Có rất nhiều chuyến đi trong một phần đời làm báo của tôi, vừa suôn sẻ thuận lợi, vừa gặp hạn lạc đường. Sợ nhất sự mê đi hay dẫn đến lạc đường. Nhưng có chuyến đi lạc đường, lạc rừng nhớ đời, phía sau sợ hãi vô chừng, lần thì lạc ở rừng Cát Bà, lần thì một mình một thuyền ở rừng U Minh Hạ gặp mưa lật thuyền, may được cứu vớt nhờ bác Hai Xuôi. Rồi lần sang Ấn Độ, chuyến đi bão táp lạc đường khi rong ruổi từ Bodhgaya đến miền Varanasi. Ám ảnh mãi không quên, giờ nhớ lại như một thước phim lưu trữ trong tim mình, cộm lên.
Sau lần "va đập" ở một nơi xa lắc xa lơ kia, lại thấy nghề viết cho mình những hai số phận, số phận mình ngoài đời và số phận người trên trang viết, với những bông cúc vạn thọ vàng sậm, nở vừa đủ để nhớ lại. Tôi thầm cảm ơn cậu lái xe chỉ độ hai lăm tuổi, và sư thầy Từ Tâm, đã cho tôi đi hết tứ thánh địa Phật giáo.
Khi ở chùa Kushinagar nhìn thấy những bông cúc vạn thọ cứ như dải thảm dưới chân trong hành trình dài ở miền Tây Ấn, khi đi qua những thánh tích linh thiêng của Ấn Độ và Nepal, để được nhìn và nghĩ gần về cõi người hạnh phúc hay đau khổ trên quả đất này, nỗi đau khổ có thực giống nhau hay khác nhau trong sự đói nghèo?
Khi tôi đến Bồ Đề Đạo Tràng, nhìn thấy hoa cúc vạn thọ treo từng dây trước chùa, sau chùa và gần như khắp nơi đều có hoa cúc vạn thọ. Người thành kính mộ đạo trên thế giới đến đây rất đông. Tôi nhìn thấy Phật trên ánh đèn mờ tỏ sau dòng người xếp hàng dài dằng dặc, và nhìn những bông cúc vàng hoe được xâu thành chuỗi treo trên tường xung quanh chùa thiêng. Hoa cúc đặt từng bát trên lối đi xung quanh nơi lễ bái của những người Tây Tạng ven chùa Bồ Đề Đạo Tràng. Họ thành kính, ăn chay trường, niệm Phật. Họ nằm sấp mặt trên chiếc khăn trải trên lối đi bên cạnh chùa cầu nguyện. Tôi không rõ họ xin gì ở Phật, nhưng nhìn gương mặt rất hiền lành và da dẻ của họ đỏ đắn, khỏe mạnh và cầu cạnh hạnh phúc rất giản đơn. Tôi nghĩ người vùng Tây Tạng thật hạnh phúc, từ chân núi Himalaya đến đây chỉ để mong muốn giản dị, được sống bình yên trong thế giới an lành.
Nhưng khi bước ra khỏi chùa Bồ Đề Đạo Tràng thì gặp rất nhiều người cùng khổ, chầu chực ăn xin ở đây. Họ ngồi thành dãy dài xin bổng lộc của chùa. Tôi lại ước mong sao Phật độ cho những người sinh sống gần bang Bihar này bớt đi sự đói nghèo cơ hàn, để họ đỡ phải vạ vật kiếm ăn kiểu chìa tay ra thế kia. Có rất nhiểu kiểu chìa tay ra và cách nắm giữ đồng tiền, cách nắm giữ đồng tiền cũng nói lên nhân cách của từng người, nhưng cách xin này thường nhật ám vào tôi khi ngồi trên sông Hằng, khi nín thở, chụp lén cái dàn thiêu người bên sông kia. Nếu không chụp qua chiếc khăn rộng và giảm âm thanh của máy, chắc hẳn máy ảnh của tôi đã bị ném xuống sông Hằng rồi.
Tôi cũng đi qua Lâm Tỳ Ni (Lumbini) tiếng Phạn, nơi có khu vườn đẫm xanh vẫn giữ lại phần còn lại của cung điện Ca Tỳ La Vệ, nó đánh thức người đến, nên mở lại trang sách xưa về Phật giáo, với một chặng dài để chuyển tải kinh pháp đến với nhân loại, đến với cả phận con ong cái kiến có đức tin ở Người! Khi dừng chân ở chùa Kushinagar, nơi đức Phật nhập niết bàn, trời còn mờ sương đã thấy từng đoàn khách châu Á xếp hàng dài chờ lễ Phật, cũng cầm trên tay từng chuỗi cúc vạn thọ dâng người. Ở nơi này rộng lớn, xửa xưa có cả rừng cây Ta La, và vương quốc giàu sang cũng mờ mờ ảo ảo nằm giấu đâu đó trong cát và trong gạch đỏ mòn di tích.
Ảnh: HVH
Nhưng nhờ chuyến đi lạc đường của cậu lái xe người Ấn, mà chặng đường khoảng 200 cây số đến Sarnath, tôi được chứng kiến một ngày đường xem nông thôn đầy lúa và hoa cải vàng của đất nước Nepal với nhiều nhà xây bằng đất thó trong nắng trưa. Vẫn là đàn bò mà phân bò rất được coi trọng, họ đem phơi khô để dùng đun nấu. Hạt lúa cũng phơi phóng, xay, giã, giần sàng, thủ công như dân Việt Nam ta xưa. Còn một sự khác nữa là trên dây phơi, trên cây rơm của vùng nông thôn, xứ Ấn hay xứ Nepal là những dây phơi không tìm đâu để thấy những cúc áo. Chợ Nepal không bán cúc áo, chợ Ấn Độ cũng không có bán cúc ở các hàng xén hay tạp hóa.
Trưa ấy, trong trưa ấy tôi thấy nhiều bà già trẻ con phơi nắng và hong tóc. Dừng chân ở một thôn nhỏ ven đường còn được chứng kiến cảnh bữa ăn làm bằng bột mỳ và gia vị nướng trên chảo không hề có mỡ. Rất nhiều lọ đựng gia vị với các loại lá và mùi thơm hăng hắc, thơm dịu mà tôi không biết tên, nó được trộn với bột làm nên thứ bánh bột mì hương vị Nepal khó quên.
Những ngôi nhà đất thó ở đó, lụp xụp hơn những ngôi nhà đất thó tường trình ở cao nguyên đá (Hà Giang - Việt Nam), mới hay đi một ngày đàng chưa có một sàng khôn, nhưng cho tôi nhận ra, nước ta một vùng núi đá Hà Giang tuyệt đẹp đến nhường nào. Nó khác vời những thánh tích xứ này. Dù văn hóa của thánh tích là những bảo tàng văn hóa Phật giáo có tự ngàn đời. Nó là lịch sử của rêu phong hoang hoải, là sự hưng thịnh hay phế truất đã qua nhiều thời đại, nhưng nền đất thánh tích vẫn uy nghi như sử sách không viết chữ.
Thật ấn tượng với tháp (Stupa), nơi vua A Dục xây sau 300 năm khi đức Phật nhập diệt. Nơi này hẻo lánh, vắng vẻ, vẫn có những nhà sư ngồi thiền định đẹp như tượng sống trong không gian này. Tâm thế nhà sư thanh thản, vị sư ấy ngồi thiền từ lúc có nắng đến xế trưa. Chẳng rõ tên tuổi sư ông nhưng nhìn gương mặt hiền lành, an nhiên ấy, nhận ra xung quanh cuộc đời trần gian bề bộn, tham vọng dường như không có ở một người hành thiền kia. Nhưng vẫn tự vấn mình, nếu con người không có khát vọng thì làm sao có được những đền đài tình yêu như ngôi đền Ta Mahal ở cố đô Agra, và dãy kiến trúc pháo đài đỏ bằng đá đỏ do vua Shah Jchan (1627 - 1658) xây dựng? Không có khát vọng thì cuộc đời sẽ ra sao nhỉ, lễnh loãng nhạt nhẽo trong êm dịu, hay cứ vô tích sự, để sống thọ?
Tháp do vua A Dục xây sau 300 năm Phật nhập diệt
Rồi cũng đến được miền Sarnath khi 2 giờ sáng, vườn Lộc Uyển với thiên nhiên đẫm xanh, tươi mát ấy cho ta thêm nhiều năng lượng để hy vọng. Sau này tôi còn trở lại đền Ta Mahar đứng lặng với đá cẩm thạch trắng, không thấy cúc vạn thọ như ở Bồ đề đạo tràng, càng không có hoa cúc vàng nhạt thả trên sông Hằng cúi xuống với người đã khuất. Lúc đi thì cứ đi thôi, đôi giầy vạn dặm ghi chép, chụp choẹt, rồi vẫn chưa hiểu ra, sau phải đọc sách nhiều năm, mới vỡ ra cung đường mình đi đã có bao nhiêu biến thiên của đền đài và số phận, của kinh đô Phật giáo xứ Ấn và xứ Nepan, còn bao sự ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Mới đây tôi ngồi xem những thước phim về sư thầy Huyền Diệu, những ngày thầy Diệu khát khao xây dựng chùa Việt Nam Phật quốc ở Nepan và thầy đã làm được sau nhiều năm. Mới hay sự khát khao của một công dân Việt nhỏ bé ở xứ người, đã làm nên một ngôi chùa hơi thở Việt, trong không gian rộng còn có cả một ngôi chùa Một Cột trên đất khách quê người; người xem kính trọng thầy Huyền Diệu, thầy yêu nước theo cách lặng lẽ của mình, cách giữ lửa và cho lửa, cách giữ nước và cho nước của thầy không hề mất đi và được nhân lên nhiều người, khi dám đi nhiều, hiểu rộng. Sự hiểu biết cũng làm cho ta ấm áp hơn, hạnh phúc, nhẹ nhõm hơn phải không hoa cúc vạn thọ?