Aa

Góp thêm xung lực lấn biển Cần Giờ

Thứ Hai, 27/07/2020 - 13:35

Địa lý đã làm nền cho một quy luật phát triển của người Việt. Phải học sông núi bài học về lấn biển mở đất, phải tiến ra biển mà tìm thêm giàu mạnh cho vững vàng phát triển đất nước.

Lời tòa soạn:

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một trong những nhà lãnh đạo rất trăn trở về việc cải tạo và phát triển vùng biển ngập mặn Cần Giờ, có lần nói ngoại đề về việc họp hành và bàn lùi quá nhiều, rằng: “Ở ta, nếu không muốn làm cái gì thì cứ mang ra mà họp bàn, ắt sẽ khỏi phải làm nữa”. Vì vậy, nếu Dự án lấn biển Cần Giờ đã được nghiên cứu, bàn bạc, lắng nghe đủ rồi thì cần quyết tâm thực hiện khẩn trương. Những ý kiến phản biện, góp ý sẽ vẫn được lắng nghe trong quá trình tiến hành để hướng đến thành công chứ không nên là trở lực. Reatimes xin trân trọng giới thiệu bài viết của Nhà văn Nguyễn Thành Phong về việc thực hiện Dự án này…

Dự án xây dựng nên một tiểu thành phố tinh hoa ở vùng biển Cần Giờ, biến ý tưởng đánh thức và cải tạo một vùng sình lầy hoang vu mênh mông, triền miên ngập mặn, từ đó sẽ mọc lên, hình thành một khu đại đô thị hiện đại, đã được Chính phủ phê duyệt. Để đến được kết quả này là đã trải qua rất nhiều thời gian dài nghiên cứu, khảo sát và chờ đợi.

Đó là một hành trình kết tinh bao nhiêu tâm huyết và mong ước của rất nhiều con người thuộc mấy thế hệ, bây giờ mới gặp thời vận và tâm huyết của những con người thời nay thì mới mở ra được cái dấu mốc ghi nhận điểm bắt đầu con đường hiện thực hoá.

Đây là một đại dự án đánh thức tiềm lực. Một dự án đại quy mô, đáp ứng thật nhiều kỳ vọng, hứa hẹn sẽ đóng góp một bước tiến mới vào công cuộc chinh phục thiên nhiên bền bỉ hướng về phía biển của dân tộc ta...

Đó là một tin tốt lành tầm cỡ! Tầm cỡ thì tất nhiên là đã và sẽ còn thu hút nhiều quan tâm, bàn luận, phân tích, phản biện... Nhưng bàn luận và phản biện gì thì cũng là vun đắp vào xung lực để làm cho dự án ấy nhanh hình thành, để chúng ta không phải chờ đợi lâu hơn nữa!

Cần Giờ nhìn từ trên cao. (Ảnh: sưu tầm)

Địa lý Việt Nam, núi sông đều hướng và đổ ra biển cả. Sông Hồng và các chi lưu, phụ lưu, đã triệu năm nay cần mẫn bào mòn đất đá từ núi cao mang xuống để bồi tụ nên đồng bằng Bắc Bộ. Chín ngọn rồng của sông lớn Cửu Long cũng như thế mà làm nên mênh mông Nam Bộ. Các dòng sông ngắn và dốc miền Trung cũng không kém miệt mài bao năm tháng để làm nên vùng đồng bằng nhỏ hẹp nhưng trải dài dọc Trung Bộ… Địa lý đã làm nền cho một quy luật phát triển của người Việt. Phải học sông núi bài học về lấn biển mở đất, phải tiến ra biển mà tìm thêm giàu mạnh cho vững vàng phát triển đất nước.

Người Việt nhiều đời cứ thế mà thụ hưởng kết tụ và thành quả của thiên nhiên. Và rồi đến lúc, con người với tầm nhìn và khát vọng, đã đổ mồ hôi sôi nước mắt, quyện thân phận mình vào với thiên nhiên, để thúc đẩy và đón lấy cơ hội mở đất ra biển, mà quản lý và ngự trị đất đai.

Cách đây hai trăm năm, Đại tướng quân, thi sỹ Nguyễn Công Trứ đã tập hợp và chỉ huy những trai đinh mạnh mẽ nhất cùng dân nghèo ở vùng Thái Bình trần mình ra để đào sông, quai đê ngăn mặn, dựng nên xóm ấp giữa vùng sình lầy hoang vu Tiền Châu kẹp giữa hai cửa sông Ba Lạt và Trà Lý, lập nên huyện Tiền Hải ngày nay bên biển Đồng Châu nghe sóng hát. Tiếp đó, Nguyễn Công Trứ lại chỉ huy trai đinh Ninh Bình vật đất đào sông Ân mà lấn biển cói với sú vẹt, để dựng nên huyện Kim Sơn, bây giờ là vùng đất trù phú, trầm mặc sương khói, sáng chiều vang tiếng chuông nhà thờ…

Nguyễn Công Trứ người quê Hà Tĩnh, sinh năm 1778 tại Thái Bình, mất năm 80 tuổi. Ông là một con người văn võ toàn tài, thăng trầm, đã sống với chí làm trai như câu thơ nổi tiếng của ông: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông”. Nguyễn Công Trứ chỉ huy quân sĩ dẹp loạn Phan Bá Vành ở Thái Bình năm 1827. Đạo làm tướng thì phải hộ quốc và an dân. Dẹp loạn là hộ quốc, xong rồi thì lập tức tính kế an dân lâu dài. Năm 1828, Nguyễn Công Trứ đề nghị với triều đình và được nhà Nguyễn phong chức Dinh điền sứ để bắt đầu công cuộc mở đất này và hoàn thành trong thời gian rất ngắn, với huyện Tiền Hải lập năm 1828, huyện Kim Sơn năm 1829...

(Ảnh: sưu tầm) 

Cùng thời, ở Nam Bộ, là câu chuyện của Nguyễn Văn Thoại, tức Thoại Ngọc Hầu, vị danh tướng với chức Khâm sai Thượng đạo Bình Tây tướng quân. Ông là người quê ở phủ Điện Bàn, Quảng Nam (nay thuộc thành phố Đà Nẵng), sinh năm 1761 và mất năm 1829. Ngay sau khi phò tá nhà Nguyễn dẹp xong các loại loạn giặc ở miền Tây, Thoại Ngọc Hầu đã mở ra một công cuộc khai phá Nam Bộ. Ông cho đào một con kênh dài 30km, nối rạch Đông Xuyên (Long Xuyên) với ngọn Giá Khê (Rạch Giá). Đào xong, vua Gia Long đã cho lấy tên ông để đặt cho tên núi là Thoại Sơn và kênh Thoại Hà. Sau đó, Thoại Ngọc Hầu lại cho đào một con kênh dài hơn 87km dọc theo biên giới Tây Nam nối liền Châu Đốc với Hà Tiên, nối sông Châu Đốc ra vịnh Thái Lan. Con kênh được đặt tên theo tên vợ ông, bà Châu Thị Tế, gọi là kênh Vĩnh Tế. Đào xong hệ thống kênh, Thoại Ngọc Hầu cho chiêu dân lập nhiều làng mới trên bờ kênh Vĩnh Tế và đắp con đường bộ nối từ Châu Đốc lên Lò Gò. Tất cả những việc lớn nói trên chỉ diễn ra trong thời gian hơn năm năm.

Kể ra như thế để thấy, công cuộc dựng biển Cần Giờ bây giờ chính là tiếp bước tiền nhân. Dựng biển thì tất nhiên phải đối đầu với sóng gió và thử thách. Hãy học tiền nhân cả cách đối mặt với những ngăn trở, sóng gió, thách thức và học cả tiến độ biến ý tưởng thành hiện thực của Nguyễn Công Trứ và Thoại Ngọc Hầu nữa!

Công cuộc dựng biển Cần Giờ bây giờ chính là tiếp bước tiền nhân... (Ảnh: sưu tầm) 

Công cuộc lấn biển thời nay của Việt Nam chắc chắn sẽ phải tiếp thu được những tinh hoa lấn biển của thế giới. Tôi tin những người có trọng trách trong đại dự án này đã nghiên cứu thành công của các quốc gia như Hàn Quốc, UAE… Họ chắc đã ngắm nhìn, đã khảo sát Palm Jumeirah, Deira Islands ở Dubai của UAE, đã biết Songdo Incheon ở Tây Bắc Hàn Quốc, đã tìm hiểu việc lấp vịnh Chonshu do Tập đoàn Huyndai thực hiện ở Tây Nam Hàn Quốc…

Lại nhớ đến Lý Công Uẩn, vị vua mở ra triều đại nhà Lý rực sáng hơn 200 năm trong lịch sử. Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi, một năm sau, năm 1010 đã làm cuộc rời đô vĩ đại về Thăng Long, sau đó, là đổi tên địa danh Cổ Pháp thành phủ Thiên Đức và lấy tên ấy đặt cho dòng sông được đào đắp, khơi thông, nối từ sông Hồng sang sông Thái Bình, sông Cầu, sông Thương ở Lục Đầu Giang. Sông Thiên Đức khơi dòng từ thời ấy dần dần mới thành dòng Đuống hiền hòa ngày nay. Từ Lý Công Uẩn ban chiếu rời đô, rồi bao nhiêu thế hệ kế tiếp vun đắp dựng xây mới thành Hà Nội ngày nay. Sông Thiên Đức mở ra, vừa chia lũ sông Hồng xối vào kinh thành Thăng Long, vừa làm đường giao thông thuận lợi và điều tiết nước cung cấp cho những ruộng đồng vườn bãi một vùng quê mênh mông thành thơ mộng. Lý Công Uẩn mở sông, rồi đến đời Trần khơi rộng, thời Nguyễn tiếp nối mới biến sông Đuống thành ân sủng thiên đức mà trời đất dâng tặng cho người Việt chúng ta.

Nhớ thế, để càng tâm đắc việc lấn biển, dựng lên những đại công trình để lại cho hậu thế là việc lớn lao, là “kinh thiên, động địa”. Chúng ta không thể chờ đợi lâu hơn nữa, phải bắt đầu bằng những bước đi lớn để mở ra, và rồi hậu thế sẽ còn bước tiếp bằng những bước đi với tầm vóc lớn lao hơn nữa…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top