Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội trọng điểm đã được thực hiện có hiệu quả.
Về chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, theo báo cáo của các địa phương, đến nay, đã hoàn thành hỗ trợ cho 113.861 hộ (trong đó có 60.074 hộ xây mới và 53.787 hộ sửa chữa, cải tạo); đang tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho khoảng 6.367 hộ.
Hiện Bộ Xây dựng đang tích cực chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai Chương trình; đang tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai; đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị tổ chức sơ kết, báo cáo về Bộ để có cơ sở chuẩn bị tổ chức Hội nghị sơ kết toàn quốc việc thực hiện chương trình.
Chương trình tôn nền vượt lũ đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 2) đã hoàn thành đầu tư xây dựng 178/179 cụm, tuyến dân cư và bờ bao (đạt 99%); đã bố trí cho 52.220 hộ khu vực ngập lũ vào ở (đạt 93,4%); đang tiến hành bổ sung thêm khoảng 130 dự án thuộc các khu vực sạt lở để triển khai trong giai đoạn 2016-2020.
Liên quan đến chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn, đã có khoảng 15.143/288.000 hộ dân được hỗ trợ vay vốn, với dư nợ khoảng 377/394 tỷ đồng mà Ngân hàng Chính sách xã hội đã giao chỉ tiêu cho 57 địa phương.
Về chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, đến nay đã có 88/95 dự án nhà ở sinh viên hoàn thành đưa vào sử dụng, bố trí cho khoảng gần 200.000 sinh viên; 07 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện. Số lượng sinh viên, học sinh đã được bố trí vào ở đạt tỷ lệ bình quân chung khoảng 82%.
Về chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp, đến nay, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 179 dự án, với quy mô khoảng 71.150 căn hộ, tương đương với khoảng 3,7 triệu m2, tổng mức đầu tư khoảng 25.900 tỷ đồng.
Hiện các địa phương đang tiếp tục triển khai 191 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 163.800 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 71.800 tỷ đồng.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, cả nước cần khoảng 1 triệu căn hộ, tương đương khoảng 50 triệu m2. Một số địa phương có nhu cầu NƠXH lớn như Hà Nội (110.000 căn), TP. Hồ Chí Minh (134.000 căn), Đà Nẵng (11.500 căn), Đồng Nai (36.700 căn), Bình Dương (41.250 căn)… Cũng đến thời điểm trên, nhu cầu về nhà ở cho công nhân rơi vào khoảng 1,6 triệu người (khoảng 12,8 triệu m2). Hiện các địa phương đang tiếp tục triển khai 191 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 163.800 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 71.800 tỷ đồng (gồm 70 dự án NƠXH cho công nhân KCN, 121 dự án NƠXH cho người có thu nhập thấp).
Vẫn theo Bộ Xây dựng, từ năm 2017, khoảng 70% nhu cầu thị trường tập trung vào phân khúc nhà ở có giá trung bình trở xuống. Từ đó có thể thấy, đầu tư vào NƠXH là xu hướng đúng và trúng của các nhà phát triển BĐS. Bởi tiềm năng và nhu cầu nhà ở phân khúc này là rất lớn trong giai đoạn đô thị hóa đang tăng cao./.