Đoàn đã tham quan nơi được gọi là Cực Nam của Việt Nam - nơi mà "đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi", được ví von qua câu thơ "Mắm trước, đước sau, tràm theo sát/Sau hàng dừa nước mái nhà ai".
Du lịch Đất Mũi - Điểm đến với thiên nhiên
Được biết, Khu Du lịch quốc gia Mũi Cà Mau có diện tích khoảng 20.100ha. Trong đó, khu vực tập trung phát triển có diện tích khoảng 2.100ha, đây là khu vực vùng lõi, tập trung phát triển của khu du lịch quốc gia, trung tâm hạt nhân của khu du lịch quốc gia với các công trình du lịch, trung tâm dịch vụ, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng sinh thái rừng ngập mặn; bao gồm các khu chức năng chính: Khu Công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau, khu du lịch sinh thái rừng biển, khu du lịch cộng đồng sinh thái làng rừng, khu du lịch sinh thái làng nghề sản xuất và khu du lịch tổng hợp Khai Long.
Điểm nhấn của Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau nằm ở khu vực Mũi Cà Mau - điểm đất liền duy nhất ở Việt Nam có thể ngắm được mặt trời mọc và lặn trên biển, là nơi hấp dẫn du khách bởi giá trị đặc trưng của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau - lá phổi xanh của tỉnh, gắn hệ sinh thái rừng ngập mặn, các loài động, thực vật phong phú, đa dạng; khí hậu trong lành cùng cụm đảo Hòn Khoai hoang sơ, bình yên; văn hóa đời sống sông nước mang đậm bản sắc vùng đất Nam Bộ thể hiện qua lối sống, kiến trúc nhà ở, nghề truyền thống và văn hóa ẩm thực.
Đầm Thị Tường (còn có tên là Đầm Bà Tường) cách TP. Cà Mau khoảng 01 giờ ngồi trên cao tốc, nằm cạnh kênh xáng Bà Kẹo, nối ra Vịnh Thái Lan qua con sông Mỹ Bình. Đầm nằm giáp ranh giữa 3 huyện Phú Tân, Cái Nước và Trần Văn Thời. Trong đó, diện tích lớn nhất thuộc huyện Phú Tân. Đầm Thị Tường có diện tích mặt nước khoảng 700ha, chiều dài hơn 10km, rộng khoảng 2km, nơi hẹp nhất khoảng 800m, được chia làm 03 đoạn: Đầm trên, Đầm giữa và Đầm dưới. Đầm không sâu nhưng luôn giữ được mực nước trên, dưới 1m. Đây là dấu tích biển lùi và quá trình phù sa bồi đắp vùng Bán đảo Cà Mau còn dang dở.
Năm 2007, Căn cứ Tỉnh ủy tại Xẻo Đước được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, nơi đây được xây dựng tượng đài và nhà trưng bày bổ sung di tích. Năm 2015, di tích được phục dựng thêm các khối nhà: Nhà Bí thư, Hội trường, Nhà họp Ban Thường vụ, Văn phòng, Nhà ăn, Nhà văn thư - đánh máy, Nhà Mã thám, Chốt đội phòng thủ... nhằm tái hiện lại không gian căn cứ xưa, lưu dấu, bảo tồn những giá trị lịch sử của một chặng đường kháng chiến, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về lịch sử của người dân trong và ngoài tỉnh.
Trong chuyến trải nghiệm tour thực tế, các đại biểu tham dự đánh giá, đây là các địa điểm được đánh giá là có tiềm năng, giá trị về lịch sử, tài nguyên thiên nhiên, ẩm thực phong phú… có sự khác biệt và có thể kết nối tạo thành các tour du lịch trải nghiệm cho du khách, các nhóm gia đình và phù hợp với xu thế du lịch ngắn ngày của nhiều đối tượng khách du lịch. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả hơn nữa trong cách làm và phát triển các điểm du lịch thì chính quyền cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư hạ tầng, đường giao thông, công tác vệ sinh môi trường và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch… Đặc biệt, là phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe để thư giãn tinh thần và cân bằng cuộc sống. Vì sự ưu đãi của đất trời cho Đất Mũi một không gian xanh, gần gũi thiên nhiên… Điều này mang lại cảm giác tâm trạng thư thái và gác lại mọi bộn bề của cuộc sống để tập trung tận hưởng, giúp du khách tái tạo năng lượng.
Lan tỏa sự "hiếu khách" tới khách du lịch gần xa
Anh Nguyễn Trung Kiên (Điều hành Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ - xây dựng - du lịch Hoàng Hôn, ấp Đất Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) cho biết: "Ða phần du khách đặt chân đến Điểm du lịch sinh thái Hoàng Hôn ở đất cuối trời Tổ quốc, được ngắm hệ sinh thái rừng ngập mặn để trải nghiệm hòa mình với thiên nhiên. Đồng thời, du khách tự tay trồng đước; cùng sống với người dân; đi câu cua, soi ba khía, xổ vuông tôm; thưởng thức các món ngon dân dã. Đặc biệt hơn được trải nghiệm bắt nghêu, chèo Sup (mô hình mới) để giới trẻ ngắm hoàng hôn tại Mũi Cà Mau… Thời gian tới, điểm du lịch sinh thái Hoàng hôn xây dựng thêm nhiều mô hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm thú vị với những tour mới… Song song đó, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn trên tuyến xuyên rừng; phục dựng lại nhà ba gian không cửa, xây dựng cầu khỉ trong rừng để du khách check-in... Qua đó, đáp ứng nhu cầu du khách nghỉ ngơi và thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương"…
"Thời gian qua, ngành du lịch Cà Mau mời các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp, Công ty lữ hành... tham gia trải nghiệm, giới thiệu các điểm đến, sản phẩm du lịch của Cà Mau để tăng hiệu quả lan tỏa tới khách du lịch gần xa. Thông qua các chuyến đi khảo sát với góc nhìn đa chiều, ngành du lịch nhận thêm nhiều góp ý và gợi mở hướng khắc phục để Cà Mau trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách.
Cũng qua chuyến khảo sát này, nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá các điểm du lịch trọng tâm, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch đến những thị trường trọng điểm thông qua các phương tiện truyền thông, các đơn vị lữ hành, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; tạo điều kiện để các tổ chức và cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực du lịch trao đổi, kết nối, định hướng xây dựng và khai thác các tour, tuyến du lịch hiệu quả hơn trong thời gian tới của Cà Mau. Nhất là loại hình du lịch sinh thái và du lịch sinh thái cộng đồng…", ông Trần Xuân Trường - Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau) cho biết.