Khám phá

Cù Lao Chàm - khu dự trữ sinh quyển thế giới

Khám phá - 06:06, 02/10/2022 G10T+7 - Tùng Dương

Cù Lao Chàm là địa điểm du lịch có khí hậu quanh năm mát mẻ, hệ động thực vật phong phú, đặc biệt là nguồn hải sản và nguồn tài nguyên yến sào; các rặng san hô ở khu vực này cũng được đưa vào danh sách bảo vệ.

Cù Lao Chàm thuộc xã đảo Tân Hiệp, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, cách bờ biển Cửa Đại 15km bao gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông. Đảo Hòn Lao (cũng gọi là Cù Lao Chàm) có diện tích lớn nhất (13,82km²) và đỉnh cao nhất (517m). Tính phân bậc địa hình khá rõ, dân số trên các hòn đảo này gồm khoảng 3.000 người.

Đây còn là một địa điểm du lịch có khí hậu quanh năm mát mẻ, hệ động thực vật phong phú, đặc biệt là nguồn hải sản và nguồn tài nguyên yến sào. Các rặng san hô ở khu vực biển Cù Lao Chàm cũng được các nhà khoa học đánh giá cao và đưa vào danh sách bảo vệ.

Những nhà ở cửa người dân trên đảo ngay sát biển

Điểm dừng chân đầu tiên khi thuyền cập bến tàu Cù Lao Chàm chính là nhà bảo tàng biển Cù Lao Chàm. Đây là nơi các bạn có thể tìm hiểu lịch sử hình thành, các phong tục truyền thống, các lễ hội, các sản vật biển… của vùng đảo này, giúp các bạn có cái nhìn toàn cảnh về hòn đảo và con người nơi đây.

Giếng cổ Chăm Hay còn có tên khác là Giếng Xóm Cấm, có niên đại khoảng 200 năm, nằm tại ngã ba con đường của khu dân cư xóm Cấm, địa điểm này thường tập trung khách du lịch vì người ta hay nói đùa rằng nếu muốn sinh con trai bạn chỉ cần uống 7 ngụm nước, hoặc uống sẽ có người yêu. Cách khu giếng 500m là di tích Tiền Sa Huỳnh Bãi Ông, và di tích khảo cổ Bãi Làng.

Chùa Hải Tạng là công trình kiến trúc tôn giáo tín ngường thờ Phật kết hợp với thờ thánh thần nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của ngư dân trên đảo Cù Lao Chàm và cho các thương thuyền ghé vào hành lễ cúng Phật với cầu mong được phù hộ trên con đường làm ăn, buôn bán. Chùa được xây vào năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758).

Việc xây chùa gắn liền với truyền thuyết các cây cột được làm từ ngoài Bắc chuyển bằng tàu thủy về phía Nam nhưng khi đến Cù Lao Chàm thì trời tối nên phải neo nghỉ. Ngày hôm sau, tàu đi tiếp nhưng mặt biển bỗng dậy sóng, vần vũ khiến tàu không ra khơi được. Sau có người trong đoàn lên đảo cúng xin keo thì mới biết dàn cột này phải ở lại để dựng chùa trên đảo, không được đem đi. Cũng vì thế mà chùa xây xong lấy tên là Hải Tạng (Hải là biển, Tạng là kinh, ý nói chùa là nơi hội tụ kinh tạng mênh mông như biển cả).

Nằm ở Bãi Hương, miếu Tổ nghề Yến được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX để thờ tổ nghề Yến và các vị thần bảo hộ nghề Yến. Hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, cư dân và những người làm nghề khai thác yến tổ chức cúng rất linh đình để chuẩn bị cho vụ khai thác mới.

Bãi Chồng Cù Lao Chàm với diện tích hơn 34 nghìn m², có bãi cát biển mịn xếp vào loại bậc nhất trên Hòn Lao, thảm thực vật xanh mượt với những khe nước tự nhiên đổ xuống từ trên núi cao và những hình đá kỳ thú gợi trí tưởng tượng phong phú. Điểm xuyết cho bãi tắm cát trắng nước trong tuyệt đẹp là những hòn đá được thời gian mài tròn, xếp chồng lên nhau.

Bãi Hương Cù Lao Chàm nằm về phía Tây Nam của Hòn Lao có hơn 100 hộ dân cư sinh sống, người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề chài lưới, khai thác hải sản. Làng chài này có tên cổ là làng Phú Hương, nơi đây vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn truyền thống nghề chài lưới của cư dân vùng biển Cù Lao Chàm.

Đến Cù Lao Chàm, địa điểm tham quan khách du lịch không thể bỏ qua chợ Tân Hiệp, nằm ngay khu vực bến tàu. Chợ bán các đặc sản rừng, biển và cả quà lưu niệm.

Thương cảng sôi động trong nhiều thế kỷ

Từ xa xưa, cụm đảo Ciam pullo, Chiêm Bất Lao, Tiêm Bích La … (Cù Lao Chàm ngày nay) từng là địa chỉ được đánh dấu đậm nét trên bản đồ hàng hải quốc tế ven biển Đông, từng là điểm dừng chân quen thuộc của thương thuyền nhiều nước ở phương Đông cũng như phương Tây trên các tuyến hải trình dọc theo các con đường hương liệu, tơ lụa, gốm sứ trên biển. Cù Lao Chàm có vị trí trọng yếu trong tuyến hàng hải khu vực, và phát triển mạnh mẽ trong các thế kỷ XVII - XVIII.

Cửa Đại Chiêm trở thành một trong những cảng thị thuận lợi để tàu thuyền quốc tế cập bến, trao đổi mua bán hàng hóa. Thương thuyền của các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Xiêm La, Miến Điện, Malaixia, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan,… đến Hội An buôn bán. Cù Lao Chàm trở thành một thương cảng sôi động ở khu vực Đông Nam Á trong nhiều thế kỷ.

Tháng 10 năm 2003, Khu Bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm được thành lập để giữ gìn sinh vật hoang dã trên đảo, là một trong 15 khu Bảo tồn biển của Việt Nam vào thời điểm năm 2007. Ngày 29/5/2009, với hệ động thực vật phong phú và những di tích lịch sử hàng trăm năm trước, Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Bãi biển đẹp và nước trong xanh
Bến tầu du lịch trên đảo
Thuyền thúng đặc trưng trên đảo
Biển Cù Lao Chàm
Chùa Hải Tạng trên đảo Cù Lao Chàm
Giếng cổ Chămpa duy nhất trên đảo với nguồn nước ngọt không bao giờ cạn
Âu thuyền trên đảo Cù Lao Chàm toạ lạc giữa khu vực Bãi Làng và Bãi Ông thuộc thôn Xóm Cấm, là nơi neo đậu an toàn cho tàu thuyền, ca nô cao tốc khi mùa gió bão đến
Bãi Ông trên đảo Cù Lao Chàm
Quần thể 3 cây Ngô đồng trên đảo đã được xếp hạng cây Di sản Việt Nam
Bãi biển trên đảo với cát trắng và nắng vàng
Những rặng dừa rợp mát trên đảo
Những quán ăn phục vụ du khách trên đảo ngay bên bờ biển
Bãi Xếp Cù Lao Chàm với các rạng san hô đẹp tuyệt vời
Một góc đảo Cù Lao Chàm
Bãi Chồng với hình tượng đá chồng lên nhau 
Hải sản Cù Lao Chàm nổi tiếng rất bổ dưỡng, mặn nồng mùi vị biển, mang đậm dấu ấn văn hóa biển. Đến Cù Lao Chàm để thưởng thức hải sản, du khách nên ghé qua “chợ hải sản ăn liền” với nhiều hải sản ngon, bổ, rẻ, cho bạn thỏa sức lựa chọn
Mực tươi vừa đánh bắt
Đến Cù Lao Chàm, địa điểm tham quan khách du lịch không thể bỏ qua chợ Tân Hiệp, nằm ngay khu vực bến tàu. Chợ bán các đặc sản rừng, biển.
Đặc sản hải sâm khô
Bãi Hương, tên cổ của Làng Phú Hương, nằm ở cuối cùng phía nam của đảo Cù Lao Chàm, nơi đây ngư dân sinh sống bình yên với nghề bám biển và khai thác yến sào
Bạn đang đọc bài viết Cù Lao Chàm - khu dự trữ sinh quyển thế giới tại chuyên mục Khám phá của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục