Aa

Cần phải thổi vào di sản Ba Vì một sức sống mới mang hơi thở của thời đại

Thứ Sáu, 25/09/2020 - 06:00

“Việc bảo tồn không chỉ dừng lại ở việc giữ nguyên “hình ảnh”, “hiện trạng” mà phải thổi vào các phế tích, vào di sản một sức sống mới mang hơi thở của thời đại”.

Lời tòa soạn:

Di sản là giá trị chung của một đô thị, của Quốc gia, là quà tặng của quá khứ cho sự phát triển của đất nước hôm nay. Vì thế, thực tế từ các trường hợp của những đô thị đang thành công trên thế giới, bảo tồn và phát triển không bao giờ đối kháng mà phải nương vào nhau cùng song hành, hay nói cách khác, để giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, suy cho cùng, vẫn nên lấy phát triển hiệu quả để bảo tồn.

Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, PGS.TS Đặng Văn Bài khẳng định: "Bảo tồn di sản văn hóa phải phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững. Di sản đến từ quá khứ nhưng phải gắn với hiện tại, đáp ứng tốt nhu cầu của con người. Tạo lập sự "cân bằng động" giữa bảo tồn và phát triển, giữa văn hóa và môi trường thiên nhiên là đích hướng tới.

Phát huy giá trị phế tích Pháp tại núi Ba Vì là đề tài đang được dư luận và giới chuyên gia đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây. Câu chuyện của Ba Vì là tổng hòa của rất nhiều yếu tố, là tài nguyên quý, hiếm của thiên nhiên và lịch sử để lại không chỉ cho Thủ đô Hà Nội, mà cho cả Quốc gia.

Vì vậy, việc phát triển và bảo tồn ở địa danh này như thế nào là bài toán cần rất nhiều chuyên gia, các nhà khoa học cùng đưa ra lời giải.

Trên cơ sở đó, Reatimes tiến hành nghiên cứu và phản biện, với những góc nhìn đa chiều và khoa học, thực hiện và đăng tải tuyến bài: Đánh thức tiềm năng du lịch từ phế tích ở Ba Vì: Giải bài toán giữa bảo tồn và phát triển.

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

Bảo tồn phát triển Ba Vì có thể học hỏi kinh nghiệm quốc tế

Vườn quốc gia Ba Vì có tổng diện tích hơn 11.000ha, thuộc địa giới hành chính của 16 xã thuộc huyện Ba Vì (TP. Hà Nội) và 2 huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình). Ba Vì không chỉ là khu rừng nguyên sinh nhiệt đới, ôn đới có môi trường, cảnh quan đẹp, thảm động thực vật đa dạng, phong phú; có vai trò bảo vệ, nuôi dưỡng và điều hòa khí hậu vùng Thủ đô, mà nó còn mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh. Các công trình văn hóa, tâm linh nơi đây có thể kể đến như đền thờ Bác Hồ, tháp Báo Thiên, đền Thượng trên đỉnh núi Tản Viên, cùng với Ao Vua, Khoang Xanh, Suối Tiên, Khu di tích K9...

Đặc biệt là sự tồn tại của gần 200 nền phế tích mà người Pháp đã xây dựng thị trấn và khu nghỉ mát tại đây ở các độ cao 400m, 600m, 1.000m cách đây gần 100 năm, làm cho Vườn quốc gia Ba Vì trở thành khu vực có tiềm năng du lịch đa dạng, hấp dẫn… Bởi vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị phế tích Pháp tại Vườn quốc gia Ba Vì trong cấu trúc tổng thể du lịch của khu vườn là đặc biệt quan trọng và cần thiết.

Phế tích tại Ba Vì

Hiện nay, trên thế giới cũng đã có nhiều bài học kinh nghiệm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, trong đó bao gồm cả các phế tích mang dấu ấn lich sử, văn hóa. Các phế tích này nếu được quan tâm cải tạo, phát triển sẽ là cơ hội thu hút cộng đồng đến chiêm ngưỡng, hưởng thụ các giá trị cảnh quan tự nhiên và tìm hiểu trực quan những dấu ấn lịch sử, văn hóa của một giai đoạn phát triển của khu vực. Đó là cách tiếp cận mang tính nhân văn, để quá khứ, hiên tại, tương lai hòa chung một dòng chảy lịch sử phát triển liên tục của một cộng đồng, một dân tộc. Đồng thời, cũng là cơ hội tạo nên nguồn kinh phí để bù đắp cho việc duy trì và bảo vệ các di tích do nguồn vốn rất eo hẹp như Việt Nam.

Các kinh nghiệm từ Nhật Bản trong việc bảo tồn, phát huy giá trị đối với cụm di tích cố đô Nara là các phế tích đổ nát bao gồm 6 ngôi chùa và 8 khu rừng nguyên sinh ở trong địa phận thành phố Nara… hay các kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản đối với những di sản là các phản gỗ Tripitaka Koreana (dùng để in kinh Phật) và Janggyeongpanjeon (một địa danh cổ xưa lưu giữ những tấm phản gỗ này), đền Haeinsa, tạ đình Gyeongsangnam-do, miếu thờ Jongmyo và cung Changdeokgung ở Seoul…

Trong hai trường hợp này, cả Nhật Bản và Hàn Quốc tuy có những đặc điểm riêng khác nhau, nhưng dường như đều có các giải pháp tổng thể từ cơ chế, chính sách mang tính quốc gia đến các giải pháp cho từng đối tượng, khu vực cụ thể để đảm bảo công tác bảo tồn, phát huy giá trị hiệu quả, hay như cách nói mà các chuyên gia thường dùng là đảm bảo tính cân bằng giữa bảo tồn và phát triển.

Vẫn biết, sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, phát huy giá trị di sản nói chung trong sự nghiệp bảo tồn, xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc, cũng như cho kinh tế nói riêng, đã, đang và luôn là một thách thức lớn. Tuy nhiên, không phải là không có lời giải.

Vẫn có lời giải cho sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển

Mới đây tại tọa đàm “Phát huy giá trị phế tích Pháp tại núi Ba Vì”, các nhà khoa học đã đánh giá những tiềm năng to lớn, những giá trị văn hóa, lịch sử của các phế tích, đồng thời đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị vùng cảnh quan, di sản kiến trúc này trên nguyên tắc bảo tồn nguyên trạng các phế tích kết hợp với cây xanh; hỗ trợ để cùng phát triển, hoàn thiện các chức năng về du lịch mà không làm ảnh hưởng đến phế tích và cảnh quan; phục dựng hoặc phỏng dựng các công trình từ phế tích; tôn tạo, tổ chức cảnh quan mới trên cơ sở lựa chọn có chủ ý chủng loại cây xanh bản địa để tạo nên dấu ấn đặc trưng.

TS. KTS. Trương Văn Quảng, Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam.

Đây là hướng đi hợp lý, có cơ sở để “hồi sinh” giá trị một khu vực trong quá khứ, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển du lịch, vừa bảo vệ môi trường hệ sinh thái và quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử, hiệu quả về giáo dục thiên nhiên...

Tôi cho rằng, trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu còn lưu giữ, thực trạng khu vực, xu hướng và nhu cầu phát triển mới, giải pháp bảo tồn cũng không nhất thiết phải cứng nhắc theo cách của bảo tàng mà cần thiết phải chấp nhận cả giải pháp bảo tồn thích nghị theo hướng phục dựng, chỉnh trang không gian văn hóa - kiến trúc Pháp nguyên bản trên nền phế tích cũ; có thể tạo lập thêm không gian kiến trúc mới kết hợp với nền phế tích cũ một cách hài hòa, hữu cơ, bình đẳng với khung cảnh thiên nhiên; xem xét việc xây dựng công trình mới bên cạnh phế tích cũ để tăng tính tương phản nhằm tô điểm cho quá khứ - hiện tại; đầu tư, nâng cấp cảnh quan thiên nhiên một cách có tư duy theo hướng thuận thiên, (ngăn cấm việc can thiệp thô bạo vào thiên nhiên) trên cơ sở một quy hoạch bài bản có tầm nhìn... Đảm bảo làm tăng giá trị thẩm mỹ, cảnh quan, kiến trúc và giá trị sử dụng hiệu quả trong xu hướng phát triển bền vững.

Một không gian vừa xưa cũ nhưng lại rất mới, hiện đại trong bối cảnh nền kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Ba Vì đòi hỏi cách tiếp cận, giải pháp quy hoạch, thiết kế kiến trúc, cảnh quan, môi trường có tính mới, đột phá, khoa học, thông minh nhất…

Cần phải thổi vào di sản Ba Vì một sức sống mới mang hơi thở của thời đại.

Và chúng phải được trao cho các tổ chức, cá nhân có tâm, có tầm thực hiện xuyên suốt trong cả quá trình: 

Thứ nhất là điều tra, khảo sát, phân tích đánh giá thực trạng. 

Thứ hai là xây dựng tầm nhìn, ý tưởng, quy hoạch, bảo tồn tồn, tôn tạo hoặc xây dựng mới bổ sung (theo nguyên tắc tôn trọng thiên nhiên và giải pháp bảo tồn thích nghi). 

Thứ ba là tổ chức thực hiện dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt một cách nghiêm túc, có trách nhiệm. 

Thứ tư là quản lý vận hành, khai thác, duy tu, bảo dưỡng hiệu quả… 

Thứ năm là xây dựng và quảng bá hình ảnh, thương hiệu với tính chuyên nghiệp cao, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. 

Thứ sáu là huy động nguồn lực kinh phí, chất xám từ sự ủng hộ, chung sức của cộng đồng trong nước và quốc tế.

Theo đó, bảo tồn không chỉ dừng lại ở việc giữ nguyên “hình ảnh”, “hiện trạng” mà phải thổi vào các phế tích, vào di sản một sức sống mới mang hơi thở của thời đại. Đó là con đường tất yếu, bền vững để hướng tới mục tiêu đưa di sản trở thành một phần đời sống của chủ thể văn hóa. 

Không những thế, cần xây dựng một kế hoạch tổng thể quản lý di sản ở cấp địa phương dựa trên cơ chế chính sách quốc gia và tính đặc thù của Vườn quốc gia Ba Vì, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho du khách và người dân. 

Đồng thời tạo dựng mối liên kết giữa di sản vật thể và di sản phi vật thể để tạo thành sức mạnh tổng hợp, tôn vinh giá trị nổi bật các phế tích Pháp, cũng như quần thể các công trình văn hóa, tâm linh như đền thờ Bác Hồ, tháp Báo Thiên, đền Thượng trên đỉnh núi Tản Viên, cùng với Ao Vua, Khoang Xanh, Suối Tiên, Khu di tích K9… tại Vườn quốc gia Ba Vì linh thiêng, hùng vĩ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top