Không còn căn hộ dưới 60 triệu/m2
Mới đây, tại buổi họp báo về thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2025 diễn ra vào ngày 15/7, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) thông tin cho biết, trong quý II/2025, thị trường bất động sản đã ghi nhận hơn 36.000 sản phẩm nhà ở mới, gấp hơn 2,5 lần quý trước và tăng 90% so với cùng kỳ năm 2024, theo Tạp chí VnEconomy.


Diễn biến thị trường BĐS trên cả nước trong 6 tháng vừa qua.
Theo thống kê, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2025, tổng cung nhà ở đạt ngưỡng khoảng 64.000 sản phẩm, trong đó có hơn 51.000 sản phẩm mới, còn lại là hàng tồn kho vẫn đang tiếp tục được chào bán.
Tuy nhiên, dù có nhiều diễn biến tích cực về nguồn cung nhưng một trong vấn đề tồn đọng hiện nay chính là sự mất cân đối về cơ cấu nguồn cung.
Hiện nay, thị trường chủ yếu mở bán căn hộ cao cấp và hạng sang gần như không có căn hộ thương mại dưới 60 triệu đồng/m2.
Theo nhận định của Lê Đình Chung - Thành viên Tổ công tác nghiên cứu thị trường VARS, khả năng giảm giá "gần như không có".
Vì đâu giá nhà khó "hạ nhiệt"?
Tại cuộc họp báo này, VARS đã chỉ ra các nguyên nhân khiến giá nhà tiếp tục ở mức cao dù nguồn cung đã được cải thiện, dẫn đến việc khó có thể kỳ vọng vào việc giá BĐS sẽ hạ trong thời gian tới, theo Tạp chí Doanh nghiệp Hội nhập.
Một trong những nguyên nhân đầu tiên chính là việc dù nguồn cung được cải thiện nhưng vẫn còn "thiếu và yếu" so với nhu cầu thực tế.
Hiện nay cơ cấu nguồn cung vẫn chưa tìm được điểm "cân bằng". Thị trường hiện nay chủ yếu là các sản phẩm cao cấp, được dẫn dắt bởi các chủ đầu tư lớn, giá trị cao, thiếu hụt nghiêm trọng các sản phẩm nhà ở với mức giá phù hợp.

VARS chỉ rõ nguyên nhân khiến giá nhà trong thời gian tới sẽ khó "hạ nhiệt" như kỳ vọng dù nguồn cung ngày càng phong phú. Ảnh: Internet
Nguyên nhân thứ 2 đến từ việc chi phí đầu vào, trong đó có chi phí về đất đai tăng cao.
Tiếp đến là tâm lý đầu cơ, tích lũy tài sản, kỳ vọng tăng giá trước các thông tin về quy hoạch, sáp nhập, "ăn theo" các đại dự án.
Nguyên nhân cuối cùng đến từ việc tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như quá trình đô thị hóa nhanh chóng khiến gia tăng nhu cầu, đẩy giá tăng bất chấp.
Theo VARS, giá bất động sản tăng cao khiến những người có thu nhập trung bình và thấp ngày càng khó tiếp cận nhà ở. Ngoài ra, đây cũng là một trong những lý do gây rủi ro trong quản lý Nhà nước, khiến thị trường mất an toàn, đối mặt với nhiều rủi ro...

Các chuyên gia kiến nghị cần có lộ trình tăng giá hợp lý, công khai các thông tin liên quan đến giao dịch BĐS. Ảnh: Internet
Đứng trước thực trạng này, các chuyên gia kiến nghị cần có lộ trình tăng giá hợp lý, công khai các thông tin cũng như tiến hành kiểm soát giao dịch, sàng lọc các trường hợp bất thường không phản ánh giá trị thực; chống đầu cơ, thao túng giá theo hướng tăng cường giám sát, xử lý các hành vi thổi giá và tạo sốt ảo.
Nhận định về thị trường BĐS giai đoạn nửa cuối năm 2025, Tổ nghiên cứu của VARS nhận định, nguồn cung sẽ tiếp tục được cải thiện với nhiều dự án nhà ở thương mại được triển khai sau khi đã được "cởi trói" về mặt pháp lý.
Theo đó, tỷ trọng đóng góp của khu vực miền Nam dự kiến sẽ "bám sát" khu vực miền Bắc nếu các dự án đang triển khai ra hàng đúng theo lộ trình.
Thời gian tới, xu hướng về việc phân hóa nguồn cung theo doanh nghiệp cung ứng vẫn sẽ tiếp diễn nhưng sẽ có thêm sự trở lại của nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực BĐS.
Lãnh đạo VARS kỳ vọng việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo nguyên tắc thị trường sẽ giúp minh bạch hóa thị trường, giảm thất thu ngân sách và đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, bảng giá đất mới có nguy cơ gây ra nhiều bất cập: Giá tăng đột biến khi nhiều địa phương điều chỉnh gấp hàng chục lần so với trước; mức giá áp dụng còn mang tính "đánh đồng", chưa phản ánh đúng từng nhóm đối tượng, thiếu linh hoạt.
Giá đất tăng cũng kéo theo thuế, phí liên quan tăng, tạo gánh nặng lớn cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, việc áp dụng bảng giá mới quá gấp, chưa có lộ trình rõ ràng, càng gây "sốc" cho cả người dân và doanh nghiệp, nhất là ở các khu vực vùng ven, nơi đời sống còn nhiều khó khăn.