Aa

ĐHĐCĐ MB: Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn và thận trọng trong 2024

Thứ Sáu, 19/04/2024 - 11:34

Tại ĐHĐCĐ MB (MBB) diễn ra sáng 19/4, HĐQT Ngân hàng đã trình cổ đông phương án chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% và cổ phiếu tỷ lệ 15% trong năm 2024. Ngân hàng cũng đưa ra mục tiêu lợi nhuận khá khiêm tốn, chỉ tăng trưởng 6 - 8% so với năm 2023.

Chia cổ tức tỷ lệ 20%

Theo báo cáo của Hội đồng Quản trị (HĐQT), sau khi trích lập các quỹ, tổng lợi nhuận sau thuế để lại của MB đạt 18.952 tỷ đồng. Dự kiến, trong năm 2024, ngân hàng sẽ sử dụng 10.613 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông, với hai cấu phần.

Tổng cộng trong năm 2024, ngân hàng sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 20%. Trong đó, MB sẽ dành 2.653 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5%. Thời gian chia cổ tức bằng tiền mặt hiện vẫn chưa được công bố.

Với khoảng 7.959 tỷ đồng còn lại, MB sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%, giúp vốn điều lệ tăng thêm tương ứng. Thời gian thực hiện kế hoạch là trong năm 2024, theo chấp thuận của cơ quan chức năng.

Ngoài việc nâng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, MB cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu, tương đương mức tăng vốn điều lệ là 620 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là từ năm 2024 đến quý II/2025.

Được biết, vào đầu năm 2024, ngân hàng đã hoàn thành kế hoạch bán 73 triệu cổ phiếu cho hai cổ đông là SCIC và Viettel.

Như vậy, sau khi hoàn thành hai kế hoạch tăng vốn trên, vốn điều lệ của MB dự kiến sẽ tăng lên 61.643 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ MB: Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn và thận trọng trong 2024- Ảnh 1.

Toàn cảnh ĐHCĐ MB sáng ngày 19/4. (Ảnh: An ninh tiền tệ)

Đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 6 - 8%

Chia sẻ tại Đại hội, Chủ tịch HĐQT Lưu Trung Thái cho biết, năm 2023 tổng tài sản của Tập đoàn đạt gần 945.000 tỷ đồng, tăng 29,7% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 26.306 tỷ đồng, tăng trưởng 15,7% so với năm 2022, góp mặt trong Top 3 lợi nhuận toàn ngành.

Riêng ngân hàng, lợi nhuận đạt 24.688 tỷ đồng, tăng 21,5% so với năm ngoái, tăng trưởng tín dụng đạt 28,2%. Trong đó, dư nợ cho nhóm ngành ưu tiên theo định hướng của Chính phủ chiếm 65%.

Trên kết quả đạt được trong năm 2023, tại Đại hội, ngân hàng trình tới các cổ đông mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024. Theo đó, lợi nhuận trước thuế được ngân hàng đặt mục tiêu tăng từ 6 - 8% trong năm 2024, bằng một nửa so với mức thực hiện của năm ngoái và thấp hơn mục tiêu được công bố tại Hội nghị nhà đầu tư hồi đầu năm. Như vậy, có thể ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MB trong năm 2024 dự kiến đạt từ 27.884 - 28.411 tỷ đồng.

Trả lời chất vấn cổ đồng về việc đặt mục tiêu lợi nhuận 2024 từ 6 - 8%, Chủ tịch HĐQT Lưu Trung Thái cho biết, MB dự phòng NIM 2024 giảm và tăng trưởng tín dụng thấp. Thông thường quý I tăng trưởng tín dụng 4 - 5%, nhưng năm nay không tăng, đến thời điểm này chỉ tăng khoảng 0,23%. Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành năm 2023 tăng mạnh do đó áp lực dự phòng nợ xấu tăng lên. Vì vậy, ban lãnh đạo đề ra phương án an toàn.

"Năm nay, chúng ta bình tĩnh và chuẩn bị các điều kiện để bền vững hơn trong giai đoạn tới. Cụ thể, giai đoạn từ 2024 - 2029, MB kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực hơn, trung bình khoảng 12%/năm, tăng trưởng tín dụng khoảng 15%", ông Thái nói.

ĐHĐCĐ MB: Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn và thận trọng trong 2024- Ảnh 2.

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB. (Ảnh: An ninh tiền tệ)

Về chỉ tiêu tổng tài sản, ngân hàng đặt mục tiêu tăng 13%, tức đạt gần 1,068 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2024, trở thành ngân hàng tiếp theo vượt qua cột mốc 1 triệu tỷ sau nhóm Big4.

Về các chỉ số như ROE, ROA hay CIR, ngân hàng dự kiến sẽ thuộc top đầu trong ngành. Tới cuối năm 2024, MB muốn có được 30 triệu khách hàng và sẽ cán mốc 40 triệu khách hàng vào năm 2029.

Kịch bản này chưa tính đến trường hợp MB nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại. Nếu có thay đổi, ngân hàng sẽ báo cáo bổ sung ĐHĐCĐ sau khi có quyết định của Chính phủ và NHNN.

"Nếu được phê duyệt phương án nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng thì mức tăng trưởng của ngân hàng sẽ cao hơn", Chủ tịch Lưu Trung Thái cho hay.

Các vấn đề pháp lý của dự án Novaland đang được giải quyết

Trả lời chất vấn cổ đông về việc cho Novaland, Trung Nam vay, ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB cho biết, MB cho vay dựa trên các khoản dự án cụ thể, các khoản vay không đáng lo ngại do MB quản lý rủi ro và tài sản đảm bảo rất chặt chẽ.

Hơn nữa các vấn đề pháp lý tại các dự án ở Novaland cũng đang được giải quyết, tháo gỡ, dự kiến trong quý II này. Với nhóm Trung Nam, MB có cho vay 3 dự án điện mặt trời và cả 3 dự án này đều nằm trong Fit 1 và Fit 2 mà nằm ở vấn đề EVN chậm thanh toán. Nói chung, dự án của Trung Nam đúng là dòng tiền về chậm, nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động liên tục của khách hàng và MB. Đến thời điểm này chưa có nhiều quan ngại.

Tổng giám đốc MB cũng nhấn mạnh, năm ngoái MB đã thu hồi nợ được 2.400 tỷ đồng và hiện nay dư nợ không còn nhiều.

Xin lùi việc bầu HĐQT, Ban Kiểm soát mới

Tại ĐHĐCĐ năm nay, MB dự kiến bầu cử HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2024 - 2029. Theo đó, số lượng thành viên trong HĐQT là 11 người, với 1 thành viên độc lập. Số lượng thành viên của Ban Kiểm soát là 5 người.

Tuy nhiên, ông Lưu Trung Thái thông tin, Đại hội lần này chưa tiến hành các thủ tục bầu HĐQT, BKS nhiệm kỳ mới. Việc bầu sẽ được thực hiện trong ĐHCĐ gần nhất phù hợp với quy định.

Cũng tại Đại hội, HĐQT cũng đề xuất thông qua một số nội dung đáng chú ý như cho phép HĐQT xem xét, chuyển đổi hình thức pháp lý của Ngân hàng MBCambodia, chi nhánh MB Lào. Tại Hội nghị nhà đầu tư đầu năm, ngân hàng tiết lộ dự kiến sẽ chuyển một phần vốn của MB Campuchia cho một đối tác chiến lược để tăng năng lực quản trị điều hành.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top