Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2228/QĐ-TTg ngày 18/11/2016.
Ngày 08/5/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên có văn bản số 1697/UBND-QHXD gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị giao Bộ Xây dựng tổ chức lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 24 Luật Xây dựng năm 2014, làm cơ sở cho công tác quản lý và kêu gọi đầu tư xây dựng vào Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên.
Ngày 12/5/2017, Văn phòng Chính phủ đã gửi Văn bản số 4890/VPCP-CN gửi Bộ Xây dựng đề nghị nêu ý kiến bằng văn bản về đề nghị của UBND tỉnh Thái Nguyên đối với những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của ngành.
Ngày 4/7/2017, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 1514 phúc đáp đề nghị của Văn phòng Chính phủ.
Căn cứ Quyết định số 2228/QĐ-TTg ngày 18/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và quy định pháp luật hiện hành, theo Bộ Xây dựng: Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên là khu chức năng đặc thù cấp quốc gia.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 24 Luật Xây dựng năm 2014, việc tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc thuộc trách nhiệm của Bộ Xây dựng. Vì vậy, Bộ Xây dựng thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Thái Nguyên tại văn bản số 1697/UBND-QHXD.
Khu vực quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia (DLQG) Hồ Núi Cốc thuộc địa bàn: thành phố Thái Nguyên (các xã: Phúc Xuân, Phúc Trìu và Tân Cương), huyện Đại Từ (các xã: Tân Thái, Bình Thuận, Lục Ba, Vạn Thọ, Quân Chu và thị trấn Quân Chu), thị xã Phổ Yên (xã Phúc Tân) và toàn bộ thắng cảnh hồ Núi Cốc. Diện tích vùng lõi tập trung phát triển thành Khu DLQG là 1.200 ha (không bao gồm diện tích mặt nước). Theo định hướng, sản phẩm du lịch chính của Khu DLQG Hồ Núi Cốc là du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, hoạt động thể thao gắn liền với tài nguyên hồ, đảo trên hồ; du lịch cộng đồng gắn liền với văn hóa trà; du lịch sinh thái gắn liền với tài nguyên rừng Vườn quốc gia Tam Đảo (khu vực xã Quân Chu), hệ sinh thái hồ, hệ sinh thái chè. Các sản phẩm du lịch bổ trợ như: du lịch văn hoá - tâm linh, cắm trại, dã ngoại, nghỉ dưỡng cuối tuần; dịch vụ vui chơi giải trí và thể thao cao cấp; mua sắm; văn hóa ẩm thực... Tổ chức không gian phát triển du lịch trên nguyên tắc: Khai thác hợp lý lợi thế tài nguyên du lịch tự nhiên trên bờ và không gian mặt nước hồ; hình thành mối liên hệ giữa các khu, phân khu chức năng, giữa các điểm du lịch trong khu vực nhằm tạo không gian kiến trúc, cảnh quan hấp dẫn; liên kết với vùng lân cận; hạn chế tối đa tác động đến môi trường nước hồ Núi Cốc, chuyển đổi đất nông nghiệp, đất rừng và di chuyển dân trong khu du lịch. Phát triển KDLQG Hồ Núi Cốc trong không gian kết nối với các tiềm năng quan trong khác của tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là di tích lịch sử An toàn khu (ATK) Đinh Hoá, đồng thời chú trọng tăng cường, liên kết với các điểm du lịch khách của khu vực trung du miền núi phái Bắc. Mục tiêu phấn đấu trước năm 2025, Khu du lịch Hồ Núi Cốc đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia. Đến năm 2030, Khu DLQG Hồ Núi Cốc trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lớn của quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao gắn liền với thương hiệu văn hóa Trà Thái Nguyên và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực. Khu DLQG Hồ Núi Cốc phấn đấu đến năm 2030 đón được 4 triệu lượt khách; đạt doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng. |