"Giấc mơ đô thị vệ tinh" và bài học Hà Nội không thể bỏ qua

- 22:42, 30/01/2017 G1T+7 - Theo Tuệ Khanh/ Vnmedia

Viễn cảnh đô thị vệ tinh "trong mơ" của những nhà quy hoạch vẽ ra rất khác những gì thực tế đã xảy ra khi nông dân không còn đất đã tràn vào thành phố bán hàng rong, chạy xe xích lô, bới rác… là bài học từ Maninla mà Hà Nội không thể không xem xét…

Giấc mơ đô thị vệ tinh

Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-Ttg ngày 26/7/2011 thì Thủ đô Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị, bao gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh. Mỗi đô thị vệ tinh có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với khu vực đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ…

Đến nay, 4/5 đô thị vệ tinh đã được UBND Thành phố phê duyệt quy hoạch chung là Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc sơn và Hòa Lạc. Trong đó, mỗi đô thị có vai trò, chức năng riêng như Hòa Lạc là khoa học - công nghệ và đào tạo; Sơn Tây là đô thị văn hóa – lịch sử, du lịch – nghỉ dưỡng; Xuân Mai là đô thị dịch vụ, công nghiệp và hỗ trợ; Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa; Sóc Sơn là đô thị phát triển về công nghiệp sạch, dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái; trung tâm y tế, khu đại học tập trung.

Viễn cảnh đô thị Hòa Lạc

Viễn cảnh đô thị Hòa Lạc

Từ các định hướng quy hoạch đô thị vệ tinh, các sở, ngành liên quan sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện theo lĩnh vực của mình như giao thông vận tải, giáo dục đào tạo…

Khi nghiên cứu quy hoạch đô thị vệ tinh, các nhà quy hoạch đã đưa ra những lập luận về động lực phát triển của các đô thị vệ tinh, cụ thể như việc khai thác tiềm năng thu hút đầu tư; tạo ra nhiều cơ hội việc làm, nhà ở, dịch vụ…, đáp ứng nhu cầu sống tốt hơn; là khả năng kết nối hạ tầng giao thông, chia sẻ chức năng đô thị trung tâm.

Và bài học từ Manila

Tuy nhiên, theo KTS Trần Huy Ánh, đó mới là những mong muốn chủ quan, còn bài học thực tế xây dựng thành phố vệ tinh Quezon (Philippines) để thay thế cho thành phố Manila cũ cách đây 50 năm cho thấy những kết quả rất khác.

Giắc mơ đô thị vệ tinh Hòa Lạc vẫn còn xa vời

Giắc mơ đô thị vệ tinh Hòa Lạc vẫn còn xa vời

Manila vốn chỉ là thành phố cảng nằm bên vịnh biển. Thành phố này gần như đã bị san phẳng sau những trận bom thế chiến II. Sau đó, Manila đã tái thiết bằng cách lập đô thị vệ tinh mới như Quezon, có trụ sở chính phủ, Hạ viện và trường đại học quốc gia; Pasig có trụ sở thượng viện Makati là trung tâm tài chính ngân hàng… Mỗi thành phố vệ tinh cách Manila bằng 10-15km, kết nối bằng đường cao tốc giãn cách bởi vành đai chuối, mía, ruộng lúa.

Thập kỷ 1970 – 1990, đồn điền bao quanh thành phố biến mất trong cơn lốc đô thị hóa, 16 thành phố vệ tinh dính với Manila thành Metro Manila – đại đô thị không có ngoại ô.

Nông dân không còn đất làm nông nghiệp nữa, tràn vào thành phố bán hàng rong, chạy xe 3 bánh, xích lô, jeepny, bới rác và làm đủ các việc không tên.

Ngày nay, Metro Manila có trên 11 triệu người, diện tích 638km2. Hàng ngày, thêm 2-3 triệu người lân cận vào kiếm việc làm. Trên vịnh Manila có khu ổ chuột nổi trên biển, có quy mô lớn tầm cỡ thế giới nằm ngay bên cạnh những tòa nhà sang trọng, rực rỡ ánh đèn.

Thành phố vệ tinh Quezon vốn là nơi kỳ vọng trở thành đô thị hiện đại sang trọng, nay nằm kẹt giữa khu dân cư đông đúc, thậm chí còn không đủ không gian thoát nước. Nó có tên trong các vị trí ngập nước sâu nhất, lâu nhất mỗi khi Metro Manila xuất hiện những trận mưa lớn.

“Bài học trên cho thấy viễn cảnh đô thị vệ tinh của những nhà quy hoạch vẽ ra sẽ rất khác những gì thực tế. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu những cư dân mới trong các đô thị vệ tinh sẽ không đúng theo bản vẽ? Mặc dù trước khi phê duyệt quy hoạch các đô thị vệ tinh, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định về biện pháp, lộ trình di dời cơ sở ô nhiễm, trường đại học, bệnh viện… và các đô thị vệ tinh sẽ gánh vác trọng trách này. Nhưng nguy cơ tính một đằng, kết quả ra một nẻo rất tiềm tàng.” - KTS Trần Huy Ánh cảnh báo.

Đưa ra một ví dụ cụ thể là đô thị vệ tinh Hòa Lạc, và so sánh với khu công nghệ cao của Manila, KTS Trần Huy Ánh cho biets, Manila là thủ đô của Philippines, có đô thị đại học được quy hoạch rộng lớn, trong đó có khu công nghệ cao. Tuy vậy, nhưng hinh ảnh cho thây hàng chục năm nay, khu này chậm phát triển bệnh cạnh một thế giới thay đổi từng ngày.

Một quốc gia nói tiếng Anh, đã kêu gọi đầu tư nước ngoài từ những năm 1970. Đất nước 90 triệu dân, nhận kiều hối 18 tỷ USD mỗi năm từ xuất khẩu lao động, tuy vậy, không mấy ai biết đên những trung tâm công nghệ cao đã có ở Manila.

“Hiện thực của Manila nhắc nhở chúng ta là, “không phải giấc mơ nào cũng thành hiện thực và hiện thực rất khác những giấc mơ” - KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh.

Bạn đang đọc bài viết "Giấc mơ đô thị vệ tinh" và bài học Hà Nội không thể bỏ qua tại chuyên mục của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục