cho kịch bản xấu nếu nền kinh tế thế giới "hạ cánh cứng".

Khó khăn về vốn, dòng tiền và thanh khoản đang là thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp. Tại Toạ đàm Giải pháp khơi thông thị trường vốn do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 17/3, nhiều chuyên gia đánh giá cao sự quyết liệt điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc ổn định kinh tế vĩ mô và khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp. Song, để những chính sách sớm mang lại hiệu quả trên thực tiễn, rất cần sự nỗ lực đồng hành đến từ nhiều phía và lưu ý thêm các kịch bản dự phòng nếu nền kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các doanh nghiệp đang đứng trước khó khăn vô cùng lớn về dòng vốn, trong đó, trái phiếu doanh nghiệp đang là vấn đề nan giải, cùng với những nguyên nhân khác dẫn tới sự căng thẳng liên thông trên thị trường cổ phiếu và tín dụng ngân hàng hiện nay.

Chia sẻ tại tọa đàm, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, Nghị định 08 đã giải quyết được các vấn đề lớn, như cho phép nhà phát hành thêm một năm để tiếp tục phát hành trái phiếu riêng lẻ nhằm để đảo nợ mà chưa phải áp dụng các quy định trong Nghị định 65; người mua cũng có thêm một năm chưa phải tuân thủ tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp; hoãn xếp hạng tín nhiệm, cho doanh nghiệp thêm một năm nâng cao năng lực, đồng thời, cho phép sử dụng tài sản khác để trả nợ.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Lãi suất “hạ nhiệt” nhưng người mua nhà vẫn như “ngồi trên lửa”

Câu chuyện lãi vay cao làm “chùn chân” những giấc mơ an cư đã trở thành đề tài nóng hổi suốt nhiều tháng qua. Đến thời điểm hiện tại, tuy lãi suất đã "hạ nhiệt" nhưng người mua nhà vẫn như "ngồi trên lửa".

Khăn gói lên Thủ đô từ năm 2010 để theo học ngành Cơ khí tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, đến nay anh Nguyễn Chí Lập (quê tại huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) đã bám trụ nơi đất khách quê người hơn một thập kỷ nhưng vẫn đang từng ngày phải vật lộn với cuộc sống vì mong ước sở hữu riêng một căn nhà.

Năm 2018, anh lập gia đình. Thời gian đầu sau khi kết hôn, 2 vợ chồng anh vẫn còn sinh hoạt ở trong căn phòng trọ vỏn vẹn 30m2 nằm trên đường Trần Quốc Hoàn (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Đến năm 2020, khi bắt đầu tính đến chuyện mua nhà, anh chị quyết định sẽ tìm mua ở phân khúc căn hộ chung cư vì giá rẻ hơn cả so với mặt bằng chung.

Lãi vay cao khiến mọi kế hoạch tài chính của người mua nhà trả góp đều bị đảo lộn. (Ảnh: Di Anh)

Thời điểm ấy, gom góp số tiền tích cóp của cả hai vợ chồng được khoảng hơn 500 triệu đồng, ông bà nội ngoại cũng hỗ trợ thêm 200 triệu đồng dưới dạng cho vay không tính lãi. Có trong tay 700 triệu đồng, anh quyết định đi vay ngân hàng thêm 1,2 tỷ đồng thời hạn 10 năm để có thể tậu được căn hộ chung cư 2 phòng ngủ tại một dự án trên địa bàn phường Định Công, quận Hoàng Mai. Lãi suất ưu đãi trong năm đầu tiên là 8%/năm. Tuy nhiên, sau khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi được áp dụng thay thế. Cũng từ đây, vòng xoáy vay tiền để mua nhà - mua được nhà rồi lại trả nợ - trả nợ không nổi lại nghĩ đến việc bán nhà bám riết và bào mòn cuộc sống hai vợ chồng anh.

Chia sẻ với Reatimes, anh Lập không giấu nổi vẻ chán chường: “Chỉ một đêm sau thông báo mới của ngân hàng, lãi suất tăng từ 9,5% lên 13,4%, tức số tiền phải trả cả gốc lẫn lãi hàng tháng tăng từ 12 triệu đồng lên 17 triệu đồng. Tôi đang rất lo lắng, đi ở trọ ròng rã 10 năm mới tích cóp mua được căn nhà nhỏ cho vợ con. Vậy mà giờ rơi vào cảnh bán thì khó, ở thì khổ, vì hàng tháng đều chăm chỉ cày cuốc trả lãi, nhưng giờ còn tăng lên thì cũng chưa biết phải tính làm sao. Tôi rất mong lãi suất trở về như thời điểm trước năm 2022, nhưng không biết đến bao giờ”.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hàng loạt nỗ lực có vực dậy được thị trường bất động sản?

Thị trường đã có động thái mới sau Nghị định 08, Nghị quyết 33 và biện pháp hạ nhiệt lãi suất từ NHNN, tuy nhiên vẫn cần thời gian để những nỗ lực này thực sự có tác động rõ rệt.

Sau khi Nghị định 08 của Chính phủ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp được ban hành ngày 5/3, thị trường chứng khoán trong vòng một tuần sau đó đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ nhờ trụ cột chính là các mã cổ phiếu nhóm ngành bất động sản và ngân hàng.

Đến đầu tuần này, với tác động từ Nghị quyết 33, nhiều cổ phiếu bất động sản lại tiếp tục dẫn dắt thị trường, thậm chí một số mã tăng kịch trần. Động thái đảo chiều lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sau đó ít ngày càng mang lại kỳ vọng cho giới đầu tư.

Xem thông tin chi tiết tại đây 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top