Đưa Bình Thuận trở thành trung tâm mang tầm quốc gia về du lịch thể thao biển

- 12:01, 13/05/2017 G5T+7 - Phạm Trần

Bình Thuận phải tập trung khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, lợi thế, phát triển thành trung tâm mang tầm quốc gia về công nghiệp năng lượng, quản lý dự trữ - khai thác - chế biến titan và du lịch thể thao biển, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu trở thành một tỉnh có trình độ phát triển cao trong Vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trên là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Thông báo số 218/TB-VPCP. Thông báo cho biết, năm 2016 Tỉnh Bình Thuận phát triển khá toàn diện, nhiều chỉ tiêu đạt cao so với cùng kỳ năm trước. Công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo; hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh, tạo thuận lợi để thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, khoảng cách phát triển giữa các vùng trong tỉnh còn lớn; kinh tế biển phát triển chậm, thiếu bền vững; chưa khai thác đầy đủ, hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch; phát triển doanh nghiệp tuy đạt một số kết quả nhưng còn thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước...

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bình Thuận phải tập trung khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế, phát triển thành trung tâm mang tầm quốc gia về công nghiệp năng lượng, quản lý dự trữ - khai thác - chế biến titan và du lịch thể thao biển, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu xây dựng Bình Thuận trở thành một tỉnh có trình độ phát triển cao trong Vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Tập trung nâng tầm chiến lược và quy hoạch phát triển, trong đó tập trung đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư; tập trung tháo gỡ khó khăn phát triển mạnh doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp; coi phát triển doanh nghiệp là then chốt trong phát triển kinh tế; phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 có trên 7.000 doanh nghiệp.

Tỉnh Bình Thuận phải đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và cơ cấu nội ngành theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng thế mạnh là du lịch, kinh tế biển, năng lượng.

Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đưa du lịch thực sự là động lực phát triển của Tỉnh; tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, các hình thức liên doanh, liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong và ngoài tỉnh; đưa Bình Thuận trở thành một trong những địa phương đi đầu trong Vùng về du lịch, phấn đấu thu hút khoảng 8 triệu lượt khách vào năm 2020, trong đó khách quốc tế trên 1 triệu lượt.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển tổng hợp kinh tế biển nhằm phát huy các lợi thế, tiềm năng của tỉnh gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo; trong đó, tập trung cho vận tải, dịch vụ cảng biển, du lịch biển đảo; đẩy mạnh đánh bắt, nuôi trồng và chế biến hải sản; hỗ trợ ngư dân hiện đại hóa phương tiện đánh bắt xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần và chế biến trên biển.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh phát triển công nghiệp cần tập trung đi sâu vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh, nhất là năng lượng; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại nông nghiệp, tăng cường liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới, chủ động phòng chống thiên tai, khô hạn và ứng phó biến đổi khí hậu; tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền; xây dựng chính quyền các cấp trong Tỉnh trở thành chính quyền đối thoại, lắng nghe và đồng hành với doanh nghiệp, người dân. Bình Thuận phải cải thiện mạnh mẽ chỉ số cải cách hành chính và xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (phấn đấu năm 2017 đứng trong nhóm 20 tỉnh đứng đầu); phải tạo được tinh thần cầu thị lắng nghe trong cả hệ thống hành chính, tạo chữ tín trong giải quyết công việc, tạo động lực làm việc cho cán bộ công chức.

Tăng cường quản lý tài nguyên, đất đai, môi trường và rừng gắn với phát triển bền vững; đặc biệt giám sát chặt chẽ ô nhiễm ở khu vực nhiệt điện Vĩnh Tân - đây là nhiệm vụ rất quan trọng để vừa nâng cao chất lượng sống của người dân, vừa tăng thêm tính hấp dẫn cho một trung tâm dịch vụ - du lịch hàng đầu...

Bạn đang đọc bài viết Đưa Bình Thuận trở thành trung tâm mang tầm quốc gia về du lịch thể thao biển tại chuyên mục của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục