Jordan và câu chuyện "phù phép" di sản thành "cỗ máy hút tiền"

- 06:00, 03/07/2017 G7T+7 - Phan Minh

Jordan được đánh giá là một trong những quốc gia bảo tồn di sản tốt nhất thế giới, với cách làm thông minh và sự đầu tư bài bản, quốc gia này còn "phù phép" những di sản thành "cỗ máy hút tiền". Với tổng GDP là 38.67 tỷ USD, GDP trên đầu người lên tới 6000 USD, Jordan trở thành đất nước có GDP ngành du lịch – dịch vụ chiếm hơn nửa cấu trúc ngành (64.6%).

Chính phủ Jordan cho rằng các di tích, di sản văn hóa là những kho báu của mỗi quốc gia, chúng nên và phải được chia sẻ cho toàn thế giới và được bảo tồn cho con cháu đời sau.

Muốn làm được như vậy, trước nhất phải phát triển cơ sở hạ tầng du lịch với các chính sách quy hoạch chi tiết cho từng vùng để vừa phát triển được du lịch, vừa bảo tồn được di tích ở vùng đó. Do đó, Jordan mạnh tay đầu tư những khoản tiền khổng lồ vào quy hoạch hạ tầng du lịch.

Chông chênh trước "kho báu" di sản

Jordan vốn được biết đến là một quốc gia Ả Rập tại Trung Đông với vô số các di sản văn hóa của nhân loại và là điểm đến thu hút nhiều du khách. Trước năm 1985, quốc gia này có lượng khách du lịch ở mức trung bình, do đó việc quản lý, bảo tồn di sản và phát triển du lịch cũng không quá khó khăn.

Tuy nhiên kể từ năm 1985, sau khi UNESCO công nhận Thành cổ Petra là Di sản thế giới, lượng khách du lịch đến với Jordan tăng đột biến khiến cho việc quản lý du lịch trở nên mất kiểm soát, các di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, cơ sở vật chất không đáp ứng được với sự tăng vọt của lượng khách du lịch… Kết quả là chất lượng du lịch của Jordan bị đánh giá thấp, lượng khách giảm dần và du lịch trở nên kém phát triển hơn cả so với thời kì đầu, đồng thời, các di tích tiếp tục bị bào mòn.

Biển Chết, một trong những kỳ quan mà Jordan may mắn sở hữu

Biển Chết, một trong những kỳ quan mà Jordan may mắn sở hữu

Trước năm 2007, rất nhiều thành phố của Jordan rơi vào tình trạng đói nghèo, các dịch vụ vận tải vô cùng nghèo nàn, giao thông hỗn loạn, quy hoạch và quản lý yếu kém. Trong khi đó, hầu hết các thành phố trên đều sở hữu những nguồn di sản văn hóa hết sức quý giá của nhân loại như Thành cổ Petra (cũng là 1 trong 7 kỳ quan của thế giới hiện đại), Wadi Rum – thung lũng mặt trăng, Amman – thành phố cổ giữa Trung Đông, Biển Chết… nhưng chúng không được quản lý, bảo tồn để phát triển kinh tế thông qua du lịch.

Thời điểm đó, du lịch của Jordan đóng góp 11% vào nền kinh tế quốc dân, cũng là nhân tố đóng góp lớn nhất vào GDP của nước này.

Tuy nhiên, các nghiên cứu của UNWTO (Tổ chức Du lịch thế giới) lại chỉ ra rằng, mặc dù có nhiều di tích nhưng Jordan không thể theo kịp các đối thủ cạnh tranh cùng khu vực trong ngành công nghiệp không khói này. Vậy nguyên nhân là do đâu? Câu trả lời là cơ sở hạ tầng không được phát triển để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và thiếu tiền đầu tư để bảo tồn di sản.

"Lội ngược dòng" và châm ngôn bất hủ

Chính phủ nước này đã không ngần ngại đầu tư những khoản tiền khổng lồ để đáp ứng cơ sở hạ tầng cho du lịch. Đồng thời, họ cũng chấp nhận sự trợ giúp đến từ Dự án Phát triển đô thị, du lịch và di sản văn hóa của Jordan - một trong rất nhiều dự án được Ngân hàng Thế giới hỗ trợ việc phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch tại các vùng có di sản văn hóa.

Cho đến thời điểm hiện tại, câu châm ngôn bất hủ của Chính phủ Jordan vẫn còn được sử dụng: “Đây không chỉ là kho báu – thứ chúng ta chia sẻ cho thế giới mà chúng ta còn cần phải chung tay để bảo tồn nó cho con cháu đời sau…”.

Đây không chỉ là kho báu – thứ chúng ta chia sẻ cho thế giới mà chúng ta còn cần phải chung tay để bảo tồn nó cho con cháu đời sau…

Theo đó, Chính phủ Jordan hướng đến việc phát triển du lịch di sản làm nòng cốt của nền kinh tế tại 5 thành phố của Jordan là Jerash, Karak, Madaba, Salt và Ajloun; cùng vùng Thành cổ Petra theo một cách có hệ thống. Và họ nhấn vào 4 điểm quan trọng, mà chủ yếu là tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng cho loại hình du lịch bền vững để thu được lợi ích kinh tế rồi lấy lợi ích kinh tế đó đi để làm vốn cho việc bảo tồn di sản. Cụ thể bao gồm:

  • Thúc đẩy cơ sở hạ tầng đô thị và tái tạo (trùng tu) các cảnh quan văn hóa ở 5 trung tâm đô thị cổ tại Jordan. Ví dụ: Nâng cấp đường phố, hệ thống thoát nước, vỉa hè và biển báo; tái phát triển và làm sạch các không gian công cộng, mặt tiền của các công trình; quy hoạch quản lý giao thông và nơi đỗ xe xung quanh vùng di sản…
  • Xây dựng các trung tâm đón khách mới (resort, khách sạn, nhà hàng và các không gian cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng, khám phá khác cho khách du lịch) ở quanh khu Thành cổ Petra.
  • Hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhóm dân cư quanh vùng di sản.
  • Nâng cao năng lực xây dựng của nhà đầu tư để hướng tới các công trình phục vụ du lịch bền vững, du lịch thân thiện với di sản và tăng cường giám sát việc thực hiện.

Trong suốt quá trình phát triển cơ sở hạ tầng du lịch và cả quá trình khai thác du lịch ở vùng di sản, các di tích, di sản văn hóa luôn được đặt trong vòng bảo vệ và tu sửa nếu cần thiết để đảm bảo khai thác lâu dài.

"Phù phép" Thành cổ Petra thành "cỗ máy hút tiền"

Nổi bật nhất phải kể đón việc bảo tồn và phát triển du lịch trải nghiệm ở vùng Thành cổ Petra, với riêng một bản Quy hoạch chi tiết chiến lược, có sự tham gia của 400 thành viên tham gia bao gồm: chính quyền địa phương, đại diện các nhóm phụ nữ, đại diện các nhóm người trẻ và cả các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực liên quan...

Diện tích vùng Thành cổ được khoanh vùng mở rộng lên khoảng gần 900km2, 93.8% diện tích đó được đặt trong sự bảo tồn mở (không có rào chắn), trong đó 264km2 được thiết kế để trở thành khu vực khảo cổ.

Từ khu vực cửa vào, hoàn toàn không có bất kì một phương tiện nào dược đi lại mà khách du lịch chỉ có thể đi bộ hoặc thuê ngựa, lừa để cưỡi. Tính riêng khu du lịch xung quanh di tích Thành cổ Petra có tới gần 60 khu nghỉ dưỡng, khách sạn và nhà nghỉ phục vụ khách du lịch cùng nhiều các loại hình nhà nghỉ tư nhân khác.

Dù quãng đường từ cửa vào khu di tích đến đền cuối cùng của Thành cổ Petra kéo dài gần 10km nhưng khách tham quan vẫn phải đi bộ hoặc đi ngựa, lừa để tránh gây ảnh hưởng đến di tích

Dù quãng đường từ cửa vào khu di tích đến đền cuối cùng của Thành cổ Petra kéo dài gần 10km nhưng khách tham quan vẫn phải đi bộ hoặc đi ngựa, lừa để tránh gây ảnh hưởng đến di tích

Các khách sạn và khu nghỉ dưỡng này chỉ được xây dựng trong giới hạn cho phép để không gây ảnh hưởng đến di tích. Vì vậy, chúng chỉ được xây dựng cách xa khu vực Thành cổ tối thiểu là 10 phút đi bộ, tương đương khoảng gần 1.5km để tránh các ảnh hưởng đến đất và địa tầng vùng di tích.

Điều đặc biệt ở đây là hầu hết các nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng phục vụ cho nhu cầu du lịch tại Thành cổ Petra đều sở hữu một hồ nước nhỏ và các vùng cây xanh nhất định.

Điều này được lý giải là do các yếu tố trên có thể giúp giảm bớt nhiệt lượng tác động của môi trường vào bên trong khu nghỉ ngơi của khách du lịch. Mặt khác, năng lượng sử dụng cho những không gian này chủ yếu là năng lượng tái tạo từ gió và năng lượng mặt trời. Và như vậy, các ảnh hưởng trực tiếp của hệ thống điều hòa, sự tiêu thụ năng lượng lên không khí và ảnh hưởng gián tiếp của nó đến di tích được giảm thiểu đáng kể.

Mövenpick Resort Petra và nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn khác chỉ được xây dựng cách khu Thành cổ tối thiểu là gần 1.5km

Mövenpick Resort Petra và nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn khác chỉ được xây dựng cách khu Thành cổ tối thiểu là gần 1.5km

Ở một số nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng được xây dựng với các vật liệu hoàn toàn xanh: đá tự nhiên, gỗ thủ công… như Mövenpick Resort Petra, Feynan Eco-lodge… Đồng thời, tất cả các đơn vị nghỉ dưỡng trên cũng thực hiện việc tôn trọng môi trường tự nhiên, tiết kiệm, tái sử dụng và tái chế; đồng thời họ cũng khuyến khích khách du lịch làm điều đó, đặc biệt là tiết kiệm nước và năng lượng.

Đối với các thành phần tư nhân, mà cụ thể là người Bedounis, những người đã từng sống bên trong Petra đã được chính phủ yêu cầu di dời ra bên ngoài cách đây gần 30 năm. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít người trong số họ ở lại và thể hiện nét văn hóa của mình cho khách du lịch chiêm ngưỡng. Và tất nhiên, họ cũng được hướng dẫn và đào tạo những kiến thức căn bản để góp phần bảo tồn di sản và phát triển du lịch văn hóa của Petra.

Thành cổ Petra có đến 4 cơ quan lớn song song tham gia bảo tồn và phát triển du lịch bao gồm Ủy ban khu vực Petra – cơ quan chịu trách nhiệm phát triển du lịch vùng; Ủy ban trách nhiệm quốc gia Petra – cơ quan chịu trách nhiệm đào tạo hướng dẫn và nghiên cứu ảnh hưởng của du lịch đến Thành cổ; Trung tâm Bảo tồn và Lưu trữ Đức – Jordanian ở Petra (CARCIP) – cơ quan đề xuất các ý kiến tôn tạo lại; và Ủy ban Phát triển Petra và Du lịch vùng (PDTRA), chịu trách nhiệm giám sát khu vực Thành cổ Petra và công viên khảo cổ học.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức tư nhân và các cá nhân khác chung tay thực hiện việc bảo tồn di sản. Đồng thời, Trung tâm Khách du lịch cũng được thành lập gần khu vực Thành cổ.

25% trong tổng số tiền khổng lồ thu được từ việc bán vé vào cửa khu Thành cổ Petra được sử dụng cho việc bảo tổn và tôn tại chính nó

25% trong tổng số tiền khổng lồ thu được từ việc bán vé vào cửa khu Thành cổ Petra được sử dụng cho việc bảo tổn và tôn tại chính nó

Khoảng 25% tổng số tiền thu được từ giá vé vào cửa (giá vé trung bình vào khoảng 70 JD, tương đương 98 USD) sẽ được sử dụng để thực hiện các biện pháp bảo tồn Petra. Theo thống kê của PDTRA, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 600 nghìn du khách đến với Thành cổ Petra, như vậy 25% doanh thu từ vé vào cửa di tích này là bao nhiêu thì có lẽ bất kì ai cũng có dễ dàng tính ra, con số vô cùng lớn mà quốc gia này kiếm được chỉ để tu bổ và bảo tồn cho Petra.

Đến nay, Thành cổ Petra cũng như các di sản văn hóa khác của Jordan vẫn đang tiếp tục được bảo tồn và phát triển du lịch như vậy. Với tổng GDP là 38.67 tỷ USD, GDP trên đầu người lên tới 6 nghìn USD, Jordan trở thành đất nước có GDP ngành du lịch – dịch vụ chiếm hơn nửa cấu trúc ngành (64.6%) với sự bảo tồn di sản thuộc hàng tốt nhất thế giới.

Tham khảo thêm tại: Washington Post, Wikipedia, World Bank, Islamic Tourism, www.arquitectes.cat, Vietnam Export

Bạn đang đọc bài viết Jordan và câu chuyện "phù phép" di sản thành "cỗ máy hút tiền" tại chuyên mục của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục