Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã nói như vậy tại cuộc kiểm tra Bộ Xây dựng về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao, ngày 17/2.
Nhà đầu tư điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cả cơ quan Nhà nước
Tại buổi làm việc, ông Mai Tiến Dũng nhắc tới công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng. Việc này đã được Bộ Xây dựng quan tâm, nhưng trong thực tiễn thì thực hiện chưa nghiêm, từ đó dẫn tới tình trạng phá vỡ quy hoạch ban đầu, thậm chí có tình trạng nhà đầu tư điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cả cơ quan Nhà nước.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Xây dựng hết sức quan tâm công tác này, làm sao vừa phân cấp tạo thuận lợi cho địa phương, vừa gắn trách nhiệm kiểm tra giám sát của Bộ và trách nhiệm của người đứng đầu địa phương.
Tổ công tác đánh giá và dẫn chứng Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt từ năm 2011, nhưng đến nay nhiều quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết chưa được phê duyệt.
Theo ông Mai Tiến Dũng, công tác dự báo quy hoạch đang không sát với thực tiễn phát triển của đô thị, nhiều quy hoạch bị điều chỉnh, công tác quản lý hành chính đô thị còn yếu, phản ứng chính sách chậm so với yêu cầu của thực tiễn, tình trạng quy hoạch chạy theo dự án.
Luật Xây dựng đã đưa ra các quy định nhằm khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, khép kín giữa các địa phương nhưng tình trạng này vẫn chưa giảm.
Ví dụ, hơn 10 năm trước khi vẽ nên khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội), những người làm quy hoạch đã rất tự hào vì xây dựng được một bán đảo đẹp, đáng sống. Nhưng chỉ một vài năm gần đây, quy hoạch khu vực bị buông lỏng, trong phạm vi chỉ có 3 ha đất mà có tới 12 tòa nhà cao tầng mọc lên, phá nát khu bán đảo…
Ngoài ra, việc cấp phép xây dựng cũng còn nhiều bất cập, dẫn đến nhiều công trình chủ đầu tư ngang nhiên xây vượt tầng, sai phép, điển hình như dự án khách sạn Mường Thanh (Khánh Hòa), Tòa nhà 8B Lê Trực hoặc sau khi được cấp phép, chủ đầu tư tiếp tục làm thủ tục xin tăng thêm số tầng, như tòa nhà hỗn hợp Thăng Long (Yên Hòa, Cầu Giấy), Dự án 131 Thái Hà (Đống Đa)…
“Hậu quả là tăng mật độ dân số, thiếu các không gian chung như vườn hoa, sân chơi, tình trạng ngập úng, đặc biệt là gây áp lực lên hạ tầng giao thông đô thị, hạ tầng xã hội đối với 2 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM. Đặc biệt không đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại quy hoạch chung thủ đô, là khống chế mật độ dân số các quận trung tâm và giảm dần đến năm 2050”, ông Mai Tiến Dũng đánh giá.
Điều đó cho thấy công tác hậu kiểm, giám sát, thanh tra với chủ dự án còn rất lỏng lẻo, thậm chí buông lỏng. Khi xảy ra sai phạm khong xử lý kiên quyết, triệt để, biện pháp xử lý phổ biến thường là phạt hành chính, do đó không đủ tính răn đe. Tình trạng “phạt cho tồn tại” vẫn cứ tiếp diễn.
Vì sao chưa xác định được phần vốn nhà nước tại Vinaconex?
Cũng trong buổi làm việc, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, 4 nhiệm vụ được Chính phủ giao Bộ Xây dựng chưa hoàn thành gồm: Sửa nghị định 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng; xác định lại giá trị phần vốn nhà nước tại Vinaconex; kiểm tra, khảo sát khu vực quy hoạch dự án khu công viên hồ điều hòa trên ô đất ký hiệu A1/CXKV thuộc địa giới quận Hoàng Mai và quận Thanh Xuân, Hà Nội; xây dựng đề án Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng.
Trong những nhiệm vụ quá hạn này, việc sửa Nghị định 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng, đến thời điểm này đã hoàn thành và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Đối với việc xác định lại giá trị phần vốn nhà nước tại Vinaconex theo quy định và báo cáo Thủ tướng trước ngày 31/1/2017, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà giải trình, Vinaconex là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của ngành xây dựng thực hiện đề án cổ phần hóa vào năm 2007. Năm 2008, hồ sơ của Vinaconex được bàn giao về Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Đến nay, việc bàn giao này đã tiến hành được hơn 10 năm, trải qua nhiều thế hệ cán bộ, công nhân viên chức thụ lý hồ sơ, nhiều người nghỉ hữu, hồ sơ quá dài… nên việc đôn đốc về hồ sơ và tài liệu liên quan gặp nhiều khó khăn.
Việc xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa còn chưa chính xác đối với khu đất và tài sản tại 47 Điện Biên Phủ, quận 1, TP.HCM. Sau đó, UBND TP.HCM có Quyết định số 5438/QĐ- UBND ngày 4/11/2014 cho phép chuyển sang thuê đất trả tiền một lần nhưng chưa xác định lại khoản chênh lệch giá trị tiền thuê đất với giá trị quyền sử dụng khu đất đã tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
Đây chính là vấn đề mấu chốt làm ảnh hưởng đến tiến độ xác định phần vốn nhà nước tại Vinaconex. Bộ Xây dựng tuy được giao chủ trì nhưng lại phải đợi báo cáo từ Vinaconex và SCIC (thuộc Bộ Tài Chính).
Đến ngày 7/2/2017, Bộ Xây dựng mới nhận được văn bản hồi đáp của Vinaconex, nên chưa đủ căn cứ để báo cáo. Dự kiến trong tháng 2 này bộ sẽ hoàn thành việc xác định lại giá trị phần vốn nhà nước tại Vinaconex tại thời điểm cổ phần hóa.