Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận và đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những quan điểm phát triển vùng rõ ràng, xác đáng.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị cơ quan chủ trì lập quy hoạch, các bộ, ngành, địa phương cần phân tích để làm rõ việc triển khai thực hiện quy hoạch 2008 đến nay vẫn còn chậm.
“Cần trả lời thật rõ lý do, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục cho bằng được. Câu hỏi đầu tiên là nguồn lực. Cần xác định rõ nguồn lực cho việc thực hiện quy hoạch. Phải chăng có một số dự án chưa có đủ quy hoạch chi tiết? Hoặc cơ chế phối hợp vùng còn chưa hiệu quả?” ông Nguyễn Thiện Nhân nêu vấn đề.
Trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị Trung ương cần tiếp tục ưu tiên bố trí đủ nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giao vốn trung hạn cho các dự án, đặc biệt là các dự án kết nối vùng, liên vùng.
Về lâu dài, lãnh đạo TP.HCM cho rằng, Trung ương cần có sự quan tâm, ưu tiên đầu tư để phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối liên vùng tương xứng với đóng góp của khu vực vào nền kinh tế. Hiện tại, theo tính toán, vùng TP.HCM chiếm 9,2% diện tích cả nước, khoảng 21% dân số, nhưng đang đóng góp tới gần 43% GDP cả nước, riêng năm 2017 dự kiến thu ngân sách chiếm 40% cả nước.
Về nguồn lực, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng cần có cơ chế để xã hội hoá đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, bởi nếu không thì sẽ dẫn đến tình trạng quy hoạch tổng thể rất tốt, nhưng kế hoạch triển khai thực hiện không tốt.
“Đối với đường vành đai 3 của vùng, nên chăng Nhà nước xác định tổng mức đầu tư, khả năng đầu tư từ ngân sách, phần còn lại các địa phương cùng tham gia, chỉ có như thế mới có thể đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện hệ thống đường vành đai 3 khép kín”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Theo lãnh đạo Thành ủy TP.HCM, trước mắt cần xác định rõ 4 nội dung liên kết trung tâm của cả vùng. Trước hết là kết nối về giao thông, bởi mỗi địa phương không thể riêng lẻ đầu tư các công trình giao thông lớn, có khả năng kết nối vùng. Thứ hai là việc liên kết giữa các địa phương trong quản lý sông, nguồn nước, chống ngập, xâm nhập mặn. Thứ ba là kết nối về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và thứ tư là việc xây dựng một trung tâm tài chính chung.
Đồng thời đề nghị cần làm rõ nguồn lực, tính khả thi của quy hoạch, ưu tiên đầu tư những công trình cấp bách nhất, có tính lan toả.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc triển khai thực hiện quy hoạch vùng TP.HCM năm 2008 đã tạo cơ sở khoa học và pháp lý quan trọng để xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển cụ thể của từng địa phương và của cả vùng.
“Việc triển khai quy hoạch 2008 đã thay đổi tư duy phát triển từ riêng lẻ từng địa phương theo địa giới hành chính sang phát triển vùng, tăng tính kết nối, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, tạo ra sức mạnh tổng thể của cả vùng”, Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, định hướng quy hoạch vùng năm 2008 cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
“Cách tiếp cận quy hoạch vùng còn thiếu năng động, chưa theo kịp với những thay đổi nhanh trong quá trình phát triển. Các thách thức về biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sụt lún… còn chưa được tính toán hết; các dự báo về lao động, phát triển kinh tế phi chính thức, kinh tế địa phương chưa được quan tâm đúng mức; chưa nhấn mạnh phát triển vùng trung tâm và vai trò của các địa phương trong vùng”, Phó Thủ tướng nói.
Về quá trình xây dựng và hoàn thiện Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng đồ án đã được nghiên cứu nghiêm túc, công phu, tuân thủ đúng trình tự hiện hành về quy hoạch xây dựng. Đã được tiếp thu tối đa ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước, ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các hội nghề nghiệp...; đã đưa ra các ý tưởng mới trên cơ sở khoa học, kinh nghiệm quy hoạch vùng tại một số quốc gia phát triển.
Về mô hình phát triển, Phó Thủ tướng đánh giá cao đề xuất mô hình phát triển tập trung-đa cực, bảo đảm sự cân bằng và thích ứng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; được phân làm 4 tiểu vùng và các trục hành lang kinh tế trọng điểm với những định hướng phát triển không gian phù hợp với các yếu tố đặc thù của điều kiện tự nhiên; điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật; trình độ phát triển kinh tế.
Đối với tiểu vùng đô thị trung tâm, TP.HCM là đô thị hạt nhân trung tâm của vùng; TP. Bình Dương là đô thị động lực phía bắc; TP. Biên Hòa-Long Thành-Nhơn Trạch là vùng đô thị động lực phía đông; đô thị Củ Chi-Hậu Nghĩa-Đức Hòa là các đô thị động lực vùng phía tây bắc; các đô thị Bến Lức-Cần Giuộc-Hiệp Phước là các đô thị sinh thái phía tây nam.
“Tiểu vùng đô thị trung tâm có vị trí trung tâm của toàn vùng, có tốc độ và tỷ lệ đô thị hoá cao; nổi bật với các thế mạnh về công nghiệp công nghệ cao và chuyên sâu, đào tạo, y tế, đầu mối giao thương kết nối với quốc tế. Phát triển không gian về phía đông và đông bắc, xây dựng mô hình đô thị nén và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức hệ thống giao thông đồng bộ, tăng cường không gian xanh dọc các sông Sài Gòn, sông Đồng Nai; duy trì và phát triển các hành lang xanh nhằm giảm nguy cơ ngập lụt; bảo tồn không gian sinh quyển Cần Giờ”, Phó Thủ tướng nói.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tiếp thu các ý kiến tại hội nghị để hoàn thiện Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM.
Theo Phó Thủ tướng, bản quy hoạch điều chỉnh phải làm nổi bật tính chất của vùng TP.HCM là vùng đô thị lớn, động lực phát triển kinh tế hàng đầu của quốc gia, là vùng đô thị hóa cao, có chất lượng, có vai trò vị thế chiến lược trong khu vực Đông Nam Á, châu Á-Thái Bình Dương, có sức cạnh tranh cao trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh tầm quan trọng và cơ hội của vùng phát triển phía đông, khai thác lợi thế, tiềm năng khu vực ven biển phát triển các đô thị du lịch; vùng phát triển phía bắc gắn với trục hành lang Quốc lộ 51 và Quốc lộ 22. Đây là những cửa ngõ quan trọng về cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu để giao lưu hội nhập quốc tế.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cần đánh giá, làm rõ hơn về vị trí, chức năng của các tỉnh trong mối quan hệ vùng để phát huy lợi thế của các địa phương trong vùng. Làm rõ mối liên kết giữa các khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp, ngư nghiệp, khu du lịch, các khu bảo vệ di sản, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, các khu bảo tồn đa dạng sinh học, các trung tâm tài chính, văn hóa, y tế, thể dục thể thao... theo định hướng các quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Đồ án quy hoạch mới cũng phải dự báo các nguy cơ của việc tập trung dân số vào vùng đô thị trung tâm, những ảnh hưởng của hiện tượng thiên nhiên bất thường và các tác động bất lợi đối với sự phát triển của vùng... từ đó khuyến nghị các yêu cầu đối với quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và quy hoạch chung đô thị trong vùng.
Để việc triển khai hiệu quả quy hoạch sau khi được phê duyệt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngay từ Đồ án phải tích, làm rõ hơn sự phù hợp, mức độ khả thi của các giải pháp quy hoạch và tầm nhìn với nguồn lực thực hiện. Ưu tiên quy hoạch, đầu tư, xây dựng các dự án hạ tầng có tính chất kết nối nội vùng và liên vùng, từ đó tạo động lực để phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu phải làm rõ các giải pháp kết nối giao thông nội vùng, liên vùng.
Đối với mô hình quản lý vùng, trên cơ sở Quyết định 941/QĐ-TTg ngày 25/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Tổ chức điều phối phát triển vùng kinh tế trọng điểm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu đơn vị chủ trì, cơ quan tư vấn lập Đồ án cần nghiên cứu và đề xuất thêm những nội dung phù hợp với mô hình quản lý của vùng đô thị lớn, đảm bảo đạt hiệu quả trong công tác thực hiện quy hoạch./.